Kéo lại dòng "vốn mồi" FDI từ nội khối châu Á

Dòng vốn FDI từ nội khối châu Á là một trong những chất xúc tác quan trọng thúc đẩy và giúp Việt Nam chuyển mình thành một trong những nền kinh tế cởi mở nhất trong khu vực...
Vốn FDi thời gian qua

Nhiều năm qua, dòng vốn FDI khối nội địa châu Á là những nhà đầu tư tiềm năng, hiểu rõ Việt Nam cả về mặt văn hóa và cách thức kinh doanh. Việc thu hút các doanh nghiệp đa quốc gia trong nội khối châu Á cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam không chỉ nâng tầm giá trị gia tăng của các sản phẩm xuất khẩu, mà còn có lợi cho việc mở rộng cả chiều sâu và chiều rộng của thị trường tiêu thụ nội địa.

Doanh nghiệp FDI chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu

Cho tới hiện tại, Việt Nam đã thành công trở thành một thị trường cận biên hàng đầu tại châu Á và là một nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu. Các công ty đa quốc gia cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có đặc quyền được tự do tiếp cận 15 trong số các thị trường nhóm G20.

Chính phủ Việt Nam đã tích cực tìm cách tận dụng các Hiệp định tự do thương mại (FTA) như một công cụ quan trọng tạo nền tảng thuận lợi cho tăng trưởng xuất khẩu của đất nước. Điều này được minh chứng bằng việc Việt Nam hiện có 15 FTA và nhiều hiệp định khu vực bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Những nỗ lực thậm chí còn rõ nét hơn khi Việt Nam, ngay trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đã cam kết và kiên trì thực hiện các FTA quan trọng bao gồm Hiệp định tự do thương mại Anh - Việt Nam, RCEP và CPTPP. Thị trường tiêu thụ nội địa của Việt Nam cũng là một đấu trường quan trọng không kém đối với các công ty đa quốc gia khi tiến vào đây.

Nghiên cứu gần đây của HSBC cho thấy đến năm 2030, thị trường tiêu dùng nội địa của Việt Nam sẽ vượt xa các thị trường Thái Lan, Anh và Đức.

Ông Joonsuk Park, Giám đốc Khối Kinh doanh Quốc tế, Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp, HSBC Việt Nam cho biết, các nhà đầu tư FDI hoặc các công ty đa quốc gia trong khu vực và toàn cầu đang hoạt động tại Việt Nam đóng góp hiệu quả cho hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu ra khỏi Việt Nam và hơn 25% giá trị đầu tư trong nước.

Trong số các công ty đa quốc gia đó, phần lớn là các công ty trong nội khối châu Á. Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam bao gồm điện thoại di động, hàng điện tử, máy móc nói chung, hàng may mặc, giày dép, sản phẩm gỗ… và đối với tất cả các lĩnh vực này, các công ty đa quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan và Singapore đóng vai trò không thể thiếu.

"Theo dõi và hỗ trợ dòng vốn đầu tư từ các quốc gia châu Á, một phần trong chiến lược xoay trục về châu Á của HSBC, chúng tôi đã và đang cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ về quản lý dòng tiền cho nhiều công ty đa quốc gia tiếp cận và hoạt động tại Việt Nam, và chúng tôi rất vui khi thấy dòng vốn đầu tư hàng năm đang duy trì phong độ ổn định", ông Joonsuk Park nêu quan điểm.

Bước sang năm 2023, một số công ty đa quốc gia toàn cầu ở châu Á thể hiện quan tâm đến Việt Nam, tham gia vào nhiều lĩnh vực bao gồm bán lẻ, chất bán dẫn, điện tử, linh kiện di động, nhựa, năng lượng tái tạo, logistics... Họ đang tìm cách mở rộng hoặc đầu tư mới vào đây.

Vốn FDI giảm rõ rệt

Mặc dù đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế là vậy, nhưng dòng "vốn mồi" này đang suy giảm rõ rệt. Cụ thể, từ năm 2019 đến năm 2020, lượng vốn FDI mới đăng ký vào Việt Nam đã giảm khoảng 25%. Mức đầu tư chỉ đi ngang trong năm 2021 và lại tiếp tục giảm nhẹ ở 2022.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này. Trong đó, Covid-19 rõ ràng đã khiến nhiều công ty đa quốc gia trên toàn cầu trì hoãn các quyết định đầu tư. Đồng thời, việc sớm mở cửa đất nước vào cuối năm 2021 ngay lập tức chưa thể thu hút dòng vốn FDI trở lại. 

