Làm đặc khu kinh tế: Đừng làm “tổ chim sẻ” để đón “phượng hoàng”

Việc xây dựng thể chế, chính sách vượt trội cho các đặc khu kinh tế thì mới tạo được sự đột phá của các đặc khu. Làm đặc khu, không thể xây “tổ chim sẻ” để đón “phượng hoàng”.
Làm đặc khu kinh tế: Đừng làm “tổ chim sẻ” để đón “phượng hoàng”

Đó là nhận định của GS. TSKH. Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới – người trực tiếp tham gia nghiên cứu, xây dựng đề án đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong.

Ý tưởng lập đặc khu ở Việt Nam có từ lâu

Ở Việt Nam, ý tưởng phát triển các khu kinh tế đặc biệt đã có từ những năm 1990 tại một số văn kiện của Đảng. Nghị quyết hội nghị Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khoá VII đã đề ra yêu cầu “quy hoạch các khu chế xuất, khu kinh tế đặc biệt”.

Đặc khu là mô hình được nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước đang phát triển, theo đuổi. Trên thế giới hiện có khoảng hơn 100 nước hình thành các đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính, khu kinh tế tự do... Ở Trung Quốc, một số đặc khu kinh tế được hình thành từ cuối năm 1979 và rất thành công như Thâm Quyến, Hạ Môn, Sán Đầu và Chu Hải.

Ở Hàn Quốc có đặc khu Incheon – cũng là một mô hình đặc khu rất thàng công. Ở đặc khu này, họ xây dựng kết cấu hạ tầng, sân bay, thể chế… đều để phục vụ việc thu hút các nhà đầu tư Âu - Mỹ. Họ nói “không” với thu hút nhà đầu tư châu Á.

Khi tôi đến đây cách 5-6 năm là khoảng thời gian đặc khu này mới hoạt động, tính ra đã có cả trăm tỷ USD “rót” vào. Ngoài Incheon, Hàn Quốc còn có các khu kinh tế tự do như Busan Jinhae và Gwangyangman cũng rất phát triển.

Hay như đặc khu Dubai của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Dubai chỉ có hơn 2,2 triệu dân nhưng làm tới 20 khu kinh tế tự do. Nổi bật nhất là đô thị tài chính quốc tế, ở đây họ thuê thị trưởng người Anh, không phải người dân bản xứ.

Tôi có hỏi bà Bộ trưởng kinh tế nước này tại sao lại thuê một người nước ngoài làm thị trưởng Dubai. Bà ta trả lời: Thuê họ làm theo hợp đồng và theo yêu cầu của chúng tôi. Hợp đồng trong vòng 5 năm, vị này được quyền tự tuyển nhân sự dưới quyền, miễn sao có thể vận hành tốt bộ máy. Nếu có vi phạm thì bị xử lý, bãi chức, thậm chí bị phạt rất nặng. Ở Dubai, bộ máy chính quyền có quyền tự chủ rất cao, 80% dân số là người nước ngoài và nhiều thể chế được vận hành theo thông lệ quốc tế.

Còn ở Mỹ cũng có khoảng hơn 100 khu kinh tế tự do. Và không đâu xa, ngay tại các nước Đông Nam á, nhiều đặc khu kinh tế nổi tiếng như Khu công nghệ cao Jurong của Singapore, Kulim của Malaysia…

Có thể thấy việc xây dựng đổi mới mô hình phát triển các khu kinh tế tự do theo hướng đặc khu hành chính – kinh tế là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều nước.

Chúng ta đã bàn lâu nhưng giờ mới chuẩn bị để lập, không phải sớm mà khá muộn. Nhưng muộn còn hơn không, nếu làm tốt vẫn sẽ có khả năng cạnh tranh. Vấn đề quan trọng cần bàn chính là việc xây dựng thể chế, chính sách vượt trội, tạo được sự đột phá.

Bộ Kế hoạch và đầu tư được giao soạn thảo dự án luật cho khu hành chính – kinh tế đặc biệt, tôi có tham gia góp ý và nhận thấy họ đã có nhiều cố gắng trong việc cải cách thể chế, chính sách.

GS. TSKH. Võ Đại Lược
GS. TSKH. Võ Đại Lược

Để nhà đầu tư đề xuất chính sách, nhà nước xem xét, quyết định

Trên thế giới có nhiều mô hình đặc khu hành chính kinh tế, mỗi quốc gia lại có những tên gọi và cách thức thu hút đầu tư riêng. Vậy như thế nào để có thể đạt được tiêu chuẩn đặc khu và Việt Nam nên hướng Bắc Vân Phòng, Vân Đồn, Phú Quốc theo hướng nào, thưa ông?

Có rất nhiều mô hình đặc khu như đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính... Có loại tính chuyên ngành, tức là nổi bật về thế mạnh như thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp hay xuất khẩu… Có đặc khu mang tính tổng hợp như Thâm Quyến, Sán Đầu… của Trung Quốc chẳng hạn.

2 đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc của Việt Nam tôi nghĩ nên theo hướng chuyên ngành. Ví như Vân Đồn thì nên phát triển theo hướng dịch vụ, đặc biệt là du lịch. Phú Quốc cũng vậy. Riêng Bắc Văn Phong với lợi thế có cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu hành trăm nghìn tấn thì có thể làm công nghiệp, dịch vụ hoặc theo hướng tổng hợp.

Nói chung có rất nhiều mô hình đặc khu nhưng quan trọng nhất là thể chế hành chính của nó phải hiện đại và quốc tế để cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông có thể “gạch” các đầu dòng những vấn đề cần quan tâm khi Việt Nam xây dựng các đặc khu?

Trước hết, cần tìm đc các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt nên hướng tới các nhà đầu tư lớn của Âu – Mỹ. Các lãnh đạo Chính phủ sẽ tăng cường kêu gọi, tìm kiếm chứ không giao toàn bộ cho địa phương.

Thứ hai có nhà đầu tư chiến lược thì tự họ sẽ đề ra những thể chế chính sách hành chính, kinh tế, đặc biệt cho đặc khu này mà họ có thể hoạt động được. Rõ ràng muốn họ vào được thì phải có thể chế tương ứng. Việc này sẽ tiến hành theo nguyên tắc họ đề xuất, ta xem xét điều chỉnh rồi quyết định.

Muốn họ vào được thì phải có môi trường công khai minh bạch, môi trường làm ăn hiệu quả. Chứ đừng nặng tư tưởng chúng ta phải mới là người nghĩ ra chính sách, quy tắc. Phải có những thể chế, chính sách tương đồng với họ. Làm đặc khu, không thể xây tổ chim sẻ mà đón phượng hoàng được.

Thứ ba, cần tạo điều kiện kết cấu hạ tầng, tính toán lợi ích mình đạt được cả về trước mắt, lâu dài, vô hình, hữu hình, các mặt an ninh, môi trường… Nếu chỉ mỗi lợi ích kinh tế và trong ngắn hạn thì là điều bất lợi.

Nếu đặt lên bàn cân, ưu đãi thuế không phải "nặng" nhất

Vậy theo ông, chúng ta nên có luật riêng hay chung cho từng đặc khu. Có ý kiến cho rằng nên “mạnh tay” ưu đãi về thuế?

Tôi kiến nghị nên xây dựng một luật chung về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Sau đó, mỗi đơn vị sẽ có một nghị định riêng để bảo đảm được việc phát huy thế mạnh của mình.

Sự thất bại hay thành công của các đặc khu phụ thuộc rất lớn vào việc lựa chọn địa điểm và câu chuyện thể chế. Thuế không phải vấn đề được đặt nặng.

Nếu đặt lên bàn cân thì cơ chế chính sách là cái quan trọng nhất, vì thể chế mà không tạo điều kiện nhà đầu tư làm ăn tốt thì thuế nhẹ hay miễn thuế cũng không ý nghĩa nhiều. Ngược lại, nếu cơ chế hành chính khiến nhà đầu tư thuận lợi làm ăn thì thuế cao chút cũng không việc gì.

Mỗi quốc gia khi xây dựng chính sách thuế lại có những cách thức khác nhau để bảo đảm lợi ích quốc gia. Như Dubai họ miễn hết thuế nhưng họ lại sử dụng công cụ phí để thu lại. Họ nói thu thuế thì phải có bộ máy, chính sách thuế rất “cồng kềnh”, thu được 10 đồng thì phải chi bộ máy cộng với tiêu cực mất một nửa.

Các loại phí này Dubai sẽ thu cao hơn bình thường phí đăng ký kinh doanh, phí điên nước, cầu đường, trường trạm... Việc thu phí công khai minh bạch và đỡ tốn nhân lực.

Đối với các đặc khu ở Việt Nam, tôi cho rằng không bỏ thuế nhưng hạ thuế thấp và tăng phí. Hạ thuế thấp ở mức tham nhũng cũng không có cơ, tăng phí bù lại.

Xin cơ chế đặc thù để phát triển

Đảo Phú Quốc
Đảo Phú Quốc

Ngoài câu chuyện về chính sách, vấn đề hạ tầng ở các đặc khu phải thật hiện đại, đồng bộ. Vậy trong bối cảnh nợ công tăng cao như hiện nay, làm thế nào để giải quyết vấn đề này?

Ở các đặc khu, Chính phủ chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng ở vòng ngoài như điện, đường… còn bên trong là do các nhà đầu tư.

