Khơi thông rào cản, kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục bứt phá năm 2020

Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, kinh tế Việt Nam năm 2019 vẫn tăng trưởng ấn tượng. Kết quả này có đóng góp từ khu vực kinh tế tư nhân, không chỉ qua các con số thống kê mà nổi bật với nhiều thành tựu trên trường quốc tế.
Khơi thông rào cản, kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục bứt phá năm 2020

Vai trò động lực

Năm 2019, GDP Việt Nam tăng 7,02%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là khoảng 6,6-6,8% và cao hơn dự báo của nhiều tổ chức quốc tế. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp kinh tế xã hội hoàn thành 12/12 chỉ tiêu đặt ra.

Theo đánh giá của Tổng cục thống kê, kinh tế năm qua có nhiều điểm nhấn như việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD, trong đó ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước với tốc độ tăng trưởng cao gấp 5 lần tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và cao gấp đôi tốc độ tăng chung.

Một con số đáng chú ý khác, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2019 đã tăng 10,2% so với năm 2018, trong đó vốn khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng cao nhất (17,3%), chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư (46%), khẳng định rõ chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Chia sẻ tại Diễn đàn Đối thoại kinh tế Việt Nam 2020 mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, những động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như xuất khẩu, đầu tư nước ngoài (FDI), công nghiệp sản xuất và khai khoáng… đang giảm dần và GDP của Việt Nam năm 2019 đạt 7,02% chủ yếu vẫn nhờ khu vực kinh tế tư nhân trong nước và các thể chế cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ.

Kinh tế tư nhân với đầu tàu là các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu cũng vừa trải qua năm 2019 ấn tượng với nhiều dấu mốc tự hào. Như chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2019 là một năm thành công đối với Việt Nam khi không chỉ có những mặt hàng nông, thủy sản truyền thống nổi tiếng, năm qua Việt Nam đã có thêm những sản phẩm hàng hóa giá trị cao, xứng tầm để “đem chuông đi đánh xứ người” như điện thoại thông minh, xe ô tô...

Bên cạnh công nghệ, công nghiệp chế tạo…, 2019 cũng là năm đánh dấu thành công của các tập đoàn kinh tế tư nhân đối với các lĩnh vực du lịch, đầu tư hạ tầng… Trong đó, đáng kể nhất phải nhắc tới “cơn mưa giải thưởng” tại World Travel Awards 2019 dành cho các tổ hợp vui chơi giải trí, khách sạn, khu nghỉ dưỡng hạng sang của các doanh nghiệp hàng đầu trong nước như Sun Group, Vin Group… giúp nâng tầm vị thế của du lịch Việt trên trường quốc tế.

Đặc biệt, “Oscar du lịch thế giới 2019” cũng lần đầu tiên vinh danh một sân bay của Việt Nam đạt giải thưởng Sân bay mới hàng đầu thế giới 2019, đó là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Sân bay Vân Đồn chính là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu sự tham gia của tư nhân trong đầu tư hạ tầng hàng không – lĩnh vực trước nay được xem là độc quyền của Nhà nước.

Sân bay Vân Đồn là biểu tượng sinh động cho sự phát triển lớn mạnh của kinh tế tư nhân
Sân bay Vân Đồn là biểu tượng sinh động cho sự phát triển lớn mạnh của kinh tế tư nhân

Những công trình ấn tượng nói trên đã giúp du lịch Việt khép lại năm qua với thành tích đón và phục vụ 103 triệu lượt khách du lịch, trong đó kỷ lục hơn 18 triệu khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay. Qua đó mang về con số 726.000 tỷ đồng doanh thu từ du lịch, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Kinh tế tư nhân đang vươn lên trở thành động lực chính cho tăng trưởng của đất nước. Thế nhưng, theo các chuyên gia, dư địa phát triển dành cho khu vực kinh tế này còn rất lớn với bệ phóng vững vàng từ yếu tố vĩ mô và những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ.

Khu vực tư nhân sẽ tiếp tục bứt phá

Trên thực tế, tín hiệu lạc quan của kinh tế Việt Nam 2019 không chỉ đến từ mức tăng trưởng GDP ấn tượng mà còn thể hiện qua những chỉ báo như lạm phát được kiểm soát dưới 3%, kim ngạch thương mại thặng dư lớn, thâm hụt ngân sách giảm, tăng trưởng về tín dụng có xu hướng giảm, dự trữ ngoại hối tăng. Rõ ràng, không chỉ kinh tế vĩ mô ổn định mà sức chống chịu của nền kinh tế cũng đang được cải thiện.

Kết quả trên cũng minh chứng cho đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) trong báo cáo mới đây, khi cho rằng, “trong khi mây đen tiếp tục kéo về trên kinh tế toàn cầu thì mặt trời vẫn tỏa nắng ở nền kinh tế Việt Nam”.

Theo đó, dù tiếp tục đối mặt với khó khăn, ảnh hưởng từ xu hướng suy thoái kinh tế toàn cầu, các chuyên gia, định chế tài chính, tổ chức kinh tế thế giới đều dự báo, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới trong năm 2020.

Năm 2020, Quốc hội đã quyết nghị mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,8%. Cùng với mục tiêu tăng trưởng đặt ra là nỗ lực cải cách, gỡ bỏ rào cản cho kinh tế tư nhân phát triển.

Ngay trong ngày đầu tiên của năm 2020, Chính phủ đã ban hành NQ02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Đây là sự tiếp nối các chỉ đạo năm cũ trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng, đặc biệt là tháo gỡ các rào cản kinh doanh.

Giới phân tích đánh giá, những điều kiện thuận lợi trên sẽ tiếp tục mở ra cơ hội cho kinh tế tư nhân, không chỉ phát triển về số lượng (đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp) mà cả chất lượng, khi các tập đoàn kinh tế lớn mạnh được hình thành nhiều hơn để khai thác nguồn lợi lớn từ các thị trường quốc tế. Việt Nam đang hướng tới sản phẩm có giá trị cao được “xuất khẩu” và sự ra đời của các dự án, công trình gây tiếng vang thế giới như trong năm 2019.

Có thể bạn quan tâm