Khôi phục ethanol Dung Quất: Để tư nhân làm?

Chính phủ đã chỉ đạo không đổ thêm vốn ngân sách vào các dự án yếu kém, do đó Nhà máy ethanol Dung Quất phải tự lo.
Khôi phục ethanol Dung Quất: Để tư nhân làm?

Nhằm thực hiện lộ trình thay thế 100% xăng RON92 bằng xăng sinh học E5 trên toàn quốc từ 1/1/2018, cơ quan quản lý đang tính đến việc khôi phục Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Dung Quất, một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công thương.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, việc đưa xăng E5 vào tiêu thụ trên toàn quốc từ đầu năm 2018 chính là cơ hội lớn để khôi phục Nhà máy ethanol Dung Quất và mấy nhà máy ethanol đang 'đắp chiếu' khác.

Thậm chí, khi nhu cầu sử dụng xăng sinh học lớn, Việt Nam có thể cần phát triển thêm các nhà máy ethanol khác, nghiên cứu mở rộng sang các loại nguyên liệu khác rẻ hơn, ngoài cây sắn, chứ không thể nhập khẩu ethanol mãi.

"Dĩ nhiên, việc khôi phục ethanol Dung Quất, phải thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý các tồn tại yếu kém của một số nhà máy, dự án yếu kém ngành Công thương đã quán triệt rất rõ.

Khi chỉ đạo hướng xử lý, chắc chắn đã tính tới việc đưa xăng sinh học E5 vào sử dụng trên toàn quốc, chứ không phải bây giờ mới tính.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo không đổ thêm vốn ngân sách vào các dự án yếu kém, do đó Nhà máy ethanol Dung Quất phải tự lo", TS Lưu Bích Hồ nói.

Vị chuyên gia chỉ ra nhiều biện pháp có thể phục hồi Nhà máy ethanol Dung Quất.

Thứ nhất, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), chủ đầu tư của Nhà máy ethanol Dung Quất có thể huy động vốn, vay ngân hàng và khả năng này không đến nỗi bế tắc như trước đây bởi thời điểm này, khi nhìn thấy triển vọng phát triển của nhà máy, ngân hàng có thể sẵn sàng cho vay.

Thứ hai, bên cạnh SCIC, sau này cơ quan chuyên trách quản lý vốn Nhà nước trong doanh nghiệp được thành lập với nguồn vốn tập trung, ủy ban này có thể thoái vốn chỗ này, đầu tư chỗ khác và ethanol Dung Quất có thể hy vọng được rót vốn.

Phương án này, theo TS Hồ, không dễ dàng bởi ủy ban thoái vốn rồi lại dùng vốn ấy đầu tư chủ yếu vào kết cấu hạ tầng chứ không phải đầu tư trở lại để sản xuất kinh doanh. Người có quyền quyết định rót vốn vào đâu là người đứng đầu ủy ban này.

Thứ ba, liên doanh, liên kết hoặc bán đứt nhà máy cho nhà đầu tư tư nhân. Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, cái gì tư nhân làm được sẽ để tư nhân làm, trừ những lĩnh vực đặc biệt liên quan đến quốc phòng, an ninh.

Do đó, nếu bây giờ tư nhân quan tâm và muốn mua Nhà máy ethanol Dung Quất thì cứ để họ mua và đầu tư lại.

"Thực ra không dễ gì bán nhà máy cho nhà đầu tư tư nhân. Nếu tư nhân tham gia vào thì họ phải làm từ đầu hoặc đối tượng họ muốn mua phải hấp dẫn, còn bây giờ lại bắt nhà đầu tư xử lý chuyện cũ, trả nợ... thì rất khó.

Trong khi tài sản của Nhà máy ethanol Dung Quất có thực sự đáng giá để bán hay không? Đó là những vấn đề mà nhà đầu tư tư nhân sẽ đặt ra", nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển chỉ rõ.

Trước băn khoăn công nghệ, thiết bị của Nhà máy ethanol Dung Quất "đầu Ngô mình Sở" sẽ là rào cản khiến nhà đầu tư kém mặn mà, vị chuyên gia chỉ rõ:

"Ethanol Dung Quất sử dụng công nghệ nguồn của Mỹ, Mỹ chuyển giao cho Trung Quốc và Trung Quốc có thiết bị. Thực ra, thiết bị, máy móc của Trung Quốc không phải là xoàng, thậm chí họ làm trong nước họ rất tốt. Tuy nhiên, khi họ bán cho Việt Nam thì phải rất cẩn thận".

Từ những phân tích ở trên, TS Lưu Bích Hồ bày tỏ nỗi lo ngại nếu để DNNN đảm nhận việc phục hồi Nhà máy ethanol Dung Quất. Điều ông ngại chính là cái "dớp" của DNNN, là sự thiếu minh bạch, thiếu an toàn, dễ tư túi.

Ông khẳng định không phải DNNN kém về kiến thức, khả năng mà bởi họ dùng vốn của Nhà nước kinh doanh nên "cha chung không ai khóc". Trong khi đó, nếu để tư nhân làm, tiền túi họ bỏ ra, của đau con xót nên làm gì, mua thiết bị, công nghệ của ai... họ đều phải tính toán cẩn thận.

"Chính vì thế, tôi ủng hộ để tư nhân tham gia khôi phục ethanol Dung Quất. Nếu đảm nhận việc này, họ sẽ phải thẩm định lại công nghệ, thiết bị của nhà máy xem có làm được không.

Về phần PVN, nếu được thì nên chịu thiệt một chút để giải quyết quyền lợi cho nhà đầu tư mới, thoái vốn để làm việc khác. Đó là cách khôn ngoan, còn nếu cứ cố mà làm thì cuối cùng có khi chẳng đi đến đâu, nguy cơ thất thoát còn lớn hơn", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Điều cuối cùng TS Lưu Bích Hồ lưu ý, đó là dù Nhà máy ethanol Dung Quất có khôi phục được, có sản phẩm, có thị trường nhưng nếu chất lượng, giá cả không cạnh tranh được với ethanol nhập khẩu thì nhà máy cũng không tồn tại được.

"Đừng nghĩ rằng nhà máy khôi phục là có thể dễ dàng làm ăn. Sắp tới sẽ cạnh tranh rất quyết liệt bởi ethanol nhập khẩu từ nhiều thị trường khác, trong đó có Trung Quốc, rất rẻ.

Đã là kinh tế thị trường, Việt Nam lại tham gia nhiều FTA nên không thể cấm các nước xuất khẩu sang Việt Nam. Chưa kể, các doanh nghiệp xăng dầu sẽ không mua sản phẩm của ethanol Dung Quất nếu nhà máy bán đắt.

Do đó, dù có thị trường nhưng các nhà máy ethanol Việt Nam phải luôn đặt ra bài toán cạnh tranh", TS Hồ nói.

Thành Luân/Dân Việt

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…