Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng ngân hàng nào cao nhất tháng 9/2023?

Theo khảo sát, phạm vi lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng tại 28 ngân hàng thương mại trong nước được ghi nhận từ 4,7%/năm đến 7,25%/năm, lĩnh lãi cuối kỳ. So với tháng trước, khung lãi suất này đã được điều chỉnh giảm tại nhiều ngân hàng...

Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng ngân hàng nào cao nhất tháng 9/2023?

Theo ghi nhận mới nhất, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng tại các ngân hàng đang dao động từ 4,7 - 7,25%/năm. So với thời điểm đầu tháng 8, hầu hết các ngân hàng đều đã điều chỉnh giảm lãi suất.

Trong đó, 7,25%/năm đang là mức lãi suất tiết kiệm cao nhất được ghi nhận tại ngân hàng DongA Bank cho kỳ hạn gửi 6 tháng. Đây cũng là ngân hàng duy nhất còn niêm yết lãi suất trên 7%/năm cho kỳ hạn nửa năm. Tuy nhiên, để nhận được mức lãi suất này, khách hàng phải sở hữu khoản tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên.

Theo sau là mức lãi suất 6,8%/năm được triển khai tại ngân hàng NCB, áp dụng cho sản phẩm Tiết kiệm An Phú. Nếu khách hàng gửi tiền theo hình thức truyền thống, lãi suất có thể nhận được chỉ còn 6,65%/năm.

Các khoản tiền gửi tại ngân hàng PVcomBank trong cùng kỳ hạn đang được áp dụng lãi suất 6,2%/năm. Nếu gửi tiết kiệm online sẽ được cộng thêm 0,5 điểm phần trăm lãi suất, lên mức 6,7%/năm.

Khách hàng sẽ được hưởng chung một mức lãi suất huy động là 6,6%/năm khi chọn gửi tiền tại các ngân hàng như CBBank, VietBank, HDBank.

Ngoài ra, khách hàng cũng có thể linh hoạt chọn gửi tiết kiệm với lãi suất ngân hàng cạnh tranh không kém như: VietABank và BacA Bank niêm yết chung mức 6,5%/năm; OCB với 6,4%/năm; ngân hàng SCB, PG Bank, BAOVIET Bank, LPBank cùng triển khai mức 6,3%/năm; BVBank là 6,25%/năm; SHB và OceanBank chung mức 6,1%/năm. Hiện tại, 6%/năm đang là mức lãi suất được ấn định tại các ngân hàng Nam A Bank, ABBANK và Saigonbank.

Cũng tại kỳ hạn này, mức lãi suất huy động dưới 6%/năm gồm có các ngân hàng: Sacombank (5,9%/năm); MSB (5,7%/năm); VIB (5,6%/năm); MB (5,6%/năm); ACB (5,4%/năm); TPBank (5,4%/năm); Eximbank (5,4%/năm); Kienlongbank (5,4%/năm)…

Trong khi đó, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng tại ngân hàng VPBank được chia ra thành 5 hạn mức tiền gửi. Với tiền gửi dưới 1 tỷ đồng lãi suất được niêm yết ở mức 5,3%/năm; từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng là 5,4%/năm; từ 3 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng là 5,5%/năm, từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng là 5,6%/năm và từ 50 tỷ đồng trở lên là 5,7%/năm.

Ngân hàng VPBank cũng triển khai biểu lãi suất tiết kiệm trực tuyến. Theo đó, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức lãi suất tương ứng trên biểu lãi suất huy động tại quầy. Riêng đối với khoản tiền gửi từ 50 tỷ đồng trở lên, khách hàng sẽ nhận được lãi suất là 5,8%/năm khi gửi tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng.

Ở biểu lãi suất tiết kiệm thường của ngân hàng Techcombank với thời hạn 6 tháng, khách hàng cá nhân và hội viên Inspire sẽ nhận được lãi suất là 5,35%/năm, khách hàng VIP 2/ VIP 3 và khách hàng VIP1/Private nhận được mức lãi suất lần lượt là 5,4%/năm và 5,45%/năm.

Trong bảng so sánh lãi suất huy động cho kỳ hạn 6 tháng, 4 ngân hàng lớn có vốn nhà nước gồm Agribank, Vietinbank, BIDV và Vietcombank đã điều chỉnh giảm lãi suất thêm 0,3 điểm phần trăm, về mức 4,7%/năm trong tháng này. Đây cũng là mức lãi suất tiền gửi thấp nhất cho kỳ hạn nửa năm trong 28 ngân hàng được khảo sát.

Cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tuy tăng 5,33% so với cuối năm 2022 nhưng thấp hơn nhiều mức tăng 9,87% của cùng kỳ năm 2022. Điều này làm gia tăng áp lực giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ mặt bằng lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, có phần ngược lại với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Dù vậy, theo BVSC mặt bằng lãi suất thời gian tới có thể giảm chậm hơn so với các tháng vừa qua. Hiện mặt bằng lãi suất điều hành và lãi suất huy động đều đã giảm gần tới mức thấp nhất trong giai đoạn đại dịch Covid-19, do đó, dư địa giảm lãi suất điều hành và huy động sẽ không còn lớn.

Cũng bàn về những động thái của nhà điều hành, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu từ nay đến cuối năm Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp, bởi lãi suất hạ có thể kích cầu tín dụng cho vay doanh nghiệp, cá nhân.

Nhưng vị chuyên gia này cũng lưu ý điều này có thể tạo ra nhiều rủi ro về lạm phát, mất cân đối trên thị trường ngoại hối và rủi ro đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng khi tỷ giá tăng, tạo tâm lý bất ổn cho nhà đầu tư. Do đó, một kịch bản thắt chặt tín dụng trở lại cũng có thể được tính tới nhằm kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, kêu gọi đầu tư nước ngoài, tạo ổn định trên tất cả các thị trường.

Có thể bạn quan tâm