Khép lại vụ án FLC: Ông Trịnh Văn Quyết buộc bồi thường gần 2.000 tỷ đồng, bị hại được nhận 7.125 đồng/cổ phiếu ROS

Bên cạnh trách nhiệm hình sự 21 năm tù, Hội đồng xét xử còn yêu cầu bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC phải bồi thường hơn 1.866 tỷ đồng.

untitled-1722855491130-9603.jpg

Sau khi Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội đưa ra phán quyết đối Trịnh Văn Quyết và 49 đồng phạm trong vụ án thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài trách nhiệm hình sự phải thi hành mức án 21 năm tù, Hội đồng xét xử cũng buộc cựu Chủ tịch FLC phải bồi thường hàng nghìn tỷ.

TRỊNH VĂN QUYẾT PHẢI BỒI THƯỜNG HƠN 1.866 TỶ ĐỒNG

Cụ thể, Hội đồng xét xử buộc cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC phải khắc phục tổng số tiền hơn 1.866 tỷ đồng, trong đó hơn 1.366 tỷ đồng là bồi thường cho tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 500 tỷ đồng bị truy thu vì liên quan đến hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Hội đồng xét xử ghi nhận việc bị cáo Trịnh Văn Quyết chấp nhận dùng tất cả tài sản của mình để bồi thường khắc phục hậu quả vụ án.

Theo nhận định của Hội đồng xét xử, bị cáo Trịnh Văn Quyết là người chủ mưu, chỉ đạo việc nâng khống vốn góp Công ty Faros, đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu hành cổ phiếu ROS, đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE. Bị cáo Quyết cũng là người quyết định việc sử dụng số tiền chiếm đoạt được.

Hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm pháp luật hình sự, chứng khoán, số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn, lợi dụng sàn chứng khoán HOSE, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, gây bức xúc trong xã hội. Do đó cần phải xử lý nghiêm.

tuyen-an-trinh-van-quyet-1722856353915563731751-1631.jpg
Các bị cáo tại phiên toà

Bên cạnh đó, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế, em gái của ông Quyết bị tòa xác định là người thực hành tích cực, nhận chỉ đạo từ anh trai để thực hiện hành vi sai phạm, giúp sức cho ông Trịnh Văn Quyết thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn.

Bị cáo Huế nhận mức án 11 năm 6 tháng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 30 tháng tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, tổng hợp hình phạt chung là 14 năm tù. Hội đồng xét xử buộc bị cáo Huế phải khắc phục số tiền 251 tỷ đồng.

Một người em gái khác của ông Trịnh Văn Quyết là Trịnh Thị Thúy Nga nhận mức án 6 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 2 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán, tổng hợp hình phạt là 8 năm tù. Hội đồng xét xử buộc bị cáo Nga phải nộp 83 tỷ đồng.

BỊ HẠI ĐƯỢC NHẬN 7.125 ĐỒNG/CỔ PHIẾU ROS

Cho rằng tại thời điểm các bị cáo bán cổ phiếu ROS, có người mua với giá cao song cũng có nhà đầu tư mua giá thấp, Hội đồng xét xử đánh giá giao dịch khớp lệnh diễn ra trong nhiều năm, đến nay không xác định được chính xác giá mua bán trong các lần khớp lệnh.

Để đảm bảo công bằng, tòa buộc ông Quyết và đồng phạm bồi thường cho các nhà đầu tư số tiền bị chiếm đoạt trên giá trị nâng khống của mỗi cổ phiếu đã bán, tương ứng khối lượng cổ phiếu các bị hại này đang sở hữu.

Với 430 triệu cổ phiếu đã phát hành theo vốn điều lệ 4.300 tỷ đồng của Faros, trong đó giá trị nâng khống là 3.102 tỷ. Như vậy, mỗi cổ phiếu ROS được niêm yết phát hành có 72,15% nâng khống.

Mệnh giá cổ phiếu ROS được chào bán trên thị trường khi đó là 10.000 đồng. Do đó trên mỗi cổ phiếu, các bị cáo đã nâng khống 7.215 đồng. "Các bị cáo sẽ phải đền bù 7.215 đồng cho mỗi cổ phiếu bán cho bị hại, nhân với khối lượng cổ phiếu bị hại đang sở hữu", bản án nêu.

