Trong quý 1/2023, làn sóng giảm lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại diễn ra khá rõ nét. Sang đầu tháng 4, các ngân hàng tiếp tục công bố biểu lãi suất huy động mới với mức giảm khá mạnh.
Dự báo lãi suất huy động tiếp tục giảm
Ngân hàng Vietcombank vừa công bố biểu lãi suất huy động mới áp dụng với khách hàng cá nhân, trong đó ghi nhận xu hướng giảm ở nhiều kỳ hạn. Đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng giảm từ 4,9%/năm xuống 4,6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng của ngân hàng này đã giảm từ 5,4%/năm xuống còn 5,1%/năm. Đối với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 12 tháng được điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm, xuống 7,2%/năm.
Tương tự, Agribank cũng giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng từ 7,2%/năm xuống còn 7%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 1-2 tháng tại Agribank hiện là 4,6%/năm và các kỳ hạn từ 3-5 tháng là 5,1%/năm.
Không riêng Vietcombank hay Agribank, lãi suất huy động đã giảm từ 0,1-0,3%/năm tại một số ngân hàng khác.
Biểu lãi suất niêm yết mới nhất áp dụng từ ngày 12/5 của VPBank cho các kỳ hạn trên 12 tháng đã giảm 0,2 điểm phần trăm. Trong đó, lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12-13 tháng chỉ còn 8%/năm, kỳ hạn từ 15 tháng đến 36 tháng giảm về 7,2%/năm.
TPBank cũng giảm đến 0,2 điểm phần trăm lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất được nhà băng này áp dụng là 7,8%/năm, dành cho khách gửi tiền online kỳ hạn 12 tháng.
Trước đó, một loạt ngân hàng khác cũng đã áp dụng việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động như HDBank, Agribank, Techcombank, OCB, CBBank, NamABank, KienlongBank…
Cụ thể, từ ngày 9/5, HDBank đã giảm thêm 0,3 điểm phần trăm lãi suất huy động tại các kỳ hạn 6, 12 và 13 tháng. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất được ngân hàng này áp dụng là 8,7%/năm cho kỳ hạn 13 tháng dưới hình thức gửi tiết kiệm online.
KienlongBank đã giảm 0,4 điểm phần trăm lãi suất huy động ở hầu hết kỳ hạn. Với kỳ hạn 6-9 tháng, lãi suất huy động hiện ở mức 7%/năm với các khoản tiền gửi lĩnh lãi cuối kỳ. Các kỳ hạn dài hơn, lãi suất xoay quanh mức 7,6-7,75%/năm.
Theo một số lãnh đạo ngân hàng, dư địa giảm lãi suất trong thời gian tới vẫn còn nhưng cũng cần tính toán hợp lý để vừa tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, tránh dòng tiền chảy sang các kênh đầu tư rủi ro.
Đồng quan điểm, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect cho hay, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân hạ về mức 7%/năm trong năm nay bởi các lý do như nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm. Chính phủ thúc đẩy đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm lãi suất điều hành nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đảo chiều chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2023.
Tại sao lãi suất cho vay chỉ giảm “nhỏ giọt”?
Mặc dù lãi suất huy động giảm mạnh, lãi suất cho vay cũng đã giảm theo. Song mặt bằng lãi suất cho vay nhìn chung vẫn còn cao.
Theo báo cáo mới đây của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức cao trong quý 1/2023. Cụ thể, lãi suất cho vay bình quân của 35 ngân hàng thương mại trong nước tính đến cuối tháng 3/2023 khoảng 10,23%/năm, cao hơn 0,56% so với cuối năm 2022 và cao hơn 2,15% so với cuối năm 2021.
Lãi suất huy động tăng cao cuối năm ngoái và 2 tháng đầu năm nay, trong khi thị trường chứng khoán, bất động sản khó khăn, khiến người dân tăng gửi tiền vào ngân hàng, chủ yếu gửi kỳ hạn dài. Huy động vốn tăng, trong khi tín dụng chậm lại, khiến các ngân hàng càng thêm mắc kẹt với lãi suất huy động giá cao, khó giảm lãi suất cho vay.
Không những lãi vay giảm chậm, kết quả kinh doanh nhiều ngân hàng cũng bị ảnh hưởng vì lãi suất huy động cao. Báo cáo tài chính quý 1/2023 của hàng loạt ngân hàng cho thấy, chi phí lãi tăng mạnh, trong khi thu nhập từ lãi tăng chậm, khiến thu nhập lãi thuần giảm sút trong quý 1/2023, dẫn tới lợi nhuận sụt giảm.
Tại một cuộc họp được tổ chức vào cuối tháng 4 mới đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú điểm danh các ngân hàng có mức lãi suất cho vay bình quân cao bất thường so với mặt bằng chung.
Cũng tại cuộc họp trên, lãnh đạo một số ngân hàng nhỏ cho biết, mặt bằng lãi suất huy động vẫn chấp hành theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Do lãi suất đầu vào của ngân hàng chủ yếu huy động từ thị trường 1 (tổ chức kinh tế và dân cư) với nguồn vốn kỳ hạn dài dẫn đến lãi suất khá cao. Do đó, lãi suất đầu ra cũng phải cao để đảm bảo khả năng hoạt động, quản lý rủi ro của ngân hàng.
Từ đầu tháng 5/2023, ngân hàng Vietcombank quyết định giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay VND toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong 3 tháng, từ 1/5/2023 đến 31/7/2023.
Ba “ông lớn” khác là BIDV, VietinBank và Agribank cũng đồng thuận sẽ giảm thêm lãi suất cho vay. 4 ngân hàng quốc doanh chiếm 50% thị phần cho vay hạ lãi suất sẽ tác động tích cực lên lãi suất thị trường.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, giảm lãi suất cho vay là một trong 8 chính sách được Ngân hàng Nhà nước ưu tiên những tháng đầu năm. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ vận động, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí để tạo điều kiện hạ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân.
Mặc dù khẳng định sẽ điều hành lãi suất theo xu hướng giảm, song Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng không thể trông chờ vào hệ thống ngân hàng. Thực tế, tín dụng tăng chậm hiện nay chủ yếu là do sức cầu của nền kinh tế yếu. Vì vậy, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, cần có giải pháp để khai thác cầu nội địa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.