Khu công nghiệp xanh: Chìa khóa thu hút FDI của Việt Nam

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc xây dựng các khu công nghiệp xanh không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố quyết định sự thành công của các doanh nghiệp...

khu-cong-nghiep-vsip-nghe-an-1676025350436922117093 (1).jpg
Xanh hoá khu công nghiệp là xu hướng tất yếu

Tại Việt Nam việc phát triển khu công nghiệp xanh được xem là một sự chuyển mình tất yếu để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, xét trong chiến lược dài hạn.

YẾU TỐ XANH THÚC ĐẨY

Hiện nay, ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) đang là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp vì những yếu tố này không chỉ phản ánh cam kết trách nhiệm xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của mỗi tổ chức. Việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh tích cực, nâng cao uy tín.

Tiếp bước "làn sóng" ESG này, các chủ đầu tư cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chú trọng đến các yếu tố phát triển bền vững. Công nghiệp xanh với mục tiêu giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên ngày càng được chú ý.

Những khu công nghiệp này được thiết kế giúp doanh nghiệp giảm thiểu tác động đến môi trường thông qua việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo và áp dụng công nghệ tiên tiến.

Theo ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao, Bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Hà Nội, phát triển khu công nghiệp xanh đồng nghĩa với việc tham gia vào các hoạt động sản xuất sạch hơn, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường với mục tiêu giảm lượng phát thải carbon về 0.

giam-phat-thai-trung-hoa-carbon-1.jpg
Phát triển khu công nghiệp xanh hướng đến mục tiêu giảm lượng phát thải carbon về 0

Trong bối cảnh công nghiệp xanh ngày càng được chú ý, các chứng chỉ khu công nghiệp xanh như LEED, EDGE, Green Mark... sẽ giúp các doanh nghiệp có định hướng rõ ràng hơn trong quá trình chuyển đổi. Chứng chỉ đánh giá các khu công nghiệp dựa trên nhiều tiêu chí, từ hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm nước, cho đến giảm thiểu chất thải và khí thải.

Ông Thomas Rooney cho rằng, vốn FDI liên tục gia tăng, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ có nhu cầu cao về không gian, kho bãi để phục vụ hoạt động sản xuất và kinh doanh. Do đó, bất động sản công nghiệp vẫn được dự báo là một điểm sáng thu hút các nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam.

Tại một khảo sát của KPMG với sự tham gia của 200 doanh nghiệp FDI, bên cạnh các yếu tố vị trí, nguồn lao động hay hạ tầng logistics, các khu công nghiệp đáp ứng tiêu chí xanh đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của các công ty FDI khi chọn địa điểm đầu tư tại Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các khu công nghiệp xanh ở Việt Nam có lợi thế hơn so với khu công nghiệp truyền thống nhờ được ưu tiên hỗ trợ về công nghệ, xuất khẩu, thương hiệu, chuỗi giá trị và vay ưu đãi theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP.

Ở Việt Nam, mô hình khu công nghiệp sinh thái đã được hình thành từ năm 2014 với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Giai đoạn 2015-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng UNIDO triển khai chuyển đổi 4 khu công nghiệp thí điểm sang khu công nghiệp sinh thái.

Từ năm 2020 - 2024, mô hình khu công nghiệp sinh thái được nhân rộng tại Hải Phòng, Đồng Nai và TP.HCM, góp phần tăng trưởng GDP từ 0,8 - 7% và giảm khí thải từ 8 - 70%.

Dẫn đầu về xu hướng này ở Việt Nam là các khu công nghiệp VSIP và DEEP C. Những đơn vị này đang sử dụng hệ thống năng lượng điện mặt trời áp mái để cung cấp điện cho một phần khu công nghiệp.

Dựa trên dữ liệu sơ cấp trong quá trình làm việc với khách hàng, ông Thomas chia sẻ, có khoảng 80 - 85% các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có yêu cầu cao về các tiêu chuẩn ESG khi lựa chọn địa điểm thuê nhà máy, ưu tiên yếu tố bền vững. Để có thể cạnh tranh hiệu quả với các thị trường lân cận như Thái Lan, Philippines, và Indonesia, nơi đã phát triển thành công nhiều dự án khu công nghiệp xanh, chúng ta cần đáp ứng nhu cầu này. Điều này sẽ giúp tăng cường sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và nâng cao vị thế của chúng ta trên thị trường toàn cầu".

THẾ MẠNH ĐÁNG TỰ HÀO

Liên quan đến việc phát triển khu công nghiệp, tại diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2024 diễn ra cách đây không lâu, bà Trang Lê, Giám đốc cấp cao khối nghiên cứu và tư vấn, JLL Việt Nam cho hay, ở khoảng thời gian 5-10 năm vừa qua, là người Việt Nam thì phải rất tự hào về tốc độ phát triển của bất động sản công nghiệp.

Cụ thể, về thu hút FDI, trong năm 2023 tăng 34%, sẽ ấn tượng hơn rất nhiều nếu so sánh với tổng FDI tăng trưởng của toàn thế giới chỉ 3%. Điều này cho thấy, sự dịch chuyển FDI trên toàn cầu đã chậm lại nhưng Việt Nam vẫn nổi lên là một điểm sáng.

“Đây là một thế mạnh mà chúng ta có quyền để tự hào”, bà Trang Lê nói.

Theo bà Trang, nếu như vấn đề xanh hóa được đặt ra trong 5 năm trước thì chỉ là vấn đề được cân nhắc để làm. Nhưng bây giờ là điều bắt buộc phải làm. Hiện nay, các nhà đầu tư đã có lộ trình rõ ràng và có những dự án đạt tiêu chuẩn xanh.

Việt Nam đang ở giai đoạn đầu thử nghiệm mô hình công nghiệp sinh thái. Tuy nhiên, việc đưa các mô hình công nghiệp sinh thái vào thực tiễn sẽ còn nhiều khó khăn.

Đầu tiên, có thể kể đến là chưa có nhiều hỗ trợ về tài chính cho các nhà đầu tư. Việc chuyển đổi xanh tốn kém ở giai đoạn đầu, cần có sự hỗ trợ nhất định để đưa mô hình xanh hoá đi vào thực tiễn. Hiện nay chủ yếu xuất phát từ khối tư, nhưng để nhận rộng thì không phải ai cũng đủ nguồn lực.

Tiếp đến là những chính sách, hiện vẫn chỉ có những khung bên ngoài, chưa có những quy định chuyên sâu, cụ thể. Vị chuyên gia của JLL đề xuất cần phải có những cái này thì mới có thể dễ dàng đưa mô hình công nghiệp sinh thái vào thực tiễn được.

Là một doanh nghiệp chuyên đầu tư các khu công nghiệp trong và ngoài nước, ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc Phát triển Kinh doanh toàn quốc Công ty SLP Việt Nam cũng phân tích, qua thực tế đầu tư, SLP Việt Nam vẫn nhìn thấy sự tích cực về dài hạn. Điểm sáng của nền kinh tế và tiềm năng thu hút vốn của Việt Nam so với các nước trong khu vực là lợi thế.

6.3.jpg
Ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc Phát triển Kinh doanh toàn quốc Công ty SLP Việt Nam

Bên cạnh đó, giá thuê đất vẫn thấp so với khu vực, nguồn nhân công và xu hướng đa dạng hoá nơi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia cũng là lợi thế của Việt Nam. Nếu như năm 2023, nhà đầu tư đánh vẫn có những lo ngại nhất định thì qua hơn 6 tháng đầu năm 2024, niềm tin nhà đầu tư đã quay trở lại, nhà đầu tư tăng cường hoạt động đầu tư, mở rộng nhà máy tại thị trường Việt Nam.

Thực tế, sau một giai đoạn phát triển, thị trường đang có nhiều nhà phát triển bất động sản công nghiệp chuyên nghiệp, điều này giúp thị trường cạnh tranh hơn về chất lượng, về dịch vụ thay vì cạnh tranh về giá như giai đoạn trước đó.

Bên cạnh cơ hội và tiềm năng lớn, ông Nam cho rằng, các yếu tố vĩ mô ổn định, dân số trẻ, chi phí hợp lý cũng sẽ hỗ trợ sự phát triển của ngành. Trong đó, đặc biệt cần thêm cơ chế rõ ràng hơn từ Chính phủ để thúc đẩy lĩnh vực bất động sản công nghiệp phát triển.

Theo ông Nam, Việt Nam cần tiếp tục ổn định và kiểm soát được các yếu tố nền tảng như chi phí đầu tư về đất đai, lao động, pháp lý, tránh để bị tăng quá nóng trong khi các yếu tố “mềm” về dài hạn chưa phát triển kịp (trình độ lao động, cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, chính sách).

Cùng với đó, đẩy nhanh việc hoàn thiện chuỗi cung ứng, nâng cao trình độ lao động, chính sách riêng biệt và chuyên sâu cho các ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư để giữ chân nhà đầu tư, tránh chỉ phụ thuộc vào các yếu tố ngắn hạn và phụ thuộc vào yếu tố địa chính trị quá nhiều.

“Từ góc độ nhà đầu tư, chúng tôi rất mong muốn có những cơ chế, chính sách khuyến khích riêng biệt để tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển nhanh, bền vững như chính sách tín dụng cơ chế lãi suất ưu đãi, chính sách thu hút đầu tư như giá đất, thuế suất…”, ông Nam bày tỏ.

Với kinh nghiệm phát triển lĩnh vực bất động sản công nghiệp tại Việt Nam và các nước trên thế giới, đại diện SLP Việt Nam cũng chia sẻ thêm về điểm mạnh và điểm mà Việt Nam cần cải thiện để thu hút vốn đầu tư và giữ chân nhà đầu tư.

Đầu tiên, Việt Nam cần phải giữ những yếu tố như nguồn lao động, chi phí đất đai hấp dẫn, đây là những yếu tố mà các nhà đầu tư vẫn đang xem xét khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.

171.jpg
Bất động sản công nghiệp vẫn được dự báo là một điểm sáng thu hút các nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam

Thứ hai, bên cạnh lợi thế sẵn có, Việt Nam cần phát triển chuỗi cung ứng để đáp ứng được sự tối ưu khi các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, thực tế một số nhà đầu tư nhìn nhận tổng các chi phí đầu tư ở Việt Nam chưa hấp dẫn hơn một số thị trường lân cận, nguyên nhân chủ yếu do chuỗi cung ứng tại Việt Nam vẫn chưa phát triển đồng bộ, thúc đẩy sản xuất quy mô lớn.

Thứ ba, trong quá trình đầu tư và phát triển hơn 4 năm ở các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam, SLP Việt Nam vẫn gặp một số khó khăn liên quan đến giấy phép, lĩnh vực bất động sản công nghiệp có biên lợi nhuận thấp hơn bất động sản thương mại, vì vậy thiếu chính sách ưu đãi thuế, tín dụng …

Và cuối cùng, hạ tầng ở Việt Nam chưa đồng bộ, hy vọng chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư để kết nối vùng, khu vực, từ đó giúp đồng bộ cơ sở hạ tầng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Mở đường đưa vật liệu xanh vào dự án công

Mở đường đưa vật liệu xanh vào dự án công

Để giảm phát thải, ô nhiễm không khí trong hoạt động xây dựng các chuyên gia khuyến khích doanh nghiệp nên ứng dụng các giải pháp xanh hoá. Song, ngành xây dựng đang gặp nhiều khó khăn khi thực hiện xu hướng xanh này...

Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất phi nông nghiệp thuộc địa giới hành chính của xã thì bị phạt từ 5 - 200 triệu đồng

Hành vi lấn, chiếm đất có thể bị phạt 1 tỷ đồng

Theo Nghị định 123/2024/NĐ-CP hành vi lấn đất hoặc chiếm đất thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì mức xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng quy định ở trên và mức phạt tối đa không quá 500 triệu đồng đối với cá nhân, không quá 1 tỷ đồng đối với tổ chức...

Doanh nghiệp đồng hành cùng Gala Doanh nhân Thăng Long 2024

VNPTEVNHanelDaewooDu lịch Hà NộiEurowindowGeleximcoHandicoHà Nội groupHaproMay 10May Hồ GươmQuân Đức Thảo dượcROXSâm Ngọc LinhThi SơnThuỷ TạUDICViệt Mỹ