Theo đó, SAGRI đã ký 2 hợp đồng hợp tác không thành lập pháp nhân mới với Tổng Công ty CP Phong Phú có tổng diện tích khoảng gần 100ha với nhiều dấu hiệu sai phạm.
Tại Hợp đồng hợp tác Dự án Cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò, SAGRI đã thay đổi đối tác từ Công ty CP Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hồng Lĩnh sang Tổng Công ty CP Phong Phú, nhưng không có văn bản chấp thuận chủ trương của UBND TP HCM.
Lưu ý, SAGRI là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc UBND TP HCM, hoạt động theo mô hình Công ty TNHH Một thành viên. Do đó, SAGRI cần có sự chấp thuận của cơ quan chủ quản - ở đây là UBND TP HCM - trong một số hoạt động, đặc biệt là hoạt động liên quan tới đất đai, góp vốn...
Tại dự án chuyển nhượng Khu nhà ở tại phường Phước Long B, SAGRI đã không thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung khi điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch dự án; cam kết chưa huy động vốn của khách hàng không đúng thực tế; xác định giá trị chuyển nhượng không đúng, làm giảm số thuế phải nộp Ngân sách Nhà nước - theo Kiểm toán Nhà nước.
Còn theo Báo cáo tài chính năm 2017 của SAGRI, vào tháng 2/2011, giữa SAGRI và Tổng Công ty CP Phong Phú đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 65/HDHT-TCT để cùng hợp tác đầu tư xây dựng và hợp tác kinh doanh dự án Cụm công nghiệp tại Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh (diện tích hơn 94ha) với tên gọi là Cụm công nghiệp Láng Le – Bàu Cò.
Vốn đầu tư của dự án Cụm công nghiệp Láng Le – Bàu Cò là hơn 683 tỷ đồng. Trong đó SAGRI góp 28%, Tổng Công ty CP Phong Phú góp 72%. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, khoản đầu tư cho dự án này vẫn ghi nhận là chi phí xây dựng dở dang, với số tiền hơn 60,3 tỷ đồng. Báo cáo tài chính năm 2017 của SAGRI cho biết, vốn thực góp của 2 bên tương ứng với chi phí này.
Ngoài hợp đồng hợp tác đầu tư Cụm công nghiệp Láng Le – Bàu Cò, SAGRI còn ký hợp đồng hợp tác số 52/HĐHT-TCT với Tổng Công ty CP Phong Phú vào tháng 10/2008 để cùng hợp tác xây dựng Khu nhà ở tại khu phố 4, P. Phước Long B, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh, với diện tích 37.596m2.
Ở dự án này, SAGRI góp 28% vốn, còn lại Tổng Công ty CP Phong Phú góp 72%. Tại thời điểm cuối năm 2017, khoản đầu tư cho dự án đang được ghi nhận là chi phí xây dựng cơ bản dở dang gần 162,7 tỷ đồng, vốn thực góp của 2 bên cũng tương ứng với khoản chi phí này.
Sau khi ký 02 hợp đồng nói trên, Phong Phú đã trả chi phí thiệt hại kinh doanh 14 tỷ đồng cho hợp đồng hợp Cụm công nghiệp Láng Le – Bàu Cò và chi trả tiền đền bù, di dời tài sản trên khu đất cho khu đất tại Quận 9 là 20 tỷ đồng. SAGRI đã ghi nhận vào thu nhập khác trong năm 2012 số tiền 24 tỷ đồng, trong năm 2016 là 10 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2017, SAGRI ghi nhận khoản phải nộp khác 160,78 tỷ đồng là số tiền góp vốn của Phong Phú cho 2 dự án trên.
Được biết hiện nay dự án hợp tác xây dựng Khu nhà ở tại khu phố 4, P. Phước Long B, Quận 9, TP. HCM đã có chủ trương của UBND TP. HCM cho SAGRI chuyển nhượng cho chủ đầu tư mới là Phong Phú.
Những giao dịch giữa SAGRI và Tổng Công ty CP Phong Phú là khá kín đáo, và chỉ được công khai khi các cơ quan chức năng vào cuộc. Nhìn rộng hơn, quan hệ giữa hai tổng công ty này có thể xem như điển hình của mối quan hệ làm ăn kín đáo giữa những doanh nghiệp nhà nước hoặc "gốc" doanh nghiệp nhà nước.
Điều cần lưu ý nữa, Tổng Công ty CP Phong Phú là doanh nghiệp được cổ phần từ doanh nghiệp nhà nước, và hiện vẫn là một trong những doanh nghiệp dệt may mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, thực lực của doanh nghiệp này còn có thể hiện kín đáo ở nhiều dự án bất động sản tại nhiều địa phương. Đồng thời, theo thời gian, doanh nghiệp này hiện chịu chi phối của chỉ vài nhóm cổ đông cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước.
Về SAGRI, đây là doanh nghiệp Nhà nước thuộc UBND TP. HCM, thành lập từ cuối năm 1996, hiện có vốn điều lệ 1.690,5 tỷ đồng, quản lý, sử dụng 45 nhà, đất với tổng diện tích hơn 6.288,2 ha, chủ yếu tại TP. HCM.
Đầu năm 2018, Chủ tịch UBND TP. HCM quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lê Tấn Hùng, Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc SAGRI.
>> Công bố nhiều sai phạm "giật mình" trong cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam