Sáng 23/7, phiên tòa xét xử ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC và 49 bị can khác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” tiếp tục diễn ra.
Sau khi Viện kiểm sát công bố xong bản cáo trạng, Hội đồng xét xử đã tiến hành xét hỏi các bị cáo. Trước khi thẩm vấn, tòa yêu cầu cách ly bị cáo Trịnh Văn Quyết để xét hỏi đối với các bị cáo là cựu lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).
CỰU LÃNH ĐẠO HOSE VÀ HÀNH TRÌNH ĐƯA CỔ PHIẾU ROS LÊN SÀN
Tại bục khai báo, bị cáo Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã lần lượt trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử.
Theo cáo trạng, bị cáo Sinh “vì động cơ cá nhân” đã chỉ đạo cấp dưới làm nhanh hồ sơ, chủ trì họp để xem xét, chấp thuận niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros trên sàn HOSE trái pháp luật. Sau đó, Trịnh Văn Quyết đã bán số cổ phiếu này và gây thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng cho 30.403 nhà đầu tư.
Trả lời trước tòa, ông Sinh khai có nghe cấp dưới báo cáo việc Công ty Faros có vấn đề về kiểm toán và Ủy ban Kiểm toán đã lưu ý cẩn trọng. Tuy nhiên, trong vai trò Hội đồng quản trị HOSE, ông không có quyền quyết định việc niêm yết hay không.
Theo ông Sinh, việc này thuộc nhiệm vụ chuyên môn sâu thuộc Ban điều hành và Hội đồng thẩm định niêm yết, bị cáo chỉ nghe báo cáo sơ bộ từ các đơn vị trên sau đó họp thống nhất.
Chủ tọa hỏi bị cáo có gặp người của FLC trước khi đồng ý cho niêm yết hay không? Bị cáo Sinh khai trước khi cổ phiếu ROS lên sàn khoảng 5 - 6 tháng, bị cáo có đi công tác Quy Nhơn (Bình Định) cùng Ban Kinh tế Trung ương và tại đây đã gặp Trịnh Văn Quyết.
Ngoài ra, cựu lãnh đạo HOSE thừa nhận, trong quá trình FLC Faros gửi hồ sơ đề nghị niêm yết, lãnh đạo HOSE có gặp gỡ Doãn Văn Phương, Cựu Tổng Giám đốc FLC và Trịnh Văn Quyết. Sau khi nghe Phương nhờ vả, ông Sinh đã chỉ đạo nhân viên "làm nhanh hồ sơ cho doanh nghiệp”.
Trong khi đó, bị cáo Lê Hải Trà, cựu Tổng Giám đốc, cựu Ủy viên Hội đồng quản trị HOSE khai, khi FLC Faros gửi hồ sơ đề nghị niêm yết, Phòng Quản lý và thẩm định niêm yết sẽ tiếp nhận hồ sơ, xử lý nghiệp vụ. Sau đó, hồ sơ được đưa lên Hội đồng niêm yết để các thành viên cho ý kiến vào phiếu rồi đến bước 3 là thư ký tổng hợp lại, trình Tổng Giám đốc quyết định.
Về mối quan hệ với Trịnh Văn Quyết, ông Trà khai quen biết với cựu Chủ tịch FLC từ thời điểm trước năm 2016, khi ông Trà còn công tác tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. "Bị cáo và ông Quyết quen nhau khi cùng chơi tennis", ông Trà khai.
Đối với những thông tin sai lệch trong hồ sơ niêm yết mà FLC Faros, ông Trà cho rằng HOSE cũng không có chức năng, thẩm quyền trong kiểm tra, xác minh các thông tin này mà chỉ dựa trên hồ sơ được gửi để xử lý.
Trong vụ án, bị cáo Trà bị cáo buộc có động cơ cá nhân và theo chỉ đạo của Trần Đắc Sinh nên đồng ý chấp thuận niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn HOSE trái pháp luật. Việc này giúp sức cho Trịnh Văn Quyết và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
LOẠT “DOANH NHÂN ẢO” GIÚP TRỊNH VĂN QUYẾT NÂNG VỐN KHỐNG TẠI FLC FAROS
Trước đó, tại phiên xét hỏi chiều ngày 22/7, bị cáo Trịnh Văn Đại, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros khai là anh họ của ông Trịnh Văn Quyết, làm việc tại FLC nhiều năm và trải qua nhiều chức vụ.
Dù không là cổ đông, không góp vốn vào Công ty Faros nhưng ông Đại lại là người ký các quyết định tăng vốn, ủy nhiệm chi, giấy chuyển tiền để góp vốn vào Faros; ký các hợp đồng ủy thác đầu tư giữa Faros với các công ty thuộc hệ sinh thái để hợp thức hóa dòng tiền sau khi khống vốn.
Chủ tọa hỏi "Không góp tiền sao vẫn ký", ông Đại đáp được em họ là bị cáo Trịnh Thị Minh Huế nhờ nên ký, chỉ nghĩ đó là nhiệm vụ để "phục vụ việc công ty". Ông khai không biết anh em Quyết, Huế sẽ dùng chữ ký của ông vào mục đích niêm yết công ty và bán cổ phiếu trên sàn giao dịch để lừa đảo. Tuy nhiên, ông Đại không biết các tài khoản chứng khoán này hoạt động như thế nào, không được hưởng lợi gì từ việc này.
Ngoài ra, ông Đại cũng cho Huế mượn chứng minh nhân dân để mở 3 công ty và không nhớ để Huế lập bao nhiêu tài khoản chứng khoán. Toàn bộ tài khoản này, ông Đại nói không sử dụng quản lý mà đưa cho Huế, "hoàn toàn không biết sử dụng thế nào vào việc gì". Ngoài lương tại công ty, ông không được anh em ông Quyết cho hưởng lợi gì thêm.
Trong vụ án, ông Đại thuộc nhóm 8 bị cáo bị truy tố cả hai tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, chịu trách nhiệm chung về thiệt hại 4.300 tỷ đồng. Ông bị cơ quan công tố đánh giá "tham gia tích cực", giúp sức cho anh em ông Quyết trong hành vi khống vốn và thao túng thị trường.
Bị cáo Nguyễn Văn Mạnh, cựu Trưởng nhóm vật tư cảnh quan, phòng mua sắm của Công ty TNHH MTV FLC Land, em rể ông Quyết cũng khai có ký kết các hợp đồng nộp tiền, chuyển nhượng, ủy thác đầu tư với Công ty Faros. Việc ký kết này do bị cáo Trịnh Thị Minh Huế nhờ, ông Mạnh không có mục đích gì.
Ngoài ông Đại, bị cáo Trịnh Tuân, cựu Giám đốc Công ty FLC Land (cháu họ ông Quyết) và Nguyễn Văn Mạnh, nhân viên Công ty FLC Land (em rể ông Quyết, chồng bị cáo Trịnh Thúy Nga) đều khai được bị cáo Huế "nhờ gì ký đó" nhưng không nhớ rõ tài liệu đó là gì, phục vụ mục đích gì.
Đáng chú ý, ngoài những người giữ chức vụ trong hệ sinh thái FLC, một nữ thợ may cũng đặt bút ký hợp đồng hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Dung, theo hợp đồng ký với Faros, là cá nhân đã nhận tới 360 tỷ đồng ủy thác đầu tư để "làm dự án". Song thực tế, theo lời khai tại tòa, là thợ may 52 tuổi, thuộc gia đình thông gia với bị cáo Quyết. Bà khai không hợp tác, vay mượn 360 tỷ đồng với Faros, chỉ được Huế nhờ ký giấy tờ dù không biết để làm gì.
Cáo trạng thể hiện, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Dung không nhận tiền vay của Công ty Faros nhưng được Trịnh Thị Minh Huế nhờ ký một hợp đồng nhận ủy thác đầu tư, giấy nhận tiền vay Công ty Faros số tiền 360 tỷ đồng để hợp thức nâng khống vốn góp khống từ 1,5 tỷ đồng lên 225 tỷ đồng; ký hợp đồng nhận ủy thác đầu tư để che giấu dòng tiền nâng khống vốn trước đó.
Hành vi của Nguyễn Thị Hồng Dung đã tạo điều kiện để Huế nâng khống vốn chủ sở hữu, để cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán từ đó giúp Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.