Knight Frank: Thị trường bất động sản TP. HCM trên đà tăng kỷ lục

Quý 2 năm 2022, thị trường bất động sản thương mại sôi động tại TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tăng trưởng, thậm chí đã quay về mức trước đại dịch, với sự thiếu hụt nguồn cung tiếp tục là động lực chính của thị trường.
Khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh
Khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh

Trên toàn thành phố, giá thuê văn phòng hạng A đã đạt mức trung bình 57,71 USD/m2, cao hơn 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, và quay về mức giá năm 2020. Suốt nửa đầu năm nay, thị trường chưa có thêm nguồn cung văn phòng hạng A nào giúp giảm áp lực về giá cho khách thuê.

Tỉ lệ văn phòng hạng A còn trống hiện đang ở mức 6,6%, thấp hơn 7,1% so với cùng kỳ năm 2021 khi thành phố bắt đầu giai đoạn giãn cách xã hội dài ngày.

Giá thuê văn phòng hạng A ở cả khu trung tâm thành phố lẫn khu Nam Sài Gòn đều tăng nhẹ so với quý trước. Trung tâm thành phố, nơi luôn khát mặt bằng cao cấp, có giá thuê đạt mức 62,67 USD/m2. Còn ở Nam Sài Gòn, văn phòng hạng A ghi nhận giá thuê 34,09 USD/m2 nhờ vào nguồn cung mặt bằng rộng rãi và phong phú hơn.

Ông Leo Nguyễn, Giám đốc bộ phận Chiến lược & Giải pháp cho Khách thuê của Knight Frank Việt Nam cho biết: “Thường thì khách thuê vẫn ưa chuộng các địa điểm trung tâm. Tuy nhiên nếu muốn tìm thuê diện tích sàn từ 1.000 m2 trở lên với ngân sách giới hạn, khách thuê sẽ phải cân nhắc những thị trường ngoài khu vực trung tâm. Theo chúng tôi quan sát, tỉ lệ hấp thụ văn phòng hạng B ở gần 4.000 m2 phần lớn đến từ vùng phụ cận khu trung tâm và các khu vực ngoài trung tâm khác.”

Văn phòng cho thuê hạng B cho thấy tình hình hoạt động ổn định với giá thuê trung bình ở mức 33.79 USD/m2, cao hơn năm ngoái 5,9% nhưng lại giảm 0,7% so với quý trước. Lý do của việc giảm giá này là một số toà nhà văn phòng Hạng B ở khu trung tâm và vùng phụ cận giảm giá thuê nhằm hút khách thuê.

Quý 2 kết thúc với tỉ lệ văn phòng hạng B còn trống là 8,2%, cao hơn 0,7% so với cùng kỳ quý 1. Một trong những dự án bất động sản lớn của ở khu vực ngoài trung tâm hoãn kế hoạch khai trương đến cuối năm, tạo thêm áp lực lên nguồn cung vốn đã khan hiếm. Mặc dù vậy, các xu hướng đến từ khách thuê tìm kiếm tòa nhà tốt hơn hay chuyển văn phòng khỏi khu trung tâm, hoặc sắp xếp điều kiện làm việc linh hoạt cho nhân viên cũng phần nào giúp giảm tải cho thị trường.

Đa phần các giao dịch thuê lớn của thị trường văn phòng trong quý 2 cho thấy phần lớn khách thuê hoạt động trong lĩnh vực công nghệ (44%), khai thác không gian làm việc chung (14%), xây dựng (13%), và bất động sản (12%). Dịch chuyển (66%) và mở rộng văn phòng (20%) vẫn chiếm phần lớn các giao dịch thuê lớn trong thị trường, trong đó 14% giao dịch thuê mới đến từ các khách hàng trong ngành bất động sản, ngân hàng, và công nghệ.

Dự đoán giá thuê trung bình của văn phòng hạng A và B sẽ đi theo hai xu hướng khác biệt, trong đó văn phòng hạng A dự kiến sẽ tiếp tục tăng giá trước khi thị trường có thêm nguồn cung khoảng 184.478 m2 diện tích sàn trong hai năm 2023 và 2024.

Trong khi đó, văn phòng hạng B được dự báo vẫn giữ giá thuê ổn định trước khi giảm giá vào năm 2023 và 2024 nhằm cạnh tranh với các văn phòng hạng A và B mới sẽ gia nhập thị trường.

“Với tổng nguồn cung mới hơn 400.000 m2 diện tích sàn cho cả văn phòng hạng A và B từ nay đến năm 2024, tỉ lệ trống cho cả hai hạng văn phòng dự kiến sẽ tăng lên gần 10%, bởi lẽ thị trường cũng cần thời gian hấp thụ lượng diện tích mới, vốn sẽ đem lại nhiều lựa chọn chuyển đổi cũng như mở rộng văn phòng trên khắp thành phố,” ông Leo Nguyễn cho biết.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…