Theo báo cáo tài chính mới công bố của Tổng Công ty Chuyển phát nhanh Bưu Điện – CTCP (mã chứng khoán: EMS), kết thúc quý 4/2023 doanh thu thuần của công ty đạt hơn 483 tỷ đồng, thấp hơn 17,8% so với cùng kỳ.
Giá vốn hàng bán đạt 381,6 tỷ đồng kéo theo lợi nhuận gộp của công ty giảm còn 101,3 tỷ đồng, tương đương giảm 8,3% so với quý 4/2023.
Trong kỳ, chi phí tài chính giảm hơn 7 lần xuống mức 222,5 triệu đồng. Chi phí bán hàng cũng giảm 19,9% còn 24,2 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 51,4% lên hơn 51,1 tỷ đồng.
Mặc dù hầu hết các chi phí đều được tiết giảm nhưng lợi nhuận trước thuế của công ty chỉ đạt hơn 28 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 22,4 tỷ đồng, đồng loạt giảm 42,2% so với cùng kỳ quý 4/2022.
Lý giải kết quả kinh doanh suy giảm, EMS cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp và bất ổn, thị trường trong nước cạnh tranh gay gắt khiến cho tình hình kinh doanh của công ty và khách hàng gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù EMS đã liên tục rà soát, triển khai các phương án cải tiến tổ chức sản xuất, cắt giảm lao động, cũng như tiết giảm và tối ưu nhiều khoản chi phí để giảm giá thành dịch vụ, nhưng do phát sinh một số khoản nợ phải thu quá hạn lớn, dẫn đến tăng chi phí trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, dẫn đến kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng.
Tính chung cả năm 2023, EMS mang về hơn 1.797 tỷ đồng doanh thu thuần. Trong đó, doanh thu từ dịch vụ bưu chính chuyển phát đạt 1.608 tỷ đồng, giảm 21,3% so với cùng kỳ. Doanh thu từ dịch vụ đại lý và các dịch vụ khác cũng giảm 1,3%, đạt hơn 189 tỷ đồng.
Công ty báo lãi sau thuế năm 2023 đạt 64,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 71,2 tỷ đồng, tương ứng giảm 9,2%.
Năm 2023, EMS lên kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu dự kiến đạt 2.650 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 71,75 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả trên, công ty mới hoàn thành 67,8% mục tiêu doanh thu và 90,2% chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra.
Tại thời điểm ngày 31/12/2023, quy mô tài sản của EMS ở mức 675,9 tỷ đồng, chiếm phần lớn là tài sản ngắn hạn với 521,2 tỷ đồng, còn lại 154,6 tỷ đồng là tài sản dài hạn. Chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản là các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng với 421,3 tỷ đồng và dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi chiếm 27,4 tỷ đồng.
Tổng số nợ phải trả (toàn bộ là nợ ngắn hạn) đạt 373,6 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty tính đến hết quý 4/2023 đạt khoảng 302,2 tỷ đồng, giảm 20,6% so với số đầu năm.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 6/2, cổ phiếu EMS đóng cửa ở mức 21.000 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hoá của công ty chuyển phát này trên thị trường đạt khoảng 440,9 tỷ đồng.