UBND tỉnh Lâm Đồng vừa quyết định cho phép Công ty Cổ phần Xây lắp và Vật liệu xây dựng Hưng Thịnh Lâm Đồng được tiến hành các hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện Krông Nô 2 thuộc công trình thủy điện Krông Nô 2 do Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Nam Krông Nô làm chủ đầu tư.
Cụ thể, Công ty Hưng Thịnh Lâm Đồng được nạo vét lòng hồ thủy điện Krông Nô 2 với tổng diện tích 10,6ha; Tổng khối lượng nạo vét gần 100.000m3 hỗn hợp nguyên khối, bao gồm cát, sỏi xây dựng, bùn, rác...; Chiều sâu nạo vét từ 0,8m đến 2,8m.
Thời gian nạo vét dự kiến trong 5 năm, trong đó năm thứ nhất đến năm thứ tư khoảng 20.000m3/năm; năm thứ năm khoảng 19.316m3.
Công ty Hưng Thịnh Lâm Đồng được phép lập bãi tập kết nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư tại lòng hồ thủy điện Krông Nô 2. Đối với khối lượng khoáng sản thu hồi trong quá trình nạo vét thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản và các quy định khác có liên quan.
Công ty Hưng Thịnh Lâm Đồng có trách nhiệm báo cáo UBND huyện Lạc Dương tổ chức xác định khối lượng khoáng sản thu hồi trong quá trình nạo vét kết hợp tận thu khoáng sản (làm vật liệu xây dựng thông thường) trong phạm vị hồ thủy điện Krông Nô; xác định, phê duyệt giá khởi điểm, các chi phí có liên quan và triển khai thực hiện đấu giá tài sản theo quy định.
Ngoài yêu cầu các sở ngành, cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng, huyện Lạc Dương… thực hiện giám sát hoạt động nạo vét, UBND tỉnh cũng yêu cầu Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Nam Krông Nô (đơn vị chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Krông Nô 2) thường xuyên theo dõi, giám sát, ngăn chặn các hoạt động xâm phạm gây mất an toàn cho công trình Thủy điện Krông Nô 2…
Thủy điện Krông Nô 2 và Thủy điện Krông Nô 3 của Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Nam Krông Nô là hai công trình thủy điện có nhiều sai phạm khi phát điện “chui” trong suốt 7 năm qua.
Cụ thể, hồi đầu tháng 3/2023, Đoàn thanh tra Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng kiểm tra thì phát hiện hai công trình thủy điện này chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình nhưng đã đưa vào vận hành phát điện.
Đối với vi phạm nêu trên, ngoài xử phạt bằng tiền còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được do vi phạm từ hoạt động phát điện để sung vào ngân sách nhà nước.
Ngày 24/4/2023, Sở Công thương đã xin ý kiến UBND tỉnh Lâm Đồng về việc không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với vi phạm của Công ty Cổ phần thủy điện Trung Nam – Krông Nô.
Tuy nhiên, UBND tỉnh không thống nhất với đề xuất của Sở Công thương và yêu cầu thực hiện đúng các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, áp dụng đầy đủ các hình thức xử phạt theo quy định.
Vì vậy, Sở Công thương đề nghị Công ty Cổ phần thủy điện Trung Nam – Krông Nô cung cấp kết quả hoạt động kinh doanh để làm cơ sở tiếp tục xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp này tại công trình thủy điện Krông Nô 2 và Krông Nô 3.
Thông tin về những vi phạm này, Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Nam Krông Nô cho biết: Dự án thủy điện Trung Nam Krông Nô 2 và 3 đã được xây dựng và đi vào hoạt động ổn định được một thời gian dài.
Cho đến nay, hai dự án này đã hoàn thành và có đầy đủ các giấy tờ. Trong đó gồm có giấy phép hoạt động điện lực, các dự án đáp ứng mọi điều kiện theo các điều khoản của hợp đồng mua bán điện (PPA) đã được ký với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Nam Krông Nô khẳng định, các dự án đều được Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cấp giấy phép hoạt động điện lực trước khi đưa vào vận hành khai thác và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước hàng năm và đều được kiểm toán bởi các đơn vị có thẩm quyền.
"Trong suốt 8 năm hoạt động, chúng tôi đã nộp ngân sách hơn 261 tỷ đồng cho địa phương một cách đầy đủ và nhanh chóng", đại diện Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Nam Krông Nô khẳng định.
Công ty này cũng xác nhận việc thiếu sót văn bản nghiệm thu và cho rằng nguyên nhân dẫn đến vi phạm là trước khi Nghị định số 17/2022/ NĐ-CP ngày 31/1/2022 của Chính phủ có hiệu lực thì Nghị định số 134/2013/ NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ không quy định xử phạt về hành vi này.
Do đó, các doanh nghiệp đã chủ quan, thiếu nghiên cứu để hoàn tất thủ tục gửi văn bản đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra và ban hành văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình thủy điện trước khi đưa vào hoạt động khai thác.