Thông tin tới báo chí tại buổi Họp báo thường niên của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ngày 5/5, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết sẽ bước đầu kiểm tra hoạt động của mạng xã hội TikTok từ ngày 15/5.
Trước đó, ông Do cho biết Bộ TT&TT đã thực hiện đầy đủ các bước kiểm tra theo quy định, bao gồm gửi công văn, lập kế hoạch kiểm tra cho các cơ quan, Bộ/Ngành có liên quan.
Theo kế hoạch, đoàn kiểm tra của Bộ TT&TT sẽ bắt đầu làm việc với TikTok bắt đầu từ 15/5 và kéo dài đến hết tháng. Quá trình thanh tra nhằm xác định, làm rõ những sai phạm của mạng xã hội này trong quá trình cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, cũng như đưa ra những hướng giải quyết cụ thể.
TikTok được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2016. Đây cũng là mạng xã hội có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, khi đến tháng 9/2021, nền tảng này đã cán mốc một tỷ người dùng. Từ năm 2019, TikTok có sự phát triển rất mạnh ở thị trường Việt Nam và thu hút được rất nhiều sự quan tâm của người dùng trẻ tuổi.
Số liệu của DataReportal cho thấy tính đến tháng 2/2023, hiện có khoảng 49,9 triệu người sử dụng mạng xã hội TikTok tại Việt Nam. Cùng với Facebook, Zalo, YouTube, đây hiện là một trong những mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam.
Tuy nhiên sau giai đoạn bùng nổ vài năm gần đây, nền tảng này đã liên tục vướng vào những lùm xùm với hàng loạt nội dung phản cảm, độc hại, thông tin sai sự thật hay truyền bá mê tín dị đoan.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết, cùng với việc kiểm tra toàn diện, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như TikTok tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Trước đó, Bộ TT&TT chính thức công bố 6 sai phạm của TikTok tại Việt Nam:
+ Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung nhảm nhí, độc hại gây nguy hiểm với trẻ em.
+ Sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view.
+ Không quản lý các thần tượng TikTok sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa, thậm chí tạo trend.
+ Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả nhằm ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái.
+ Không có biện pháp kiểm soát các nội dung vi phạm bản quyền.
+ Để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả.