Theo đó, hai cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines và PLX của Petrolimex đã bị HoSE loại ra khỏi danh sách giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ trên BCTC hợp nhất soát xét 6 tháng năm 2020 là số âm.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2020, Petrolimex ghi nhận khoản lỗ ròng 816 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước công ty lãi ròng 2.382 tỷ đồng.
Theo giải trình của Petrolimex, quý đầu năm trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá dầu thế giới (WTI) giảm mạnh và liên tục từ 61,18 USD/thùng đầu qúy xuống còn 20,48 USD/thùng. Bước sang quý 2/2020, giá xăng dầu thế giới đã tăng trở lại sau chu kỳ giảm mạnh (giá dầu thô thế giới tăng từ 20,31 USD/thùng đầu quí lên 39,27 USD/thùng).
Tuy nhiên trước sự bùng phát mạnh của dịch bệnh trong tháng 4 khi cả nước phải cách ly xã hội khiến hoạt động kinh doanh phải chịu tác động về giá dầu cũng như cung – cầu thị trường và sự sụt cầu trong giai đoạn giảm giá cùng sức ép nguồn cung trong giai đoạn tăng giá với thương nhân đầu mối đóng vai trò chủ đạo trên thị trường như Petrolimex.
Tương tự, Vietnam Airlines cũng lỗ ròng hơn 6.559 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước công ty lãi 1.412 tỷ đồng. Tại ngày 30/6/2020, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines cao hơn 18.444 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn. Trong kỳ hoạt động 6 tháng kết thúc cùng ngày, công ty lỗ 6.678 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 5.362 tỷ đồng.
Tại BCTC kiểm toán 6 tháng đầu năm 2020 của Vietnam Airlines, kiểm toán viên cho biết, khả năng hoạt động liên tục trong 12 tháng tới sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp cũng như diễn biến của dịch bệnh.
Những điều kiện này cùng các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn có thể ảnh hưởng quan trọng đến khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines.
Kiểm toán viên cũng lưu ý việc điều chỉnh hồi tố khoản chi phí phải trả lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái phản ánh trên khoản mục chi phí tài chính. So với báo cáo tự lập, chi phí tài chính sau hồi tố giảm 170 tỷ đồng còn 1.374 tỷ đồng. Việc hồi tố nhằm đảm bảo phù hợp chuẩn mực kế toán, Thông tư số 200 năm 2014 của Bộ Tài chính.
Với sự góp mặt của HVN và PLX hiện sàn HoSE đang có 85 cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong đó có nhiều cái tên nổi bật như: YEG, MSH, DXG...