Kinh tế chia sẻ: Thách thức hay vận hội tùy thuộc vào tư duy quản lý nhà nước

Khách quan mà nói, đôi khi các bế tắc trong cuộc sống có thể dễ dàng được giải quyết chỉ bằng cách thay đổi tư duy hơn là phải vất vả bỏ ra nhiều công sức.
Kinh tế chia sẻ: Thách thức hay vận hội tùy thuộc vào tư duy quản lý nhà nước

Khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất sửa Nghị định 86/2014 trong đó có biện pháp thắt chặt quản lý để hạn chế hình thức kinh doanh vận tải Uber và Grab, người tiêu dùng có thể thấy một cách tư duy vẫn cũ, đó là “không quản được thì cấm” và thậm chí nếu rắc rối, phức tạp thì cũng cấm luôn. Trong khi đó...

Không thể cưỡng lại “Nền kinh tế chia sẻ”

Tôi nhớ một cảnh trong bộ phim Đến thượng đế cũng phải cười năm xưa. Có một bộ lạc đang sống yên lành trong rừng bỗng nhặt được một cái vỏ chai “Coca-Cola” được ném xuống từ máy bay. Cả làng không biết đó là gì bèn cử một người đàn ông nhanh và khỏe nhất chạy theo cái máy bay ấy để tìm hiểu cho ra lẽ. Thế rồi sau đó, như chúng ta đã biết, ngày nay cả thế giới đã uống Coca-Cola hàng ngày.

Cách mạng công nghiệp 4.0 và hệ quả đi theo nó là mô hình cấu trúc xã hội mới được gọi là “Nền kinh tế chia sẻ” (Sharing Economy) hay “Nền kinh tế tiếp cận” (Access Economy”)... với các sản phẩm kiểu Uber và Grab kia, có lẽ cũng là một hiện tượng như cái vỏ chai Coca-Cola ngày ấy đối với nhiều vùng, miền trên thế giới. Tuy nhiên, chắc chắn có một điểm khác biệt căn bản. Đó là nếu việc uống Coca-Cola là câu chuyện của sở thích và tập quán văn hóa thì cái nền kinh tế mới này đã, đang và sẽ tự đến với sức mạnh chinh phục khủng khiếp, và sự lan tỏa của nó sẽ không chỉ nhanh chóng mà còn không thể cưỡng lại.

Theo một nghiên cứu của Pricewaterhouse Coopers, mức chi toàn cầu trong năm 2014 cho năm lĩnh vực dịch vụ của nền kinh tế chia sẻ, bao gồm tài chính, nghề chuyên nghiệp, dịch vụ gia đình, vận tải và lưu trú, chiếm 15 tỉ đô la Mỹ (tương đương 5% tổng mức chi toàn cầu có liên quan). Tuy nhiên, đã có căn cứ để dự báo rằng đến năm 2025, mức chi ấy sẽ tăng lên đến 50%, tương đương 335 tỉ đô la Mỹ. Tại thời điểm 2015, một phần năm người tiêu dùng Mỹ đã sử dụng dịch vụ của nền kinh tế chia sẻ, còn tại châu Âu, con số này là 17%.

Nhận thức sớm được xu thế và với cách nghĩ coi đó là vận hội, Chính phủ Anh đã đưa vào nghị quyết ngân sách 2015 một yêu cầu, đó là: “Biến nước Anh thành nơi tốt nhất trên thế giới để khởi nghiệp, đầu tư và phát triển kinh doanh, bao gồm các phương cách trọn gói nhằm giải phóng các tiềm năng của nền kinh tế chia sẻ”. Ở những nơi khác, sự lựa chọn này vẫn còn phân vân. Chẳng hạn, vào tháng 12 năm ngoái, Tòa án công lý châu Âu đã phán quyết coi Uber là một hình thức vận tải công cộng, cần phải tuân thủ các quy tắc áp dụng cho taxi. Tuy nhiên, cũng ngay tại Nghị viện châu Âu, người ta đang kêu gọi việc khẩn trương ban hành các quy định thích hợp để làm sao các nền kinh tế châu Âu được hưởng lợi thành quả từ nền kinh tế chia sẻ, trong khi vẫn bảo đảm được cạnh tranh công bằng, quyền của người lao động và tuân thủ nghĩa vụ thuế.

Xu hướng “tiếp cận nhiều hơn” thay vì “sở hữu nhiều hơn”

Đặc điểm quan trọng nhất của nền kinh tế chia sẻ là việc nó ra đời một cách tự nhiên trong bối cảnh khách quan mới do Internet và công nghệ số tạo ra. Các quốc gia, đặc biệt là nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, đang lo sợ phải xử lý nguy cơ nhãn tiền rằng các ngành nghề thâm dụng lao động như dệt may, chế biến, dịch vụ ngân hàng... sẽ biến đổi nhanh chóng và gây ra thất nghiệp hàng loạt. Con người, đặc biệt là những người trẻ, sẽ “nghèo” hơn các thế hệ cha anh bằng việc không có cả khả năng sở hữu nhiều tài sản thiết yếu như là dấu hiệu của sự thành đạt. Trên nền tảng đó, thay vì “sở hữu nhiều hơn”, con người sẽ có xu hướng tìm cách được “tiếp cận nhiều hơn” với mọi tiện ích vật chất (mà không cần sở hữu nó). Ví dụ, những người trẻ chỉ cần có việc làm và thu nhập là có thể có cả nhà lẫn xe hơi tại bất kỳ thời điểm nào mình cần thông qua dịch vụ thuê mà không phải bỏ một khoản tiền lớn ra để mua nữa.

