Theo Thượng tá Huỳnh Tấn Lực, Phó Chủ nhiệm Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Bình Phước, đây là cách làm mới, đầy sáng tạo trong chương trình tư vấn học nghề, thông tin thị trường lao động năm 2023, 2024 do Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch trực thuộc UBND tỉnh Bình Phước thực hiện.
Chương trình thực hiện với phương châm “chỗ đứng không quan trọng bằng hướng đi”, mô hình đột phá này sẽ tiếp tục được duy trì, phát triển và nhân rộng.
Còn ông Trần Quốc Duy, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch cho biết, bộ đội hoặc công an xuất ngũ là nguồn nhân lực chất lượng, có ý thức tổ chức kỷ luật, độ tuổi, sức khỏe và trình độ có thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài các khu công nghiệp ở Bình Phước.
“Cần đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bộ đội, công an xuất ngũ dựa trên nhu cầu thị trường và sự phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để tránh lãng phí nguồn nhân lực đã được tôi luyện bài bản trong môi trường quân đội.”, ông Duy phân tích.
Tại chương trình Tư vấn học nghề, thông tin thị trường lao động trong 2 năm qua, nhằm góp phần làm gia tăng tỷ lệ có việc làm của bộ đội xuất ngũ trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch đã kết nối, mời gọi nhiều KOL đến định hướng nghề nghiệp tương lai cho các chiến sĩ, truyền cảm hứng với lời gửi gắm: “Hãy sống tử tế, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, đừng vi phạm pháp luật và cùng làm những việc có ích cho cộng đồng với tất cả tình yêu thương. Không có gì không thể đạt được khi chúng ta quyết tâm phấn đấu mỗi ngày.”
Năm 2022, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch đã mang đến cho hơn 600 chiến sĩ Bình Phước sắp xuất ngũ cơ hội gặp gỡ và trò chuyện về đề tài “Chiến tranh và hòa bình” với Đại sứ hòa bình tại Nhật Bản Nguyễn Đức, Chủ tịch Hiệp hội phi lợi nhuận “Vì một thế giới đẹp tươi”, cũng là người em trong ca phẫu thuật kỳ tích tách rời cơ thể của cặp anh em song sinh Việt - Đức vào ngày 4/10/1988.
Năm nay, chương trình tư vấn học nghề, thông tin thị trường lao động đã mang đến những thông tin tư vấn việc làm, thị trường lao động đầy thiết thực từ đại diện các cơ sở đào tạo, trung tâm dịch vụ việc làm, công ty tuyển dụng lao động, gồm: các đơn vị ở TP.HCM và các trường học, doanh nghiệp tại Bình Phước.
Tại các talkshow, gần 700 chiến sĩ trẻ đã trò chuyện với anh Lưu Lập Đức, Giám đốc Công ty TNHH Agri Đức Tiến, chàng trai người Tày từng là bộ đội xuất ngũ về những trải nghiệm trong môi trường quân đội và những khó khăn trên con đường khởi nghiệp.
Theo anh Đức, môi trường quân ngũ cùng những phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đã giúp anh đứng vững và đạt nhiều thành tích, anh được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2020 của Trung ương Đoàn; nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; là 1 trong 10 thanh niên tiêu biểu của cả nước tham gia Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII của Đảng...
Cùng với đó, các chiến sĩ đã được “truyền lửa” bởi nhà văn “6 chân” Trần Trà My đến từ TP.HCM, 1 trong 64 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu nhận bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tại đêm hội “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2020 và nhận bằng khen của Chủ tịch UBND TP.HCM tại Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến TP.HCM giai đoạn 2021 - 2023.
Cơ thể bị khiếm khuyết, di chuyển rất khó khăn và giọng nói không tròn vành rõ tiếng vì bạo bệnh từ ngày nhỏ nhưng cô gái cao chỉ 1m32 này đã dùng một ngón tay để viết nên 5 tác phẩm. Trong đó, cô mất 4 năm để viết xong quyển sách “Tin vào điều tử tế” , tác phẩm thứ 4 và 2 năm để hoàn thành quyển sách thứ 5 là “Chuyến phiêu lưu của những điều tử tế”.
Được Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Trần Quốc Duy đặt tên, tác phẩm thứ 5 của “vầng trăng khuyết” Trần Trà My đã khắc họa 30 chuyến đi trải nghiệm thực tế của cô nhằm đánh thức những điều tử tế trong cuộc sống và kể lại chuyện cô lên rừng xuống biển, ăn ở và sinh hoạt với các chiến sĩ; đến các trại giam, lắng nghe những tâm sự của phạm nhân, ăn nghỉ với các bạn trẻ trong trại cai nghiện, bệnh nhân ở bệnh viện tâm thần hay hóa thân thành người vô gia cư... để cảm nhận, khai thác những hơi thở của cuộc sống.
Tại chương trình, Diễn giả Áo dài Võ Thị Mỹ Duyên, Đại diện Học viện Kỹ năng VTALK đã giúp các chiến sĩ định vị bản thân để tìm con đường khởi nghiệp tối ưu. Nữ diễn giả trẻ này từng trình bày, chia sẻ với gần 40 nghìn người tại nhiều trường Đại học và những chương trình do Đoàn Thanh niên các cấp tổ chức. Học viện Kỹ năng VTALK do cô đồng sáng lập chuyên đào tạo kỹ năng giao tiếp, thuyết trình với giáo trình chuyên sâu và bài bản.
Sở hữu kênh TikTok có hơn 400 nghìn người theo dõi và 6.5 triệu lượt thích, thuộc Top 10 Tài năng sinh viên Việt Nam 2018, TikToker Gen Z dạy Văn Phạm Thị Bích Lộc đã chia sẻ quá trình xây kênh TikTok để tạo ra giá trị; hướng dẫn các chiến sĩ dùng Tik Tok để kinh doanh và quảng bá nông sản.
Hiểu rõ những lo lắng của các chiến sĩ như: xuất phát chậm hơn, bỏ lỡ cơ hội học tập... nữ TikToker gen Z này đã mang đến cho các chiến sĩ cách giải quyết vấn đề, suy nghĩ tích cực hơn để nuôi dưỡng khát vọng lập thân, lập nghiệp.
Nổi tiếng với chuyện tình “đũa lệch” và kênh Mét 9 Mét 5, cặp đôi TikToker Mét 9 Mét 5 Trịnh Minh Hải và Võ Thị Bảo Ngọc đã giới thiệu đến các chiến sĩ cách tận dụng những chất liệu, ý tưởng từ cuộc sống hàng ngày để xây kênh TikTok. Đều đã trở thành Thạc sĩ, anh Hải đang là giảng viên Đại học Quốc gia TP.HCM và chị Ngọc hiện là một chuyên gia tâm lý. Thấu hiểu nỗi lòng của các chiến sĩ, cặp đôi TikToker “triệu tim” này đã sẻ chia nhiều trải nghiệm thú vị.