“Nghĩ cho cùng
Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại…” (Nguyễn Duy)
Tôi rời mắt khỏi những dòng cuối cùng của cuốn tiếu thuyết “Từ giờ thứ 6 đến giờ thứ 9” của nhà văn Nguyễn Một vào một chiều mưa buồn của Sài Gòn. Cảm giác của một người đọc khi dứt ra khỏi câu chuyện này là sự DAY DỨT và ÁM ẢNH.
Nguyễn Một vẽ nên bối cảnh của câu chuyện là vùng đất Thủ Biên được dòng sông Đồng Nai hiền hòa bao bọc.
Ở đó diễn ra một mối tình lãng mạn của Sơn và Diễm. Tưởng chừng Nguyễn Một đang kể một câu chuyện tình thời chiến, nơi mà hình mẫu của một chàng trai lính chiến mạnh mẽ, hào hoa với một nữ sinh thùy mị đoan trang.
Nhưng không! Nhà văn muốn nói đến một lớp nhân vật ít được đề cập đến trong các tiểu thuyết viết về chiến tranh: KẺ BÊN LỀ. Những người muốn vượt thoát, trốn chạy khỏi cuộc chiến nhưng không thành.
Nhân vật chính của tiểu thuyết là chàng nhà quê có tên Sơn. Xuất thân của Sơn đúng chất nông dân rặt, cha Sơn, người đàn ông có tên Ruộng trước làm người ở cho gia đình ông Tư Duy ở Quảng Nam, sinh sống tại đây và cũng là anh em kết nghĩa với ông Duy. Sau nhiều biến loạn, ông Tư Duy thành thiếu tá tiếp vận của Việt Nam Cộng Hòa và sinh sống tại vùng đất Thủ Biên.
Ông Ruộng có 5 người con đều rơi vào bối cảnh nghiệt ngã của thời cuộc: hai người theo Quốc Gia phục vụ cho Việt Nam Cộng Hòa và hai người “nhảy núi” theo Cộng Sản. Người cuối cùng chưa đến tuổi nên ở nhà theo cha mẹ chăn trâu làm ruộng chính là Sơn, nhân vật chính của tiểu thuyết.
Là nông dân nhưng ông Tư Ruộng có cái nhìn tỉnh táo về chiến tranh: “Bốn thằng con tôi theo hai phe đụng trận bắn nhau chí tử! Mả cha chúng nó! Cùng ở trong bụng mẹ chui ra mà nó bắn nhau như kẻ thù, thằng mô cũng nói lý tưởng, lý tưởng bắt mệt.” (trang 55).
Chính vì chán ghét chiến tranh và nhìn thấy được kết cục bi thương của cuộc chiến nên một người đàn ông ít học, suốt ngày chỉ biết đến mảnh ruộng và con trâu, ông Ruộng, chuẩn bị cho đứa con mình một CUỘC VƯỢT THOÁT NGOẠN MỤC là TRỐN LÍNH.
Từ toan tính của cha mà Sơn được đến với vùng đất Thủ Biên, đến với gia đình ông Tư Duy và đến với mối tình đầy lãng mạn với Diễm và bi kịch cũng bắt đầu từ đây.
Trở lại với vùng đất Thủ Biên với các cô cậu học trò trung học: Sơn, Tâm, Hoàng Hùng, Diễm, Trang… ở đó có những nét đẹp dung dị của tuổi học trò, có sự bình yên tạm thời trong thời chiến loạn, có những mối tình đẹp như những đóa hoa nhưng cũng có những bất trắc chực chờ. “Ta hỏng Tú Tài, ta đợi ngày đi”. (Thơ Nguyễn Tất Nhiên).
Mặc dù, đã cố gắng trốn chạy bằng việc trọ học tại nhà ông Tư Duy nhưng sự lận đận luôn chực chờ Sơn, anh rớt Tú Tài ngay vào những ngày các trận đánh kinh hoàng của “mùa hè đỏ lửa” tại miền Trung Việt Nam diễn ra. Và sự ám ảnh phải cầm súng phải vào quân đội lại hiển hiện, nhưng với quyết tâm của cha mình, Sơn phải từ bỏ vùng đất Thủ Biên, bỏ lại mối tình đầy thơ mộng với Diễm để trốn lên tòa thánh Cao Đài tại Tây Ninh với hy vọng: “Không Quốc Gia, không Cộng Sản”.
Tuy nhiên, chiến tranh truy đuổi anh đến tận cùng, dù đã nương nhờ sự che chở của tôn giáo, cũng không cách chi thoát được và cuối cùng Sơn phải trốn chạy vào rừng và “bất đắc dĩ” trở thành lực lượng của “quân giải phóng”.
Sơn tiếp tục vượt thoát, trốn chạy, anh bỏ trốn khỏi căn cứ của quân giải phóng trở về vùng đất Thủ Biên, chui rúc trong nhà người quen cũ là bà “Mười xả dàn” chờ cơ hội trốn tiếp bằng cách chạy giấy hoãn dịch.
Niềm mong đợi của Sơn cuối cùng cũng đến nhưng theo cách trớ trêu và không thể đau đớn hơn.
Bốn người anh của Sơn đụng trận trực diện trong trận đánh tại quê nhà: 2 lính Việt Nam Cộng Hòa và 1 chiến sỹ bên quân giải phóng chết tại chỗ! Người anh Hai may mắn thoát chết trong gang tất nhưng bị “gãy súng” và vĩnh viễn không thể sinh được con! Sơn được làm giấy hoãn dịch từ số tiền tuất của hai người anh theo lính Việt Nam Cộng Hòa!