Mô hình nền kinh tế chia sẻ đã và sẽ làm thay đổi cả chất lượng lẫn vị thế của mỗi cá nhân trong xã hội. Từ hàng trăm năm qua, chúng ta đã quen với việc phân hóa con người thành ông chủ và người lao động hay nhà sản xuất, cung ứng và người tiêu dùng thì nay, vẫn cơ bản là thế nhưng mỗi cá nhân trong nền kinh tế chia sẻ đều có cơ hội để trở thành tất cả các vị thế nói trên. Một lái xe Uber, Grab không còn cảm giác là người lao động thuần túy, vì họ là chủ chiếc xe và thời gian làm việc nên có làm thuê cho ai đâu? Hay, một người có nhà hay căn phòng, hay thậm chí cả cái cái xe đạp hay ti vi không dùng đến, đều có thể dễ dàng chia sẻ với người khác.

Về căn bản, điều gì sẽ xảy ra nếu mọi sức lực, tài năng và vật dụng dư thừa của mỗi cá nhân đều có thể đem ra sử dụng và trở thành có ích, chỗ thừa sẽ lấp vào chỗ thiếu trên nền tảng ứng dụng công nghệ số và di động tiện lợi, nhanh chóng với quy mô toàn xã hội? Người ta đã tính đến những hiệu quả tích cực không ngờ trong tương lai của nền kinh tế chia sẻ, trong đó quan trọng nhất là sự tiết kiệm trong tiêu dùng và giảm lãng phí tài nguyên, qua đó bảo vệ tốt hơn môi trường sống. Đặc biệt, mỗi người tiêu dùng sẽ không còn phấn đấu để trở thành “thông thái” như bấy nay (tức chỉ tiêu thụ sản phẩm), mà trở thành “người tiêu dùng chuyên nghiệp” (prosumer), tức còn góp phần tạo nên giá trị kinh doanh cho sản phẩm mà mình tiêu thụ.

Trước những mặt trái tất yếu

Như một tất yếu, không có mô hình kinh tế mới nào không mang lại vấn đề hay kèm theo “mặt trái”. Tuy nhiên, thay vì đưa ra biện pháp ngăn cấm hay hạn chế một cách đơn giản và thô bạo, các nhà lập pháp ở nhiều quốc gia đang thảo luận để xử lý một cách thích hợp các vấn đề chủ yếu của nền kinh tế chia sẻ sau đây:

Một là, làm sao để có các tiêu chuẩn phân biệt giữa một cá nhân thông thường cung cấp dịch vụ và một nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp?

Hai là, cơ chế nào để bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng đối với các sản phẩm và dịch vụ do các chủ thể không chuyên cung cấp?

Ba là, làm sao xử lý các vấn đề lao động đối với một người đảm nhiệm cùng lúc nhiều công việc “part-time” khác nhau?

Bốn là, làm thế nào để tất cả các bên tham gia quá trình kinh doanh và có thu nhập đều nộp thuế, đặc biệt là khuyến khích các bên cung cấp nền tảng công nghệ kết nối (như Uber hay Grab) hợp tác trong khía cạnh này?

Vậy, trở lại với các khó khăn và lúng túng của Bộ GTVT trước trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề của Uber và Grab, chúng ta có thể góp ý điều gì?

Nếu coi Uber và Grab đơn thuần là dịch vụ vận tải công cộng và áp đặt quy chế quản lý chung, phải chăng chúng ta sẽ làm mất đi cơ hội việc làm và thu nhập của nhiều ngàn người sở hữu ô tô riêng và nhàn rỗi, hay ít nhất làm tăng các chi phí kinh doanh không cần thiết đối với họ?

Nếu cho rằng cần bảo đảm để Uber và Grab không còn lợi thế hơn về chính sách và thị trường so với taxi truyền thống, phải chăng vì thế chúng ta sẽ hạn chế sự phát triển và ứng dụng của công nghệ mới, qua đó sáng tạo ra các ngành nghề mới trong nền kinh tế nói chung?

Nếu nhân danh bảo vệ quyền được an toàn của người tiêu dùng khi đi lại bằng Uber và Grab, phải chăng chúng ta đồng thời cũng tước đi cơ hội của họ được đi xe đẹp, rẻ và tiện lợi hơn?

Và cuối cùng, nếu lo rằng Nhà nước sẽ thất thu về thuế, phải chăng chúng ta nên tự hỏi rằng một khi không có thêm thu nhập chung được tạo ra thì Nhà nước cũng bớt đi cơ hội để làm to hơn “cái bánh ngân sách”?

Cho nên, sẽ không có ai không đồng ý rằng thời đại công nghiệp 4.0 và nền kinh tế chia sẻ đã và đang tạo ra các mâu thuẫn và rắc rối đối với hiện trạng quản lý xã hội. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ các nhà lập chính sách sẽ nhìn nhận nó từ góc độ nào, thách thức hay cơ hội? Từ góc nhìn của người viết, bởi Việt Nam là nước phát triển sau nhưng có tỷ lệ dân số trẻ cùng với việc sử dụng Internet thuộc hàng cao nhất thế giới, thời đại này đang mở ra những vận hội mới mà đất nước. Một lần nữa, không nên bỏ lỡ.

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập/Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…