Song song, kế hoạch và quyết định đầu tư đơn giản là cần có thời gian, chưa kể đến việc Việt Nam cũng đã trở nên chọn lọc hơn khi nhắm đến các khoản đầu tư có giá trị gia tăng cao hơn, chứ không hoàn toàn dễ dàng như trước đây.

Vốn FDI
Vốn FDI suy giảm rõ rệt

Thêm vào đó, các yếu tố như rủi ro địa chính trị gia tăng, áp lực lạm phát gia tăng, chi phí vay tăng và suy thoái thương mại toàn cầu đang đè nặng lên các quyết định đầu tư của giám đốc quản lý vốn và giám đốc tài chính của những doanh nghiệp đa quốc gia trong khu vực và trên toàn cầu.

Đấy là còn chưa kể tới các yếu tố ảnh hưởng tới quyết định của dòng vốn FDI như suy thoái thương mại toàn cầu đang ảnh hưởng đến xuất khẩu Việt Nam, lạm phát gia tăng gây cản trở tiêu dùng trong nước và sự cạnh tranh trực tiếp từ thị trường Trung Quốc...

Trong khi, việc thu hút trở lại dòng vốn FDI có tầm quan trọng thiết yếu đối mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% mà Quốc hội đặt ra hồi đầu năm.

Tiếp lửa từ dòng vốn FDI nội khối châu Á

Bối cảnh như đã nói đòi hỏi Việt Nam phải dùng nhiều biện pháp để khôi phục dòng vốn FDI trước kia, đặc biệt không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của dòng vốn từ nội khối châu Á.

Theo chuyên gia của HSBC, các nhà đầu tư trong khu vực châu Á có hiểu biết sâu sắc về thị trường Việt Nam từ cả góc độ văn hóa và cách thức kinh doanh. Sự thuận lợi về khoảng cách địa lý cũng giúp nhóm đầu tư này quyết định việc bổ sung vốn tại các trụ sở chính của doanh nghiệp dễ dàng di chuyển đến thị trường. Bản thân nhiều thị trường châu Á cũng chú trọng xuất khẩu, từ đó hiểu được lợi thế vốn có của việc tận dụng các hiệp định FTA đa dạng của Việt Nam.

"Thu nhập và tài sản ngày càng gia tăng của tầng lớp trung lưu Việt ngày càng củng cố những nỗ lực tiến sâu hơn vào thị trường tiêu dùng nội địa Việt Nam. Trong khi các công ty đa quốc gia phương Tây đang vật lộn với những thách thức từ kinh tế vĩ mô và căng thẳng địa chính trị, đây có thể là thời điểm thuận lợi để Việt Nam tập trung nỗ lực thu hút thêm nữa các dòng vốn FDI trong khu vực nội khối châu Á", chuyên gia của HSBC nhấn mạnh.

Quan điểm trung và dài hạn của các công ty về Việt Nam vẫn vững chắc. Nhiều nhà đầu tư FDI hiện tại và tiềm năng đều có cùng quan điểm rằng Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi nhờ có hệ sinh thái sản xuất đã được thiết lập, chi phí cạnh tranh, số lượng công nhân lành nghề ngày càng tăng, sự hỗ trợ pháp lý tiến bộ, tài sản và thu nhập của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, cũng như lợi thế từ việc tận dụng chiến lược Trung Quốc+1.

Đưa ra khuyến nghị, HSBC cho rằng, có nhiều biện pháp có thể được áp dụng để tăng cường dòng vốn FDI và chính phủ cũng hiện đang có nhiều nỗ lực để tiến hành. Nhiệm vụ lúc này là phải tăng tốc gấp đôi tốc độ tiến hành để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào các khung pháp lý.

"Việt Nam rõ ràng đang trên hành trình chuyển đổi để trở thành một thị trường mới nổi. Đầu tư FDI tích cực sẽ hỗ trợ đẩy nhanh hành trình đó. May mắn thay, chỉ số PMI tháng 2 vừa qua đã quay trở lại mức 50, báo hiệu sự hồi phục của những đơn đặt hàng xuất khẩu mới. Hãy cùng chào đón dòng vốn FDI từ nội khối châu Á – theo phương thức Việt Nam, với năng lượng tràn đầy và tinh thần khởi nghiệp", HSBC tin tưởng nêu quan điểm.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...