Trong 133 bị hại đang nắm giữ cổ phiếu ROS trong lần bán ra ban đầu có 85 người gửi đơn tới tòa án xác nhận đã nhận đủ tiền bồi thường từ gia đình bị cáo Quyết. Các bị cáo phải tiếp tục bồi thường cho những bị hại còn lại theo phương án giá nêu trên.

Ngoài ra, đối với các nhà đầu tư khác là bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hiện chưa có yêu cầu bồi thường, Hội đồng xét xử cho biết, họ có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường bằng vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật.

CHƯA ĐỦ CĂN CỨ BỒI THƯỜNG ĐỐI VỚI NGƯỜI MUA 5 MÃ AMD, HAI, GAB, FLC, ART

Với hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, Hội đồng xét xử buộc tội bị cáo Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế đã chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi này.

Giai đoạn tố tụng, một số nhà đầu tư yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại về hành vi này. Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định tại Bộ Tài chính để xác định số tiền gây thiệt hại cho nhà đầu tư mua 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART thuộc họ FLC trong giai đoạn nhóm bị cáo Quyết thao túng thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính kết luận chưa có căn cứ xác định thiệt hại cho các nhà đầu tư với 5 mã chứng khoán nêu trên. Lý do bởi giao dịch chứng khoán trên thị trường theo nguyên tắc khớp lệnh, phương thức khớp lệnh, biên độ, dao động giá. Giá cổ phiếu được xác định trên cơ sở khớp lệnh giao dịch hàng triệu tài khoản của các nhà đầu tư. Vì vậy, việc xác định nhà đầu tư đã bán cổ phiếu cho ai và mua cổ phiếu của ai là điều không thể.

Kết luận giám định nêu, trong giai đoạn nhóm bị cáo Quyết thao túng thị trường chứng khoán, có nhà đầu tư giao dịch có lãi, có người lỗ. Nhưng giá trị cổ phiếu thua lỗ do nhiều nguyên nhân như thị trường, thao túng giá, yếu tố chủ quan của bản thân nhà đầu tư. Việc xác định mức độ ảnh hưởng của từng nguyên nhân là điều không thể.

Do đó, Hội đồng xét xử cho rằng không có căn cứ xác định yêu cầu bồi thường của nhà đầu tư về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán" đối với 5 mã cổ phiếu nêu trên.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử vẫn buộc bị cáo Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga phải nộp số tiền hưởng lợi bất chính từ hành vi này, tổng 684 tỷ đồng (đã trừ đi việc hưởng lợi từ mã AMD) để sung công quỹ.

Xem thêm

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết khẳng định chưa bao giờ có ý định lừa đảo nhà đầu tư, tiếp tục xin khắc phục hậu quả

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết khẳng định chưa bao giờ có ý định lừa đảo nhà đầu tư, tiếp tục xin khắc phục hậu quả

Tại phiên tòa xét xử, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết khẳng định rằng mình không có ý định lừa dối các nhà đầu tư và thừa nhận các hành vi phạm tội của bị cáo. Cùng với đó, bà Lê Thị Ngọc Diệp, vợ ông Quyết đã thay mặt chồng nộp khắc phục hậu quả thêm 25,1 tỷ đồng…

Xét xử vụ án Trịnh Văn Quyết: Từ cựu lãnh đạo HOSE đến nữ thợ may giúp sức nâng vốn khống tại FLC Faros

Xét xử vụ án Trịnh Văn Quyết: Từ cựu lãnh đạo HOSE đến nữ thợ may giúp sức nâng vốn khống tại FLC Faros

Phiên tòa xét xử vụ án Trịnh Văn Quyết đã thu hút sự chú ý đặc biệt từ dư luận khi danh sách bị cáo bao gồm từ những cựu lãnh đạo của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho đến các “doanh nhân ảo” bị cáo buộc tham gia vào hành vi góp vốn khống tại công ty FLC Faros…

Có thể bạn quan tâm