Lâm Đồng: Nạn phân lô, bán nền, mạo danh dự án bất động sản gây thất thoát nguồn thu ngân sách

UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành, địa phương xác định cụ thể lại những trường hợp phải lập dự án đầu tư, nhằm tránh tình trạng phân lô, bán nền, mạo danh dự án bất động sản, gây thất thoát nguồn thu ngân sách.
Lâm Đồng: Nạn phân lô, bán nền, mạo danh dự án bất động sản gây thất thoát nguồn thu ngân sách

Nạn phân lô, bán nền, mạo danh dự án BĐS gây thất thoát nguồn thu ngân sách

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, trên địa bàn đã có nhiều trường hợp người dân, doanh nghiệp thu gom đất, hiến đất làm đường để đầu tư hạ tầng, thực hiện phân lô, bán nền, núp bóng danh nghĩa các dự án kinh doanh bất động sản, quảng cáo thông tin bán bất động sản không đúng quy định, làm ảnh hưởng sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản nhà ở, bất động sản của tỉnh và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến lĩnh vực bất động sản.

Do đó, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu các quy định hiện hành; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các trường hợp phải lập dự án đầu tư kinh doanh bất động sản để khắc phục tình trạng người dân, doanh nghiệp tự đầu tư hạ tầng và phân lô, bán nền, mạo danh dự án bất động sản xảy ra trên địa bàn.

Trước đó, như Thương Gia đã thông tin trong các bài viết: “Vụ “cạo trọc” quả đồi 41ha phân lô, bán nền: UBND huyện Bảo Lâm khẳng định đúng quy định?”; “Lâm Đồng: Nhiều lần kiểm tra vẫn bỏ sót sai phạm “dự án” Sun Valley” và bài “Thanh tra tỉnh Lâm Đồng vào cuộc vụ “cạo trọc” đồi, phân lô, bán nền”, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là tại TP.Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, xảy ra tình trạng một số cá nhân đứng ra thu mua gom đất nông nghiệp của người dân rồi dùng chiêu trò hiến đất làm đường để phân lô tách thửa sau đó rao bán với dự án gắn mác nghỉ dưỡng.

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, người dân, doanh nghiệp thu gom đất, hiến đất làm đường để đầu tư hạ tầng, thực hiện phân lô, bán nền, núp bóng danh nghĩa các dự án kinh doanh bất động sản thất thoát nguồn thu ngân sách
UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, người dân, doanh nghiệp thu gom đất, hiến đất làm đường để đầu tư hạ tầng, thực hiện phân lô, bán nền, núp bóng danh nghĩa các dự án kinh doanh bất động sản thất thoát nguồn thu ngân sách

Một trong những cái tên điển hình cho “chiêu bài” dùng danh nghĩa cá nhân gom đất, cạo đồi phân lô, bán nền là “dự án” Khu nghỉ dưỡng Sun Valley, toạ lạc trên quả đồi 41ha tại xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm và P.1, TP.Bảo Lộc, được giới thiệu do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Khải Hưng làm đơn vị phát triển.

Sau khi báo chí vào cuộc phản ánh, UBND huyện Bảo Lâm mới vào cuộc kiểm tra, rà soát, trong văn bản thông tin báo chí ngày 18/11/2021, ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết, khu đất 41ha hiện đang được Công ty Khải Hưng rao bán được quy hoạch là đất ở nông thôn và được UBND huyện Bảo Lâm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 11 hộ gia đình, cá nhân, với diện tích khoảng 25ha, từ năm 2000 đến nay.

Đồng thời, ông Nguyễn Trung Thành cũng khẳng định các hộ gia đình này đã thực hiện các thủ tục hiến đất làm đường, chuyển mục đích sử dụng đất và tách thửa theo quy định. Còn việc Công ty Khải Hưng vẽ thêm tiện ích và rao bán giống như một dự án bất động sản là không đúng luật quảng cáo.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Trung Thành cũng cho biết, thời gian qua, liên quan đến việc các đơn vị được các hộ dân ủy quyền bán hàng, đã tự đặt tên cho các khu đất đã được tách thửa là khu “nghỉ dưỡng, khu dân cư” và đặt tên bằng tiếng nước ngoài để bán hàng, UBND huyện Bảo Lâm đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xử lý hành chính đối với một số đơn vị quảng cáo không đúng sự thật, như Farm Hill, Forest Hill, The Tropicana Garden, Green Wich…

UBND huyện Bảo Lâm đánh giá cao vai trò của “nền kinh tế phân lô”

Cũng trong văn bản thông tin báo chí, ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết, do đặc điểm Bảo Lâm là huyện có diện tích đất tự nhiên lớn, với 146.342 ha, có 58.000ha đất nông nghiệp, trong khi đất ở là 1.008ha, chiếm 0,7% tổng diện tích tự nhiên; chiếm 1,7% diện tích đất nông nghiệp của huyện. Trong khi đó, dân số của huyện Bảo Lâm là hơn 120.000 người.

Trong khi đó, UBND huyện Bảo Lâm đánh giá cao vai trò của “nền kinh tế phân lô”, việc tăng diện tích đất ở, các điểm dân cư trên địa bàn huyện là phù hợp, nhằm dịch chuyển cơ cấu kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Trong khi đó, UBND huyện Bảo Lâm đánh giá cao vai trò của “nền kinh tế phân lô”, việc tăng diện tích đất ở, các điểm dân cư trên địa bàn huyện là phù hợp, nhằm dịch chuyển cơ cấu kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Bảo Lâm có điều kiện khí hậu mát mẻ, ôn hoà, có nhiều cảnh quan, ao, hồ, sông, suối, diện tích rừng lớn, thuận tiện cho việc phát triển sinh thái, nghỉ dưỡng. Đường cao tốc Tân Phú – Đà Lạt được khởi công năm 2022 thu hút khách du lịch từ các tỉnh đến địa phương sẽ tăng đột biến. Tuy nhiên, tỷ trọng khu vực dịch vụ trên địa bàn huyện mới chiếm tỷ lệ 15,5%, thấp so với các khu vực khác. Tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm trên 35% trong cơ cấu nền kinh tế.

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của huyện cần phải có định hướng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế các ngành sản xuất theo hướng ưu tiên tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, du lịch; giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện. Do vậy, để thu hút các nhà đầu tư vào Bảo Lâm thì việc tăng diện tích đất ở, các điểm dân cư trên địa bàn huyện là phù hợp, nhằm dịch chuyển cơ cấu kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, rà soát, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng trên địa bàn theo đúng quy định. Huyện sẽ kịp thời chấn chỉnh, xử lý những tồn tại, thiếu sót (nếu có).

Có thể bạn quan tâm