HoREA kiến nghị không thu hồi, hủy bỏ quyết định chủ trương đầu tư
Tạm dừng để rà soát về pháp lý
Theo HoREA, quyết định chủ trương đầu tư là khởi đầu tiến trình pháp lý của một dự án có quỹ đất hỗn hợp, làm cơ sở cho mọi thủ tục hành chính tiếp theo như: Quyết định quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; quyết định chấp thuận chủ đầu tư dự án; quyết định giao đất; giấy phép xây dựng; quyết định tiền sử dụng đất...
Vì thế, việc thu hồi, hủy bỏ quyết định chủ trương đầu tư sẽ tác động đến tính pháp lý của các quyết định sau đó của dự án. Người mua nhà tại các dự án này rất lo lắng và đề nghị được đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình.
Điển hình, ngày 27/12/2018, UBND thành phố đã có Quyết định số 5981/QĐ-UBND về thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 4140/QĐ-UBND ngày 12/08/2016 và Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 12/02/2018 của UBND TP về quyết định chủ trương đầu tư Dự án Trung tâm Thương mại - Dịch vụ - Căn hộ tại số 76 Tôn Thất Thuyết, P.16, Q.4 của Công ty TNHH Đầu tư Sabeco HP.
Với lý do: Cơ sở pháp lý để đề xuất ra quyết định chủ trương đầu tư dự án chưa chính xác, cụ thể là Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) báo cáo không chính xác về pháp lý sử dụng tài sản trên đất của khu đất và ý kiến của UBND Q.4 là đất trống trong khi thực tế vẫn còn 14 hộ dân đang cư ngụ, cần rà soát làm rõ.
Cho nên, đối với dự án cần rà soát về pháp lý thì HoREA đề nghị cùng UBND thành phố chỉ đạo tạm dừng, thực hiện quyết định chủ trương đầu tư dự án, chứ không nên ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định chủ trương đầu tư dự án vì không hợp lý.
Đồng thời, kiến nghị các sở, ngành, UBND quận, huyện khẩn trương thực hiện rà soát, sớm trình UBND thành phố để kết luận, xử lý cụ thể từng dự án, theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục hành chính còn thiếu, hoặc yêu cầu thẩm định lại tiền sử dụng đất dự án, để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh nộp vào ngân sách nhà nước (nếu có) và doanh nghiệp có thể tiếp tục triển khai thực hiện dự án.
Cần gỡ khó cho doanh nghiệp
Cũng tại buổi làm việc, HoREA cùng nhiều doanh nghiệp đã thẳng thắn nêu ra những bất cập còn tồn đọng và kiến nghị lãnh đạo thành phố tìm cách tháo gỡ khẩn những "điểm nghẽn" vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.
Điển hình, Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) hiện doanh đang đầu tư dự án khu liên hợp văn phòng - căn hộ - thương mại rộng hơn 5.000 m2 tại khu vực giao lộ Tản Đà - Hàm Tử, Q.5. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang gặp vướng trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền sẽ khó vượt qua.
Cụ thể, trong 57 hộ dân được bồi thường tái định cư chỉ còn một hộ không chịu di dời và không có thái độ hợp tác. Hộ dân này không chấp nhận bồi thường theo phương án thành phố duyệt là khoảng 4 tỷ đồng mà đòi lên gần 30 tỷ đồng, tức tương đương khoảng 1,1 tỷ đồng/m2.
Tương tự, Công ty CP Địa ốc Phú Long trúng đấu giá 14 khu đất có diện tích 44,49ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè từ cuối năm 2004. Công ty đã thanh toán đủ toàn bộ tiền trúng đấu giá theo đúng quy định và được UBND thành phố cấp giấy đỏ. Công ty đã đầu tư xây dựng hình thành nên khu đô thị mới Dragon City.
Tuy nhiên, cho đến nay tại phân khu 15 của dự án vẫn còn tồn tại một hộ dân chưa chịu di dời, thậm chí còn có hành vi cản trở doanh nghiệp làm dự án. Trước tình hình đó, Phú Long đề nghị thành phố và huyện Nhà Bè hỗ trợ giao đất đầy đủ để dự án được hoàn thiện.
Còn đối với Công ty CP Kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh hiện đang triển khai thủ tục để lập dự án chung cư cao tầng tại P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức với tổng diện tích dự án là 28.980m2. Trong quá trình triển khai các thủ tục lập dự án, Hưng Thịnh gặp một số vướng mắc, khó khăn liên quan đến phương án kết nối giao thông với các tuyến đường quy hoạch tiếp giáp gồm đường vành đai 2, đường D5 và đường N2.
Vướng mắc chung của các dự án nhà ở tại TP.HCM được nhiều doanh nghiệp nhắc đến là quy định nhà đầu tư phải có quyền sử dụng đất ở hợp pháp. Cho nên HoREA và các doanh nghiệp đề nghị thành phố tháo gỡ điểm nghẽn về đất công, quy định về đất ở hợp pháp...