Theo số liệu thống kê chính thức do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/5, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 5/2018 ước đạt hơn 1,16 triệu lượt người, giảm 13,5% so với tháng 4/2018.
Trong 5 tháng đầu năm nay, khách đến từ châu Á đạt hơn 5 triệu lượt, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều tăng; trong đó, khách Trung Quốc tăng 37%, Hàn Quốc tăng 62,1%, Nhật Bản tăng 6,6%, Malaysia tăng 12,5%, Thái Lan tăng 9,1%, Singapore tăng 5,4%...
Khách đến từ châu Âu ước tính tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khách đến từ Liên bang Nga tăng 9,2%, Pháp tăng 13,1%, Vương quốc Anh tăng 9,6%; Đức tăng 8,5%; Italy tăng 18,3%... Khách đến từ châu Mỹ tăng 13,8%, từ châu Đại Dương tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2017…
Nhiều địa phương trọng điểm du lịch nước ta cũng đón lượng khách du lịch tăng đáng kể. Trong đó khách tới tham quan, du lịch Đà Nẵng trong 5 tháng đầu năm 2018 tăng mạnh, đặc biệt là khách quốc tế. Đến thời điểm này, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng ước đạt hơn 3,2 triệu lượt, tăng 30,4% so với cùng kỳ 2017, trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 1,35 triệu lượt, tăng 51,3% so với cùng kỳ 2017. Khách nội địa tăng 18,4% so với cùng kỳ 2017. Tổng thu du lịch ước đạt hơn 11 tỷ đồng, tăng 53,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Khánh Hòa cũng đã đón hơn 2,44 triệu lượt khách du lịch trong 5 tháng qua, tăng 20,75% so với năm 2017, trong đó có hơn 1,17 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 50%.
Trong tháng 5/2018, ngành du lịch cũng gặp phải những sự cố đáng tiếc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, thương hiệu du lịch nước nhà. Gần đây nhất là vụ nữ du khách Australia là Lynne Ryan phản ánh trên mạng xã hội về dịch vụ du lịch kém chất lượng, không đúng như quảng cáo khi mua tour đến thăm Vịnh Hạ Long. Một số cơ quan báo chí cũng đăng tải lại phản ánh này của du khách. Về vấn đề này, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý, trong đó buộc đơn vị bán tour kém chất lượng là Văn phòng du lịch Spring Travel Agency, địa chỉ số 21, Ngõ Huyện, Hoàn Kiếm, Hà Nội phải xin lỗi, bồi thường cho du khách; nghiêm túc kiểm tra, xử lý sai phạm của tàu HP Hoàng Phương 16 HP4686, đồng thời rà soát toàn bộ tàu phục vụ du lịch ở Hải Phòng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cũng đã chính thức gửi thư tới nữ du khách Australia, cảm ơn du khách về những thông tin phản ánh để ngành du lịch kịp thời khắc phục...
Nhật Bản cũng là một thị trường chính của du lịch Việt Nam, lượng khách Nhật Bản đến Việt Nam có tăng nhưng chưa nhiều. Trong tháng 5/2018, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức hội thảo thúc đẩy thị trao đổi khách du lịch giữa 2 nước.
Năm 2017, có gần 800.000 lượt khách Nhật Bản đến Việt Nam, tăng 8% so với năm 2016. Trong năm 2017 đã có 308.000 khách Việt Nam đến Nhật Bản. Hiện các cơ sở lưu trú, đường bay ở Việt Nam đã đáp ứng tốt việc đón, phục vụ khách Nhật Bản, kể cả vào mùa cao điểm. Tuy nhiên, khó khăn chủ yếu hiện nay của du lịch nước ta là lượng hướng dẫn viên nói tiếng Nhật còn thiếu, nhất là ở khu vực miền Trung. Thêm vào đó, thời gian khách du lịch Nhật Bản lưu trú ở Việt Nam còn ngắn nên ngành du lịch Việt Nam cần xây dựng sản phẩm du lịch mới phù hợp với thị hiếu của khách.
Riêng về việc đưa khách Việt Nam đi Nhật Bản, Hiệp hội lữ hành Việt Nam đề xuất phía Nhật Bản nới lỏng hơn chính sách visa, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đối tượng khách đoàn từ các công ty lữ hành lớn…/.
Thanh Giang