Mới đây, CBRE công bố kết quả thống kê của tổ chức này về đối tượng khách hàng mua nhà tại trường TP HCM. Số liệu được tổng kết dựa trên giao dịch thành công của CBRE, không phải của toàn thị trường.
Theo đó, tỷ lệ người Trung Quốc mua nhà tại TP HCM trong 9 tháng đầu năm 2018 là 31%, trong khi người Việt Nam chỉ đạt 24%. Cũng theo thống kê của CBRE, tỷ lệ người Trung Quốc mua nhà ở TP HCM tăng đột biến trong 3 năm qua.
Năm 2016, chỉ 2% người Trung Quốc mua nhà ở TP HCM, tăng gấp đôi vào 2017. Đến 9 tháng đầu năm 2018, người Trung Quốc từ chỗ xếp vị trí thứ 6 lên vị trí đầu tiên, vượt người Việt Nam, Hàn Quốc, Hong Kong trong danh sách đối tượng khách hàng mua nhà ở TP HCM phân theo lãnh thổ.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho rằng không cần lo lắng thái quá với số liệu thống kê vừa nêu của CBRE. Ông cho rằng các nhà đầu tư Trung Quốc hiện nay mua bất động sản nhiều nơi trên thế giới, không riêng gì Việt Nam. Đặc biệt, các thị trường mới nổi như thị trường lân cận, vùng ven là ưu tiên của người quốc gia này trong việc tìm kiếm đầu tư.
“Tuy nhiên, chúng ta cần có thống kê, theo dõi, làm rõ về pháp lý, dòng tiền của các khoản mua đó. Đặc biệt hơn, cần tìm hiểu vị trí mua, mục đích mua của khách hàng Trung Quốc, xem họ mua nhà ở TP HCM để làm gì”, ông Lực nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, phân tích, số liệu của CBRE không phản ánh toàn bộ thị trường TP HCM.
Theo đại diện Hiệp hội bất động sản TP HCM, con số 31% người Trung Quốc mua nhà trên thị trường TP HCM được đưa ra từ số liệu giao dịch của riêng CBRE, trong phân khúc trung và cao cấp mà doanh nghiệp này phân phối.
“Ngoài ra, mỗi năm CBRE chỉ giao dịch vài nghìn căn hộ, trong khi toàn thị trường TP HCM có đến vài chục nghìn giao dịch, như vậy thống kê của CBRE không phản ánh bức tranh chung của bất động sản thành phố. Thế nên về điều này, mọi người không nên lo lắng”, ông Châu đánh giá.
Ông Lê Hoàng Châu cũng nói thêm: “Tôi nghĩ khách nước ngoài, Trung Quốc hay Đài Loan hay Hàn Quốc… mua nhà ở Việt Nam đều không có gì đáng lo ngại. Điều này nằm trong chính sách mở cửa, thu hút nhà đầu tư nước ngoài của Nhà nước. Nhà nước đã có quy định về tỷ lệ người nước ngoài mua nhà tại một khu chung cư và trong một đơn vị hành chính cấp phường, nếu kiểm soát được điều đó thì việc mua nhà của người nước ngoài là điều rất bình thường. Tôi không có cảnh báo gì về vấn đề này”.
Tuy nhiên, đại điện HoREA phân tích cần phải đề phòng trường hợp người nước ngoài nhờ người Việt Nam đứng tên mua nhà. Điều này có thể dẫn đến tình trạng một người nước ngoài sở hữu nhiều căn nhà ở Việt Nam, vừa vi phạm pháp luật, vừa khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, liên quan đến thông tin CBRE cung cấp, ông Châu cho rằng thông tin có những cá nhân chưa đặt chân đến Việt Nam cũng mua được nhà là thông tin không đúng. Bởi theo ông, luật pháp Việt Nam không cho phép điều này. Luật Nhà ở chỉ cho phép người nước ngoài sau khi nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam mới được mua nhà ở thương mại ngoài khu bảo vệ quốc phòng an ninh.
Báo Tuổi Trẻ trước đó dẫn lời đại diện Sở Xây dựng TP HCM cho biết hiện không thể thống kê số liệu người nước ngoài mua nhà tại các dự án trên địa bàn TP vì không có quy định chủ đầu tư phải báo cáo thông tin khách hàng cho cơ quan quản lý. Chỉ khi chủ đầu tư đi làm thủ tục cấp giấy chủ quyền cho khách hàng mới có thể thống kê được. Việc cấp giấy chủ quyền này do Văn phòng đăng ký đất đai TP thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM quản lý.
Theo đại diện Văn phòng đăng ký đất đai TP HCM, hiện nay, việc cấp giấy chủ quyền cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà tại các dự án cũng đang vướng mắc vì các cơ quan quản lý chưa công bố dự án nào được cho người nước ngoài sở hữu nhà. Việc thống kê số lượng người nước ngoài mua nhà tại TP HCM chưa làm được do văn phòng chưa nhận hồ sơ cấp giấy cho người nước ngoài.
Theo Lâm Tùng/NDH
>> Còn hơn 22.000 tỷ đồng tồn kho bất động sản