Trong văn bản gửi các Ban Quản lý dự án (QLDA): 2, 6, 7, 85, đường Hồ Chí Minh, Thăng Long, Mỹ Thuận về công tác lựa chọn nhà thầu, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu các Ban khẩn trương hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng các gói thầu xây lắp, tư vấn giám sát còn lại theo tiến độ yêu cầu của Bộ.
Bộ GTVT chỉ đạo: "việc tổ chức lựa chọn nhà thầu phải đảm bảo công khai, minh bạch, trình tự, thủ tục tuân thủ theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Các nhà thầu được lựa chọn phải đáp ứng năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu".
Bộ GTVT yêu cầu các Ban QLDA khi ký kết hợp đồng với nhà thầu phải chặt chẽ, phù hợp quy định, đảm bảo tính thống nhất giữa các dự án thành phần làm cơ sở quản lý hợp đồng hiệu lực, hiệu quả.
Các Ban QLDA phải tổ chức rà soát các điều khoản của hợp đồng đối với từng gói thầu. Trong đó, lưu ý các quy định về tạm ứng, thu hồi tạm ứng, điều kiện tạm ứng; tài khoản chuyên chi; quyền, trách nhiệm của thành viên đứng đầu liên danh; nhân sự, máy móc thiết bị đảm bảo không trùng lặp giữa các gói thầu/dự án đang thực hiện trong cùng thời điểm; quản lý, chấp thuận nhà thầu phụ; xử lý vi phạm hợp đồng.
Báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, tính đến ngày 18/1/2023, Bộ GTVT đã khởi công đồng loạt 14 gói thầu thuộc 12 dự án thành phần. Các nhà thầu đang huy động nhân sự, máy móc, thiết bị, xây dựng lán trại, đường công vụ và thực hiện các thủ tục đăng ký khai thác, cấp phép mỏ vật liệu xây dựng…, tổ chức triển khai thi công tại các vị trí thuận lợi.
Những gói thầu còn lại, các chủ đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu và các công việc liên quan để thi công vào tháng 2/2023.
“Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tính đến ngày 18/1/2023, Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin các địa phương đã bàn giao GPMB được 549/721,2 km, đạt 76% và đang tiếp tục thực hiện để bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng vào quý II/2023 theo đúng nghị quyết của Chính phủ.
Hồi đầu tháng, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc chọn thầu cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến việc thực hiện lựa chọn các gói thầu xây lắp thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Trong đó đã yêu cầu Bộ GTVT, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan phải thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí; các nhà thầu được lựa chọn phải đảm bảo đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai chất lượng, hiệu quả công trình, dự án. Có thể mời kiểm toán trước, trong quá trình triển khai dự án theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT và các cơ quan đơn vị liên quan hoàn toàn chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật và trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát và tổ chức khởi công xây dựng Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; chịu trách nhiệm triển khai các gói thầu, dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, không để xảy ra sai phạm theo quy định của pháp luật.
Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 dài 729 km được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập với 25 gói thầu, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau). Sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.