“Sự gián đoạn kinh tế ở bốn cấp độ: trực tiếp, tác dụng ngược, lan tỏa và hệ thống đang xảy ra, khó có điểm dừng chứ không chỉ còn là dự báo”, các chuyên gia kinh tế quốc tế lo ngại.
Rủi ro, khủng hoảng lan khắp toàn cầu
“Xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine cùng biến động tài chính không chỉ đe dọa nền kinh tế Nga, mà còn khiến kinh tế toàn cầu chao đảo. Thị trường tài chính thế giới đang rung chuyển, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của toàn nhân loại, từ những công nhân nhập cư người Uzbekistan, công dân châu Âu đến những gia đình nghèo khổ ở Yemen…nói chung là tất cả chúng ta, tất cả loài người và khắp hành tinh này”.
Đó là những gì hãng tin AP đăng tải ngày 3/3, dẫn lời ông Clay Lowery, Phó chủ tịch điều hành tại Viện Tài chính Quốc tế, sau gần 2 tuần Nga phát động chiến dịch “quân sự đặc biệt” tại Ukraine.
Ông Clay Lowery cũng nhấn mạnh: Ngay cả khi căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine chưa xảy ra, nền kinh tế toàn cầu vốn dĩ đã ở tình trạng báo động với một loạt gánh nặng như lạm phát gia tăng, các chuỗi cung ứng phức tạp, bên cạnh giá cổ phiếu sụt giảm. Cuộc khủng hoảng tại Ukraine vừa nhân rộng những mối đe dọa nói trên, vừa làm phức tạp các giải pháp tiềm năng cho nền kinh tế thế giới.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm đến gần 80% tài sản ngân hàng ở Nga, trong khi hoạt động xuất nhập khẩu bị đánh giá sẽ gặp khó khăn từ việc Moscow bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Tuy nhiên, tác động tiêu cực không chỉ xảy ra ở Nga.
Theo các chuyên gia, những công ty quốc tế có sự hiện diện lớn ở Nga cũng đang như “ngồi trên đống lửa.” Đồng ruble mất giá mạnh so với đồng USD được cho là sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của các doanh nghiệp trên thị trường Nga, vốn cũng đang đối mặt với những lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ phía các nước phương Tây khi làm ăn tại thị trường này.
Do quan hệ ràng buộc, đặc biệt là về nhiên liệu, cùng nguy cơ từ những biện pháp đáp trả của Moscow, các nền kinh tế châu Âu được dự báo sẽ gặp khó khăn. Trong đánh giá mới nhất, Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng việc Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine khiến mức dự báo tăng trưởng 4% cho khu vực này trở nên không chắc chắn.
Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Philip Lane, nhận định xung đột Nga - Ukraine có thể làm GDP của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm khoảng 0,3 -0,4 điểm phần trăm trong 2022.
Tác động thực sự của việc Nga bị “phong tỏa” trên mọi thị trường, từ hàng hóa đến tài chính, nằm ở vai trò của nền kinh tế này trong chuỗi giá trị toàn cầu, bởi đây là nhà cung cấp ⅙ tổng lượng hàng hóa toàn cầu. Cụ thể, Nga sản xuất 10% lượng dầu toàn cầu và cung cấp 40% lượng khí đốt cho châu Âu.
Nước này cũng là nhà xuất khẩu phân bón, nhà sản xuất nickel và palladium hàng đầu, nước xuất khẩu thép và than đá lớn thứ ba và nước xuất khẩu gỗ lớn thứ năm thế giới.
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã cảnh báo giá lương thực tăng, bởi cùng với Ukraine, Nga được coi là “rổ bánh mỳ” của cả thế giới khi cung cấp hơn 25% lượng lúa mỳ xuất khẩu của toàn cầu, gần 20% lượng ngô và 12% lượng giao dịch tất cả các loại ngũ cốc trên toàn cầu. Hệ lụy từ việc giá nhiên liệu tăng đặt ra sức ép lạm phát lớn đối với các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Giám đốc bộ phận kinh tế và tiền tệ tại Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), ông Claudio Borio cho biết: "Căng thẳng Nga - Ukraine leo thang đã làm gia tăng mạnh những bất ổn kinh tế” và diễn tiến của nó sẽ trở thành nhân tố chi phối, ảnh hưởng đến các thị trường.
Ông Claudio Borio nhấn mạnh, lạm phát tăng vọt đã đặt ra nhiều vấn đề đối với các ngân hàng trung ương về việc có nên tăng lãi suất hay không và tăng đến mức nào khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau thời gian áp dụng các biện pháp hạn chế để chống đại dịch COVID-19.
Các chuyên gia phân tích tại Capital Economics nhận định lạm phát tại Eurozone sẽ chạm mức 6% trong những tháng tới, trước khi giảm xuống khoảng 4% vào cuối năm, vượt xa mục tiêu lạm phát mà ECB đặt ra là 2%.
Với việc chiến sự vẫn tiếp diễn tại Ukraine, còn quá sớm để dự báo mức độ thiệt hại của kinh tế toàn cầu, chỉ có một điều chắc chắn rằng đà phục hồi vừa khởi sắc sẽ bị kéo lùi.
Căng thẳng càng kéo dài, rủi ro sẽ càng cao, tổn thất càng lớn và ảnh hưởng đến mọi thành viên trong hệ thống kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh các nền kinh tế vẫn còn đang vất vả khắc phục những hậu quả từ đại dịch COVID-19.
