Làm rõ phương án vốn cho cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng vốn ngân sách trung ương trung hạn đã được phân bổ hết. Do đó, nên dùng vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho dự án cao tốc này là không khả thi...
Làm rõ phương án vốn cho cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về việc đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự án đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đã được phê duyệt đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, hình thức hợp đồng BOT do nhà thầu đề xuất. Tỷ lệ vốn nhà đầu tư tham gia dự án ít nhất 50% tổng mức đầu tư của dự án.

Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án BOT.

Trên cơ sở đó, tỉnh Thái Bình đã có báo cáo số 134 ngày 15/12/2022, đề xuất phương án đầu tư toàn tuyến với quy mô 4 làn xe, bề rộng mặt đường 19m, vận tốc khai thác tối đa 100 km/h, công tác GPMB được thực hiện với bề rộng 24,75m. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 22.100 tỷ đồng (không bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng), tính cả lãi vay là 23.285 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khoản vốn BOT đầu tư đoạn tuyến Nam Định - Thái Bình khoảng hơn 8.209 tỷ đồng, thấp hơn gần 3.574 tỷ đồng so với vốn BOT dự án Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, trong khi thời gian hoàn vốn dự án PPP không thay đổi. Do đó, UBND tỉnh Thái Bình đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tách đoạn qua tỉnh Ninh Bình thành dự án độc lập và giao UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ quản, triển khai theo hình thức đầu tư công. 

Theo tính toán của đơn vị lập dự án đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình là Geleximco, đầu tư theo phương thức PPP có tổng mức đầu tư khoảng 15.419 tỉ đồng, nếu tính lãi vay trong thời gian xây dựng là 16.218 tỷ đồng. Vốn nhà nước tham gia hỗ trợ 8.000 tỷ đồng (49% tổng mức đầu tư), thời gian hoàn vốn 24,8 năm.

Còn tiểu dự án giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe, UBND hai tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện từ nguồn vốn ngân sách tỉnh với chi phí khoảng 2.240 tỷ đồng.

Do ngân sách hai tỉnh Nam Định, Thái Bình hạn chế nên các tỉnh đề nghị Thủ tướng giao các bộ liên quan rà soát, cân đối hỗ trợ nguồn vốn trung ương để triển dự án trong vòng 3 năm (từ 2024 đến 2026), trung bình mỗi năm khoảng 2.600 tỷ đồng.

Trả lời đề xuất này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc tăng từ 1 lên 3 dự án thành phần, thay đổi về phương thức thực hiện dự án, chưa đạt tỷ lệ vốn nhà đầu tư tham gia dự án ít nhất 50% tổng mức đầu tư dự án, để có cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền, UBND tỉnh Thái Bình phải phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương liên quan làm rõ lý do đề xuất tách dự án làm tăng nguồn vốn đầu tư công.

Đồng thời, làm rõ căn cứ pháp lý, thẩm quyền quyết định việc giao UBND tỉnh Ninh Bình làm cơ quan chủ quản triển khai đầu tư đoạn tuyến cao tốc qua địa phương theo hình thức đầu tư công.

Về đề xuất bố trí vốn ngân sách trung ương cho dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hiện nay, nguồn vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 đã phân bổ hết. Việc UBND tỉnh Thái Bình đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 7.800 tỷ đồng là không khả thi, cần làm rõ khả năng cân đối vốn, bố trí ngân sách của các địa phương thực hiện dự án.

Trước đó, ngày 15/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát thực địa một số dự án hạ tầng giao thông tại tỉnh này, thúc đẩy tiến độ triển khai tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình.

Thủ tướng đặt vấn đề: Nếu lưu lượng xe chỉ tăng khoảng 12% mỗi năm sau khi có đường thì có cần thiết phải đầu tư một khoản kinh phí lớn như vậy để làm đường mới không, có hiệu quả không hay chỉ cần mở rộng đường cũ? Nếu lưu lượng xe chỉ tăng khoảng 12%, trong khi suất đầu tư cao, tốc độ lại thấp thì thời gian thu phí sẽ kéo dài, phí cao, người dân không đồng ý, không hài hòa được lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, dự án sẽ rất khó khả thi. Thực tiễn nhiều dự án BOT trước đây đã cho thấy điều này. Mặt khác, nếu tuyến đường chỉ thiết kế 80 km/h thì sau khi xây dựng xong sẽ sớm quá tải, phải đầu tư mở rộng ngay.

Có thể bạn quan tâm