Những tưởng sau khi rời Thủ Biên lên Sài Gòn thì Sơn đã thật sự THOÁT nhưng không! Lần nữa, anh lại bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bắt cùng với người bạn thi sĩ vì bị tình nghi chống chính quyền do Cộng Sản xúi giục. Sơn và bạn bị giam trong nhà tù của Việt Nam Cộng Hòa cho đến ngày quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập.
Như vậy xuyên suốt tiểu thuyết nhà văn Nguyễn Một đã cố gắng tạo cho Sơn, nhân vật chính, thoát ra khỏi cuộc chiến. Bởi theo ông: chiến tranh là phi nhân chỉ có “sự sống mới đáng quý”.
Vậy liệu Sơn có THOÁT được không?
Sau giải phóng, cuộc đời của Sơn đã “lập trình” lần hai bởi anh Hai, người chiến thắng bên phía chính quyền hiện tại. Sơn làm lại lý lịch, được kết nạp Đoàn, được cử đi học và về lấy một cô vợ là con nuôi của một cán bộ cấp cao để trở thành lãnh đạo tầm tuổi 40.
Những tưởng Sơn đã thoát được nhưng vẫn không!
Gia đình người yêu và người ơn của anh là Diễm phải ly tán. Nhà cửa của gia đình Diễm bị tịch biên, ông Tư Duy phải đi học tập cải tạo, Diễm và mẹ phải đi làm kinh tế mới. Và không chịu nổi cái bức bối của hậu chiến, Diễm chấp nhận lấy Thành, một người theo đuổi mình từ trước và vượt biên đi Mỹ.
Bên cạnh số phận bi kịch của Sơn và Diễm người ta còn thấy những bi kịch khác ở Trang, Hoàng, Hùng, Tâm… những thanh niên sống ở vùng đất Thủ Biên không chỉ họ bị bủa vây trong cuộc chiến mà hậu chiến mỗi người lại ở một ngã rẽ khác nhau đầy cay nghiệt.
Còn những người dân quê như ông Ruộng, bà Kha Ly cha mẹ Sơn cũng là những thân phận đau khổ, đầy nước mắt.
Ông Ruộng dù đã lường trước những hệ quả của chiến tranh nhưng phải gạt nước mắt chôn xác 3 đứa con của mình. Đứa con cả còn sống lại là nguyên nhân dẫn đến sự rạn nứt tình nghĩa của ông Ruộng với ông Tư Duy khi kiên quyết bảo vệ lý tưởng.
Sơn là người chứng kiến tất cả nhưng bất lực bởi cả cuộc đời mình như anh tự nhủ: “Đời em có tính được gì đâu! Hồi chiến tranh trốn lính thì cha tính, hòa bình về đi học thì anh Hai tính, chỉ có chuyện tình yêu thì cũng chẳng đâu vào đâu!” (trang 273).
Khi kết truyện nhà văn Nguyễn Một đã tìm cho Sơn một lối thoát: là việc tự anh thoát ra. Anh rời khỏi tổ chức và từ bỏ tất cả để trở về với đời thường.
Sơn tìm về lại Thủ Biên để thăm bà “Mười xả dàn” và hy vọng có tin tức gì đó từ Diễm và gia đình và anh nhận được bức thư của Diễm và thật bất ngờ anh biết mình có được một đứa con với Diễm trong lần duy nhất ân ái khi Diễm lên tàu vượt biên.
“Sơn thẫn thờ gấp lá thư lại. Anh không buồn, không vui, không hồi hộp run rẩy như trước khi đọc bức thư của Diễm. Anh chỉ thấy nỗi đau âm ỉ như vết thương không bao giờ lành miệng, dù bom đạn chưa hề chạm đến thân thể của anh trong những tháng ngày anh đi qua cuộc chiến”. (trang 314)
Vượt lên những nỗi đau là một cái kết tạm gọi là “có hậu”, nhà văn Nguyễn Một làm công việc ghi lại, kể lại chứ không để cảm xúc của mình chen vào. Đây chính là bút pháp lột tả hiện thực một cách trần trụi và chính qua đó nỗi đau sẽ hiển hiện và ám ảnh dai dẳng.
Trên nền của bối cảnh vượt thoát ấy, chúng ta thấy hiển hiện trong tiểu thuyết “Từ giờ thứ 6 đến giờ thứ 9” hình ảnh của Thiên Chúa giáo như một sợi dây liên kết và một lối thoát cần thiết để biến mọi thứ tưởng chừng “Vô vọng” trở thành “Hy vọng”. Có lẽ, đây cũng là một điểm nhấn trong bút pháp của Nguyễn Một và không lạ khi nhà văn trích dẫn Kinh Thánh làm hàm ý trong đoạn cuối của cuốn sách và cũng là tựa sách: “Lúc đó và khoản giờ thứ sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín. Mặt trời trở nên u ám, màn trong đền thờ xé làm đôi ngay chính giữa…” (trang 315)
Vậy chúng ta thấy gì trong “Từ giờ thứ 6 đến giờ thứ 9”?
Có thể nói rằng sau tiểu thuyết này Nguyễn Một xứng đáng được xếp vào danh sách những nhà văn viết về chiến tranh xuất sắc như: Bảo Ninh, Chu Lai, Lê Lựu, Dương Hướng, Hoàng Minh Tường… Và cũng rất có thể, sau tiểu thuyết này, sự gợi mở về đề tài những NGƯỜI BÊN LỀ của cuộc chiến mà Nguyễn Một có lẽ là người đầu tiên khởi xướng sẽ được tiếp nối, đào sâu với những góc nhìn mới của các nhà văn Việt Nam trong tương lai gần.
Cuối tháng 9/2024