Những hoạt động về khởi nghiệp liên tục được tổ chức trong thời gian qua không chỉ cụ thể hóa cam kết của Chính phủ mà còn mở ra cơ hội cho DN khởi nghiệp phát triển.
Thực tế trong hai năm 2016 và 2017, hoạt động của các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam diễn ra khá sôi động. Nhiều thương vụ kêu gọi vốn thành công có tổng giá trị lên đến hơn hàng chục triệu USD như Foody, Momo, F88, Got It...
Trong năm 2017, cả nước có hơn 900 dự án khởi nghiệp được ươm tạo với 300 sản phẩm khởi nghiệp đã được kết nối đến với cộng đồng và các quỹ đầu tư. Hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đã có hoạt động tại Việt Nam, điển hình là IDG Ventures, CyberAgent Ventures, Captii Ventures, Gobi Partners, 500 Startups..., tăng khoảng 30% so với năm 2016. Hiện tại đã có 24 cơ sở ươm tạo, 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp được hình thành như “Mạng lưới hỗ trợ DN nhỏ và vừa”, Chương trình "Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam".
Song, nói như vậy không có nghĩa là các DN khởi nghiệp có thể thành công dễ dàng. Không ít DN khởi nghiệp mới ra đời đã phải chết yểu vì nhiều lý do khác nhau. Từ thực tế này có thể thấy, cùng với việc tạo dựng môi trường khởi nghiệp, muốn thành công, DN cần phải kết hợp được nhiều yếu tố như: Nguồn nhân lực, vốn, tranh thủ được các hình thức hỗ trợ... Ngoài ra, những yếu tố có tính thiết yếu mang đến thành công của một DN là: ý tưởng kinh doanh tốt, người lãnh đạo giỏi, đội ngũ nhân lực đồng lòng và có trình độ, kế hoạch kinh doanh phù hợp, triển khai bài bản những chiến lược đã đề ra...
Đó là nhìn từ góc độ từng DN, còn để hình thành cộng đồng khởi nghiệp thành công đòi hỏi tất cả ngành, các địa phương phải vào cuộc giúp đỡ các DN khởi nghiệp sáng tạo. Phải đặt ra những mục tiêu cụ thể để kiểm tra kết quả thực hiện. Những năm gần đây, Chính phủ đã có những đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo rất cụ thể, thiết thực như: Đề án 844 (năm 2016), Đề án 1665 (năm 2017), sang năm dự kiến có Đề án 677. Đây là nguồn tài nguyên quý giá cho tất cả cùng sáng tạo.
Tuy nhiên, đằng sau những đề án đó cần những giải pháp triển khai mang tính lâu dài, để đến năm 2020, cùng với việc có khoảng 1 triệu DN, mục tiêu 5.000 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công sẽ là động lực không nhỏ cho cộng đồng DN Việt.
Theo Kinhtedothi