Kết thúc phiên 17/1, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 0,25% xuống 37.266,67 điểm, S&P 500 mất 0,56%, đóng cửa còn 4.739,21 điểm và Nasdaq trượt 0,59% xuống 14.855,62 điểm.
Chỉ số Russell 2000 vốn hóa nhỏ giảm 0,7% và đóng cửa ở mức thấp nhất trong hơn một tháng.
Chỉ số biến động thị trường CBOE, thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall, đã tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng là 15,40 điểm trong ngày.
Trong 11 lĩnh vực thuộc S&P 500, bất động sản nhạy cảm với lãi suất có mức giảm lớn nhất là 1,9%. Chỉ số S&P 500 chuẩn chạm mức thấp nhất trong hơn một tuần.
Cổ phiếu Amazon, Nvidia và Alphabet đều lần lượt giảm từ 0,5% đến 1% và gây áp lực lên S&P 500 khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng lên hơn 4,1% - mức cao nhất trong năm nay.
Tesla mất hơn 2% sau khi nhà sản xuất xe điện giảm giá dòng Model Y tại Đức, một tuần sau khi giảm giá một số mẫu xe Trung Quốc.
Ford Motor giảm 1,7% khi UBS hạ mức xếp hạng cổ phiếu từ "mua" xuống "trung lập".
Charles Schwab trượt 1,3% do báo cáo lợi nhuận quý 4 lao dốc 47%.
Ngành ngân hàng cũng ghi nhận sắc đỏ, với Morgan Stanley giảm 1,8% sau khi các nhà phân tích cắt giảm xếp hạng và mục tiêu giá sau báo cáo thu nhập quý 4. Bank of America và Citigroup mỗi bên mất khoảng 1%.
Spirit Airlines giảm 22%, tiếp tục đi xuống trong ngày thứ hai liên tiếp sau khi một thẩm phán Mỹ vào hôm 16/1 đã chặn JetBlue mua lại hãng hàng không giá rẻ này.
Trong khi đó, Boeing phục hồi 1,3% sau thông báo của Cục Hàng không Liên bang cho biết việc kiểm tra nhóm máy bay 737 MAX 9 ban đầu đã hoàn tất.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,8 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 11,9 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Dữ liệu kinh tế mới đây cho thấy xu hướng giảm giá từ các nhà bán lẻ và việc tăng lượng mua xe cơ giới đã hỗ trợ doanh số bán lẻ tháng 12/2023 của Mỹ tăng cao hơn dự kiến. Điều đó củng cố quan điểm rằng Fed có thể không cắt giảm lãi suất sớm như dự kiến trước đó.
Kỳ vọng của các nhà giao dịch về khả năng Fed sẽ cắt giảm ít nhất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 3/2024 đã giảm xuống 55%, từ mức 60% trước khi dữ liệu được công bố.
Chứng khoán Mỹ trong những tuần gần đây đã mất đi một số đà tăng có được từ hai tháng cuối năm 2023 mạnh mẽ.
Tom Martin, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Globalt Investments cho biết: “Quan điểm của mọi người đang dần điều chỉnh từ “hoàn toàn tích cực” sang “vẫn còn nhiều điều không chắc chắn”.
Hoạt động kinh tế của Mỹ ít thay đổi từ giai đoạn tháng 12/2023 đến đầu tháng 1/2024, trong khi các công ty báo cáo áp lực giá cả trái chiều và gần như tất cả đều cho thấy các dấu hiệu về một thị trường lao động đang hạ nhiệt, Fed cho biết trong báo cáo "Beige Book" hôm 17/1.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu gần như không thay đổi trong phiên 17/1 do đợt lạnh khắc nghiệt đã làm gián đoạn một số hoạt động sản xuất dầu của Mỹ, trong khi đó mức tăng trưởng kinh tế đáng thất vọng ở Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về nhu cầu năng lượng.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 41 xu xuống 77,88 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 16 cent ở mức 72,56 USD/thùng.
Tại Bắc Dakota, bang sản xuất dầu hàng đầu của Mỹ, nhiệt độ tụt xuống dưới âm 17 độ C đã khiến sản lượng dầu tại đây giảm 650.000 đến 700.000 thùng mỗi ngày, thấp hơn một nửa sản lượng thông thường của bang.
Andrew Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates, nhận xét rằng những lo ngại về nguồn cung này đã khiến giá dầu thô của Mỹ giảm bớt mức lỗ vào cuối phiên, sau khi giảm hơn 1 USD/thùng trước đó.
Theo các nguồn tin thị trường, trích dẫn số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ, dự trữ dầu thô nội địa của Mỹ đã tăng 480.000 thùng trong tuần trước. Dữ liệu của chính phủ Mỹ về hàng tồn kho sẽ được công bố vào thứ Năm.
Giá dầu còn chịu áp lực từ tin tức nền kinh tế Trung Quốc trong quý 4/2023 tăng trưởng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, không đạt kỳ vọng của các nhà phân tích và đặt ra câu hỏi về dự báo nhu cầu của Trung Quốc sẽ thúc đẩy tăng trưởng dầu toàn cầu vào năm 2024.