Trong năm vừa qua, Trung Quốc đã giảm bớt một số gánh nặng pháp lý đối với nhiều công ty công nghệ, bất động sản và tài chính, các doanh nghiệp này phần lớn đào tạo người lao động theo truyền thống và bổ sung thêm tài năng cho họ. Nhưng các bài xã luận trên các phương tiện truyền thông nhà nước cũng đã khuyến khích những sinh viên trẻ tốt nghiệp nhận những công việc có tay nghề thấp hơn.
BỎ ĐAM MÊ, CHỌN THỰC TẾ
Trung Quốc đã chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp cao của nhiều thanh niên vào cuối những năm 1970, đến đầu những năm 1980, thanh niên có học thức trở lại các thành phố sau khi làm việc trên đất nông nghiệp dưới thời Mao Trạch Đông. Cũng như vào cuối những năm 1990, khi đất nước bắt đầu thu hẹp các tập đoàn nhà nước làm việc kém hiệu quả.
Năm nay, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng thanh niên thất nghiệp ngày càng cao của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ngay cả tại các nông thôn xa xôi cũng đã phải chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt từ những người Trung Quốc trẻ tuổi với bằng cấp từ các trường đại học hàng đầu.
Một sinh viên tốt nghiệp 23 tuổi họ Chen cho biết, cô đã đánh bại hơn chục ứng viên vào tháng 8 để làm thư ký tại một trung tâm nông nghiệp địa phương ở thành phố Trùng Khánh phía tây nam. Chen, người muốn trở thành một giáo viên nói rằng khoảng cách giữa ước mơ và thực tế là rất lớn.
Peter Liu, anh sinh viên 24 tuổi vừa ra trường tại Trung Quốc, học chuyên ngành sản xuất truyền hình tại một trường đại học Bắc Kinh chia sẻ, anh ấy đã thất bại trong việc tìm được ngành nghề mơ ước của mình, tại một công ty internet Trung Quốc sau khi tốt nghiệp và cảm thấy thật sự rất khó để có được công việc tại các công ty lớn. Peter Liu đã ổn định công việc trong một thư viện nhà nước, nơi chàng thanh niên trẻ này chưa bao giờ nghĩ tới, anh cảm thấy chán nản đến mức dành nhiều thời gian cho học tập để thay đổi con đường sự nghiệp của mình.
Chàng trai nhận được công việc thủ thư sau một chiến dịch do chính phủ lãnh đạo, nhằm đảm bảo công việc tạm thời cho sinh viên tốt nghiệp. Các nhà phân tích nói rằng, đây là một giải pháp ngắn hạn để duy trì sự ổn định xã hội trong một nền kinh tế chậm lại với rất ít ưu đãi cho thanh niên Trung Quốc.
Peter Liu chưa bao giờ mong đợi sự nghiệp sẽ đi theo lĩnh vực nhà nước, nhưng hiện tại anh ấy rất vui vì anh ấy có thể nắm lấy cơ hội đó. Một phần động lực của chàng thanh niên này, là không muốn bố mẹ thấy mình ở nhà cả ngày mà không có việc gì làm.
Chen và Liu đều đang sử dụng những ngày làm việc chậm chạp để chuẩn bị cho kỳ thi công chức có tính cạnh tranh cao vào năm 2024. Theo truyền thông đưa tin về kì thi này, nó đã thu hút kỷ lục 2,6 triệu ứng viên. Nếu họ vượt qua, họ sẽ bắt đầu trên một trong những con đường sự nghiệp được nhiều người khao khát có được nhất ở Trung Quốc, thường được gọi là "bát cơm sắt" của sự ổn định kinh tế. (Công việc trong các cơ quan nhà nước ở Trung Quốc được gọi là 'bát cơm sắt', ngụ ý sự đảm bảo việc làm cả đời, thu nhập, lương hưu ổn định và cơ hội 'thăng quan tiến chức').
GÓI “CÔNG VIỆC PHÚC LỢI”, HỖ TRỢ SINH VIÊN RA TRƯỜNG
Những "công việc phúc lợi" như vậy được nhiều người biết đến ở Trung Quốc, bao gồm các vai trò như lễ tân, quản trị viên văn phòng, nhân viên bảo vệ và nhân viên cộng đồng. Các tổ chức chính phủ khác nhau cung cấp những công việc như vậy hàng năm, nhưng họ thường thu hút từ nhóm người già hoặc người khuyết tật.
Theo một cuộc khảo sát của công ty tuyển dụng Trung Quốc Liepin cho biết, mức lương tối thiếu trong các hợp đồng từ 1 đến 3 năm sẽ khoảng 2.000 đến 3.000 nhân dân tệ mỗi tháng, số tiền này chưa bao gồm các bữa ăn miễn phí và chi phí ưu ái khác. Nhưng mức lương này thấp hơn kỳ vọng của nhiều sinh viên tốt nghiệp, bởi kỳ vọng trung bình của họ về công việc đầu tiên của mình tầm 8.000 nhân dân tệ mỗi tháng.
Năm 2023, một kế hoạch riêng biệt nhắm mục đích đào tạo hơn 1 triệu người để tham gia các công ty nhà nước và tư nhân. Bộ Nhân sự và An sinh Xã hội, không trả lời yêu cầu bình luận về các chương trình hành động của chính phủ hoặc thị trường việc làm, vào tuần trước, họ chỉ nói rằng việc làm của thanh niên đang được cải thiện.
Vào ngày 8/11, cục thống kê dự kiến sẽ bỏ qua việc công bố dữ liệu thất nghiệp của thanh niên, đây là tháng thứ 4 liên tiếp nhà nước không làm điều này. Trong đó nhóm tuổi từ 16 - 24 đã chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp chung, đạt mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng 6/2023, cũng như 11,6 triệu sinh viên mới tốt nghiệp đang cạnh tranh trong thị trường việc làm.
Dữ liệu về tổng số công việc được đảm nhận và các ngành thực tập ngắn hạn vẫn chưa được biết, nhưng nhiều bài đăng trên mạng xã hội thảo luận về quá trình lựa chọn và những xu hướng lựa chọn nghề nghiệp,các nhà phân tích kỳ vọng những vai trò như vậy sẽ tạo nên nhu cầu trong một nền kinh tế đang chậm lại.
Tuy nhiên, khu vực nhà nước, nơi cung cấp 1/5 việc làm đô thị ở Trung Quốc, chỉ có thể tạm thời giảm bớt áp lực kinh tế đối với một phần sinh viên tốt nghiệp đại học thông qua các chiến dịch như vậy, các nhà kinh tế cảnh báo thất nghiệp của thanh niên vẫn là vấn đề đau đầu và lâu dài đối với Bắc Kinh.
Wang Jun, nhà kinh tế trưởng tại Huatai Asset Management cho biết: "Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên sẽ tiếp tục trong một thời gian khá dài, ít nhất là từ 5 đến 10 năm nữa”, đồng thời nói thêm rằng các công việc tạm thời là "một giải pháp khắc phục ngắn hạn cho sự ổn định, để giảm bớt xung đột xã hội do thất nghiệp gây ra".