Tôi thấy hiện như Phú Quốc có hạ tầng giao thông rất tốt. Vân Đồn cũng sắp xây sân bay rồi, đường cao tốc cũng có. Bắc Vân Phong cũng có đường sắt đi qua, gân sân bay Phú Yên... Việc tiếp tục đầu tư hoàn thiện, mở rộng sẽ theo hướng kêu gọi xã hội hoá mà chúng ta vẫn đang kêu gọi hiện nay.

Tôi đã từng có gặp gỡ mấy vị tham gia xây dựng đặc khu Thâm Quyến. Họ nói khi xây dựng đặc khu này, họ chỉ ông Đặng Tiểu Bình giao có 21 triệu USD. Số tiền đó là quá ít đối với việc hoàn thiện hạ tầng đặc khu Thâm Quyến bấy giờ nhưng bù lại họ nhận được cơ chế. Và phương án đầu tiên của Thâm Quyến hồi đó đưa ra chính là chính sách đổi đất lấy hạ tầng.

Xin cơ chế để phát triển sẽ dễ hơn nhiều so với việc xin tiền trong bối cảnh hiện nay.

Ông có chia sẻ rằng quyết định thành công của đặc khu chính là việc chọn địa điểm. Ông đánh giá như thế nào về việc lựa chọn Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc?

Đảo thuộc Vịnh Vân Phong
 Đảo thuộc Vịnh Vân Phong

Hiện nay trong 3 đặc khu thì Bắc Vân Phong theo tôi vẫn là có triển vọng nhất. Đấy là vùng đất còn hoang hoá nhiều. Giá đất rẻ, nhà đầu tư nào vào cũng tính đến việc sử dụng đất. Bắc Vân Phong lại có cảng nước sâu Vân Phong có thể tiếp nhận tàu trăm nghìn tấn hàng, đây là cảng nước sâu nhất Việt Nam. Khánh Hoà có khí hậu rất tốt, cũng không bão lũ như một số khu vực khác. Bãi biển đẹp lại có thể tắm quanh năm, rất thích hợp cho việc phát triển du lịch.

Phú Quốc vị trí địa lý lợi thế, cảnh quan rất đặc biệt, hiếm có tuy nhiên có một hạn chế, đó là giá đất đắt, quỹ đất còn lại rất hạn hẹp.

Vân Đồn thì có lợi thế gần Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long… Nếu trở thành đặc khu phục vụ du lịch là cực kỳ tiềm năng. Một vị Giáo sư người Hungary sang thăm Vịnh Hạ Long từng nói nếu nước ông ta có vịnh như thế thì cả nước họ chỉ cần kinh doanh mỗi vịnh là có cuộc sống sung túc, trong khi hơi tiếc vì Việt Nam vẫn khai thác ở mức rất hạn chế.

Nhìn chung các khu vực Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều có vị trí chiến lược, có điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu ôn hòa.

Cơ chế không phù hợp, nhà đầu tư có đến rồi cũng bỏ đi

Chúng ta có thể học hỏi được kinh nghiệm từ những mô hình đặc khu trên thế giới?

Chúng ta lập muộn nên sức ép cạnh tranh là rất cao. Nếu không đủ hấp dẫn thì khó canh tranh được. Việc học hỏi cũng phải dựa vào những điều kiện cụ thể của nước ta, nếu bắt chước rập khuôn sẽ thua.

Đặc khu trên thế giới thì nhiều nhưng tỷ lệ thất bại cũng chiếm rất lớn. Đơn cử như Ấn Độ, đất nước có ít nhất 200 đặc khu kinh tế, đây cũng là nơi chứng kiến hàng loạt thất bại.

Theo Economist, các nhà đầu tư đã rút khỏi 61 trong số 139 đặc khu kinh tế được phê duyệt tại bang Maharashtra vì quá trình ra chính sách bất định, quy trình kiểm tra mập mờ và quan ngại về triển vọng kinh tế.

Tôi muốn nhấn mạnh, cơ chế chính sách không phù hợp, không ai đến, có đến họ cũng sẽ sớm rút. Địa điểm không phù hợp họ cũng sẽ không vào. Việt Nam có lợi thế đường bờ biển dài, nên phát huy thế mạnh này.

Tôi tham gia viết đề án cho đặc khu Bắc Vân Phong. Nếu được thông qua, thể chế khu vực này sẽ theo hướng thu hút các nhà đầu tư Âu Mỹ, các nhà đầu tư công nghệ cao, hiện đại. Nếu theo bản thảo đầu tiên trình thì Chính phủ sẽ nắm quyền quyết định về quốc phòng, đối ngoại, an ninh còn quyền điều hành kinh doanh trong khu thuộc ban quản lý.

Tôi cho rằng trong bộ luật đặc khu cần có điều khoản: thể chế hành chính của các đặc khu này thì dựa trên đề xuất của các nhà đầu tư có tính chiến lược và Chính phủ xem xét điều chỉnh.

Xin cám ơn ông!

Theo Nguyễn Mạnh/Bizlive

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…