Ngày 29/10 tại Armonk, New York, Mỹ (trụ sở chính của IBM) và Raleigh, North Carolina (trụ sở chính của Red Hat), IBM và Red Hat, nhà cung cấp phần mềm đám mây nguồn mở số 1 thế giới, đã công bố hai công ty vừa đạt được một thỏa thuận cam kết, theo đó IBM sẽ mua lại tất cả các cổ phần phổ thông đang lưu hành của Red Hat với giá 190 USD/cổ phiếu dưới dạng tiền mặt, tương đương với tổng giá trị khoảng 34 tỷ USD. Đây là thương vụ mua bán - sáp nhập quan trọng nhất trong làng công nghệ thế giới trong năm 2018.
"Việc mua lại Red Hat là một thương vụ mang tính thay đổi cuộc chơi, sẽ thay đổi hoàn toàn mọi thứ liên quan đến thị trường điện toán đám mây", Bà Ginni Rometty - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của IBM, cho biết. "IBM sẽ trở thành nhà cung cấp đám mây lai số 1 thế giới, cung cấp cho các doanh nghiệp giải pháp đám mây mở duy nhất để khai phóng toàn bộ giá trị của đám mây doanh nghiệp."
"Nguồn mở là lựa chọn mặc định cho các giải pháp CNTT hiện đại, và tôi vô cùng tự hào về vai trò của Red Hat trong việc biến nguồn mở thành hiện thực trong các doanh nghiệp", Jim Whitehurst - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Red Hat cho biết.
Thương vụ IBM-Red Hat đưa các nhà cung cấp đám mây lai tốt nhất thế giới lại gần nhau, và sẽ cho phép các công ty dịch chuyển an toàn tất cả các ứng dụng kinh doanh lên đám mây. Các công ty ngày nay đều đang sử dụng đồng thời nhiều đám mây. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy 80% khối lượng công việc kinh doanh vẫn chưa chuyển lên đám mây, chủ yếu là do tính chất độc quyền của thị trường điện toán đám mây ngày nay. Điều này ngăn cản tính di động của dữ liệu và ứng dụng trên nhiều đám mây, ảnh hưởng đến bảo mật dữ liệu trong môi trường nhiều đám mây và gây khó khăn trong việc quản lý đám mây một cách nhất quán.
IBM và Red Hat đang có vị thế mạnh nhất để giải quyết vấn đề này và thúc đẩy việc áp dụng nhiều đám mây lai. Hai doanh nghiệp hợp nhất sẽ giúp khách hàng tạo ra các ứng dụng doanh nghiệp từ đám mây nhanh hơn, mang lại khả năng di động và bảo mật dữ liệu và ứng dụng cao hơn trên nhiều đám mây công cộng và đám mây riêng, với một hệ thống quản lý đám mây nhất quán. Như vậy, hai công ty này sẽ phát huy thế mạnh dẫn đầu trong các công nghệ chủ chốt, như Linux, container, Kubernetes, công nghệ quản lý đa đám mây, và công nghệ quản lý và tự động hoá đám mây.
Với thương vụ này, IBM sẽ vẫn giữ nguyên cơ chế quản trị mở mà Red Hat đã cam kết, các đóng góp nguồn mở, mức độ tham gia vào cộng đồng nguồn mở và mô hình phát triển của Red Hat, và sẽ tiếp tục bồi dưỡng hệ sinh thái phát triển rộng rãi của Red Hat. Ngoài ra, IBM và Red Hat sẽ vẫn giữ vững cam kết thúc đẩy sự tự do của nguồn mở, thông qua những nỗ lực như Patent Promise, GPL Cooperation Commitment, Open Invention Network và LOT Network.
IBM và Red Hat cũng sẽ tiếp tục xây dựng và tăng cường các mối quan hệ đối tác Red Hat, bao gồm quan hệ với những nhà cung cấp đám mây lớn, như Amazon Web Services, Microsoft Azure, Google Cloud, Alibaba và nhiều hơn nữa, ngoài IBM Cloud. Đồng thời, Red Hat sẽ được hưởng lợi từ công nghệ đám mây lai và quy mô CNTT dành cho doanh nghiệp của IBM trong việc giúp mở rộng danh mục đầu tư công nghệ nguồn mở của Red Hat cho các doanh nghiệp trên toàn cầu.
Khi thương vụ hoàn tất, Red Hat sẽ gia nhập nhóm Hybrid Cloud của IBM như một đơn vị riêng biệt, duy trì tính độc lập và trung lập của di sản và cam kết phát triển nguồn mở của Red Hat, cũng như giữ nguyên danh mục sản phẩm hiện tại, chiến lược tiếp cận thị trường và văn hóa phát triển độc đáo của Red Hat. Red Hat sẽ tiếp tục được dẫn dắt bởi Jim Whitehurst và đội ngũ quản lý hiện tại của Red Hat. Jim Whitehurst cũng sẽ tham gia đội ngũ quản lý cấp cao của IBM và báo cáo trực tiếp lên Ginni Rometty. IBM dự định giữ nguyên trụ sở, cơ sở vật chất, thương hiệu và các tập quán của Red Hat.