Lo ngại nhất: Đứt gãy chuỗi cung ứng
Những rủi ro, khủng hoảng nêu trên rất khó tiên liệu về hậu quả trước mắt và lâu dài nhưng một điều có thể nhìn thấy được ngay đó là cuộc xung đột Nga – Ukraine đã cắt đứt chuỗi cung ứng toàn cầu, một trở ngại mà không một liên minh kinh tế nào có thể giải quyết triệt để.
Giao thông vận tải giữa Châu Âu và các điểm đến tại Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc đã trở nên đặc biệt khó khăn do các lệnh cấm các hãng hàng không Châu Âu bay qua vùng trời của Nga. Cả vận tải khách lẫn vận tải hàng hóa đều chịu ảnh hưởng. Trả lời Reuters, ông Frederic giám đốc công ty tư vấn vận tải Cargo Fact Consulting cho biết khoảng 20% lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không bị ảnh hưởng bởi những lệnh cấm vừa nêu.
Giới chuyên gia nhận định các lệnh cấm sẽ là yếu tố đẩy giá vận chuyển hàng hóa tiếp tục tăng trong thời gian tới. Peter Sand, chuyên gia của Xeneta, công ty phân tích dữ liệu, cho biết: “Đây là lúc mà các công ty vận tải cần chuẩn bị kế hoạch dự phòng, đồng thời phải tìm cách để tối ưu mạng lưới vận chuyển, để hàng hóa tới được tay khách hàng. Tuy nhiên, đây là dấu hiệu cho thấy giá cước vận tải sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới”.
Trong khi một số hãng hàng không lớn của Châu Á vẫn còn có thể đi qua không phận Nga, thì các hãng hàng không Châu Âu lại không thể, kể cả với các hãng vận chuyển hàng hóa thuần túy. Ngược lại, các hãng hàng không Nga cũng không thể bay qua nhiều không phận của Châu Âu và Mỹ, trong đó có hãng AirBridgeCargo, vốn chiếm 4% tổng lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không toàn cầu mỗi năm.
Theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế, giá cước vận chuyển hàng không đã tăng 150% so với thời điểm trước đại dịch, ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực và nền kinh tế trên toàn thế giới, trong khi nhu cầu vận chuyển lại tăng 6,9% so với năm 2019 do thương mại điện tử tăng mạnh và tình trạng thiếu container toàn cầu.
Một điểm lo ngại khác, theo Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics lưu ý rằng, Nga và Ukraine cùng sản xuất 70% đèn neon trên thế giới, thành phần rất quan trọng trong việc sản xuất chất bán dẫn. Điều đó đặc biệt đáng lo ngại vì thế giới và các nhà sản xuất ô tô nói riêng đang phải chịu đựng tình trạng thiếu chip máy tính.
Nga và Ukraine cùng cung cấp 13% titan của thế giới, được sử dụng để sản xuất máy bay phản lực chở khách và 30% palađi, được sử dụng cho ô tô, điện thoại di động và chất hàn răng. Nga cũng là nước sản xuất niken lớn, được sử dụng để sản xuất pin ô tô điện và thép. “Chuỗi cung ứng không thể nào bắt kịp được” – chuyên gia này nhận định.
Thế giới gồng mình ứng phó
Đứng trước một cuộc khủng hoảng toàn diện, các quốc gia trên thế giới nhất là các cường quốc đã buộc phải định hình lại những gì diễn ra trong tương lai nhất là các chính sách đối ngoại kinh tế và chiến lược dự phòng.
Đầu tiên phải kể đến là Mỹ. Theo các chuyên gia và quan chức chính quyền, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine chính là lăng kính phản chiếu mọi quyết định chính sách đối ngoại kinh tế trong tương lai nước này.
“Cuộc khủng hoảng tạo ra động lực lớn để Mỹ tìm cách khiến Nga và Trung Quốc không xích lại gần nhau, trong bối cảnh Moscow có khả năng sẽ dựa vào quan hệ ngoại giao và kinh tế với Bắc Kinh để đối phó các lệnh trừng phạt của phương Tây. Một số quan chức chính quyền ông Biden hiện vẫn coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh số một, cũng như muốn đồng thời kiềm chế cả Nga và Trung Quốc”, theo bình luận trên The New York Times
Đồng thời, cuộc chiến cũng cho thấy tính cấp thiết đối với chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cho thấy tính đúng đắn của việc sử dụng năng lượng sạch tái tạo thay vì phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra áp lực mới đối với Mỹ trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế từ những nước vốn không có quan hệ tốt với Washington như Venezuela và Saudi Arabia.
Không chỉ Mỹ, một vấn đề được các nước hiện nay tập trung đối phó là lạm phát. Các nước như Pháp và Tây Ban Nha đã bắt đầu kích hoạt chính sách tài khóa để xoa dịu cú sốc lạm phát. Họ hỗ trợ các hộ gia đình trả hóa đơn. Một số nhà kinh tế cũng ủng hộ cách tiếp cận tương tự tại Mỹ.
Điều này một phần là vì các ngân hàng trung ương như Fed, đã rút ra bài học từ quá trình lạm phát kéo dài hồi thập niên 70, Mark Zandi - kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics cho biết. "Họ thà đẩy nền kinh tế vào suy thoái sớm, hơn là vừa tăng trưởng chậm vừa lạm phát và thất nghiệp cao rồi sau đó rơi vào một cuộc suy thoái tồi tệ hơn”, Maurice Obstfeld – cựu chuyên gia kinh tế tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói.