Lần đầu tiên, thặng dư thương mại Việt Nam với châu Mỹ vượt 100 tỷ USD

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 khu vực châu Mỹ của Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ.

Thặng dư thương mại giữa Việt Nam và khu vực thị trường châu Mỹ đạt mức lịch sử hơn 102 tỷ USD trong năm 2022 là một tín hiệu tích cực trong lĩnh vực xuất nhập khẩu của Việt Nam với các quốc gia và khu vực trên thế giới. 

thặng dư thương mại Việt Nam châu Mỹ

Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các thị trường khu vực châu Mỹ trong năm 2022 ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực khi đạt 153,9 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 128,2 tỷ USD, tăng 12,4%; nhập khẩu đạt 25,7 tỷ USD, tăng 3%.

Trong đó, trao đổi thương mại với tất cả các thị trường lớn tại khu vực đều ghi nhận tăng trưởng ở mức ổn định như Hoa Kỳ (11%), Brazil (6,6%), Canada (16,5%), Mexico (7,1%), Chile (9%), Argentina (8,3%)…

Đối với thị trường Hoa Kỳ, tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt xấp xỉ 123,86 tỷ USD (tăng 11% so với 2021), trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 109,4 tỷ USD (tăng 13,6% so với 2021).

Đối với khu vực thị trường các nước CPTPP nhờ hiệu ứng tích cực của các hiệp định thương mại tự do CPTPP và VCFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Chile), kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và nhóm 04 nước Canada, Mexico, Chi-lê, Pê-ru  trong năm 2022 đạt 15,2 tỷ USD, tăng 10,9 % so với năm 2021, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang nhóm các nước này đạt 13,1 tỷ USD, tăng 8,7%; nhập khẩu đạt 2,1 tỷ USD, tăng 26,9%.

Một khu vực thị trường quan trọng khác là khối MERCOSUR (gồm các nước Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) cũng ghi nhận kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2022 tăng trưởng 9,2% so với cùng kỳ, đạt hơn 12 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 3,3 tỷ USD, tăng 3,4%, nhập khẩu đạt 8,7 tỷ USD, tăng 11,6%.

Đối với các thị trường khác trong khu vực, kim ngạch thương mại song phương cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt: khu vực Trung Mỹ tăng 29,2% (đạt 1,12 tỷ USD), các nước Cộng đồng Andean tăng 12,9% (đạt 1,1 tỷ USD).

Mặc dù đón nhận những kết quả tích cực nhưng ăm 2023 sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức bởi xung đột địa chính trị, thương mại vẫn tiếp tục căng thẳng, lạm phát toàn cầu; rủi ro khả năng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm