Theo thống kê mới đây của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước hiện phổ biến từ 3,3 - 3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2 - 5,7%/năm với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 - 12 tháng.
Với các kỳ hạn huy động trên 12 tháng đến 24 tháng, lãi suất đạt mức cao nhất khoảng 5,5 - 6,6%/năm và 6,1 - 6,8% đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Tuy nhiên, trên thực tế, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng trong những ngày gần đây có xu hướng tăng ở nhiều kỳ hạn. Chẳng hạn, Techcombank vừa điều chỉnh lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn, đặc biệt là các kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 36 tháng có mức tăng mạnh nhất 0,2% so với tháng trước, lên 4,6 - 4,8%/năm.
Với các khoản tiền gửi từ 1 - 3 tháng, hiện Techcombank đang áp dụng lãi suất 2,7 - 3,35%/năm, cao hơn 0,25 - 0,3 điểm phần trăm so với tháng 11. Cũng tại nhà băng này, khoản tiền gửi cá nhân kỳ hạn 6 - 12 tháng hiện được hưởng lãi suất 4,1 - 5,3%/năm, trong khi nếu gửi từ tháng 11, mức lãi suất khách hàng được hưởng dao động trong khoảng 3,6 - 4,9%/năm.
Còn tại ngân hàng GPBank, lãi suất tiếp kiệm áp dụng từ tháng 12 của ngân hàng này tăng thêm 0,5 %/năm ở nhiều kỳ hạn, đưa lãi suất cao nhất lên mức 6,5%/năm ở kỳ hạn 13 tháng.
Cũng từ tháng 12, Eximbank tăng lãi suất huy động thêm khoảng 0,1-0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn ngắn. Qua đó lần lượt đưa lãi suất gửi tại quầy kỳ hạn 5 tháng tăng lên 3,8%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng lên 3,6%/năm và kỳ hạn 1 tháng tăng lên 3,7%/năm.
Tại SCB, theo biểu lãi suất huy động VND vừa được công bố áp dụng từ tháng 12/2021, một loạt kỳ hạn gửi tiền được áp dụng mức lãi suất xấp xỉ và trên ngưỡng 7%/năm.
SCB hiện đang áp dụng lãi suất tăng dần từ 7,05% lên 7,15%/năm cho 5 kỳ hạn huy động từ 13 tháng đến dài nhất là 36 tháng ở sản phẩm tiết kiệm online.
Ngoài xu hướng tăng lãi suất huy động truyền thống, nhiều ngân hàng hiện cũng đang áp dụng việc tặng thêm lãi suất khi người dân gửi tiền tiết kiệm online, hoặc áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm online cao hơn đáng kể so với tiết kiệm thông thường.
Điển hình như tại ABBank, người gửi tiền được cộng thêm lãi suất 0,4% khi gửi tiết kiệm online. Hay tại SHB, biểu lãi suất huy động tiết kiệm online ở hàng loạt kỳ hạn
Phân tích về nguyên nhân lãi suất tiền gửi tăng gần đây, Phó Tổng giám đốc phụ trách Khối khách hàng cá nhân một ngân hàng thương mại cho biết, thông thường vào thời điểm cuối năm bùng nổ nhu cầu vay vốn tiêu dùng và phục vụ sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Mặt khác, lượng tiền ngân hàng chi cho doanh nghiệp tăng đột biến, để đáp ứng nhu cầu chi trả lương, thưởng. Vì thế, các nhà băng đã đưa ra nhiều “chiêu” để thu hút tiền gửi từ khách hàng cá nhân, bù đắp thanh khoản.
Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thường có xu hướng được điều chỉnh tăng giúp kích thích nhu cầu gửi tiền của người dân và gia tăng nguồn tiền gửi từ dân cư vào các ngân hàng nhằm đảm bảo nguồn vốn phục vụ cho vay.
Các chuyên gia của SSI Research cho rằng, ngoài yếu tố mùa vụ, thanh khoản ngân hàng căng thẳng còn đến từ việc Ngân hàng Nhà nước dừng bơm tiền đồng thông qua cả 2 kênh thị trường mở và mua ngoại tệ giao ngay từ đầu tháng 12. Điều này khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng 0,05 - 0,06 điểm phần trăm so với cuối tháng 11.
Ngoài ra, cuối tháng 11 vừa qua, nhiều ngân hàng được điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng cũng đang là nguyên nhân khiến các ngân hàng cần tiền hơn. Cùng đó, áp lực lạm phát trong năm 2022 cao hơn và sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán cũng là nguyên nhân khiến lãi suất tiết kiệm ngân hàng phải tăng trở lại.
Các chuyên gia cho rằng, từ đầu năm 2022, lãi suất tiền gửi có thể tăng 0,3 - 0,5 điểm phần trăm. Khi đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng sẽ ở mức 5,9 - 6,1%/năm. Tuy vậy, tỷ suất này vẫn thấp hơn so với mức 6,8%/năm trước dịch bệnh.