Làng Giắng, chợ Giắng quê tôi!

Làng tôi tên là Giắng nên chợ làng tôi cũng tên là chợ Giắng. Chữ “giắng” nghĩa là gì thì không ai biết. Bố tôi, một nhà nho được dân làng coi là “nhà thông thái” phải rất kỳ công mới biết cách viết chữ này theo âm Hán - Việt…
Làng Giắng giờ đây không còn là những “mái nhà tranh lúp xúp như úp lấy phận người”
Làng Giắng giờ đây không còn là những “mái nhà tranh lúp xúp như úp lấy phận người”

“Trung tâm thương mại” và điệu múa “giáo cờ - giáo quạt”

Theo truyền thuyết của làng để lại, chợ Giắng ra đời từ khi bà Trần Thị Quý Minh, người chị cả trong ba nàng công chúa bị vua cha Trần Duệ Tông đày về khai khẩn vùng sình lầy ven biển này vì tội không chịu lấy người trong tộc họ. Khi về đây, bà đã cho lập chợ Giắng đồng thời sáng tác và truyền bá điệu múa cổ độc nhất vô nhị có tên là “Giáo cờ - giáo quạt”.

Vào những ngày đầu mở đất, để giúp người dân quên đi nỗi gian lao, cực nhọc và cũng để vơi đi nỗi nhớ kinh thành của mình, bà đã dày công soạn ra điệu múa gồm 36 cấp với phần lời hát ẩn chứa niềm thương nhớ kinh kỳ và niềm tôn kính vua cha.

Khi đánh giá về điệu múa này, nhiều nhà chuyên môn cho rằng, đây là điệu múa độc đáo không chỉ vì đậm bản sắc làng Việt cổ mà còn đòi hỏi rất cao ở tài năng bẩm sinh cũng như sự khổ luyện của người thể hiện.

Đầu thập kỷ chín mươi của thế kỷ trước, nghệ sĩ Easola Thủy đã cùng với các vũ công làng tôi và làng An Khê (Quỳnh Phụ, Thái Bình) dựng vở vũ kịch nổi tiếng "Hạn hán và cơn mưa" đưa những vũ công làng tôi đi 15 quốc gia trên thế giới.

Vũ hội xuân mới ở làng tôi được tổ chức từ ngày 10 đến hết 12 tháng Giêng hằng năm. Đến năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, lễ hội ngừng hoạt động và đến năm 1984 thì được phục hồi. Nhờ quần thể di tích Đình - Chùa - Lăng và đặc biệt là điệu múa Giáo cờ - Giáo quạt độc đáo mà đình làng tôi được cấp bằng công nhận Di tích Văn hóa ngay đợt đầu tiên.

Là người khai khẩn, truyền tải văn minh đô thành về miền đất hoang vu này đồng thời cũng là người thành lập trung tâm thương mại nên khi mất, bà được dân làng suy tôn là Thành hoàng. Vì thế, người làng tôi không bao giờ nói "quý" và "minh" mà thường nói chệch thành "quế" và "miêng". Khi có khách đến chơi nhà, người làng tôi thường bảo: “Bác đến thăm nhà em thế này là quế hóa lắm...”. Ngay cả ngày "thanh minh" cũng đọc chệch thành "thanh miêng".

Như vậy có thể nói, chợ làng tôi đã có bề dày khoảng 600 có lẻ.

“Lên Lan, xuống Giắng, về Hà…”

Làng tôi như một cù lao bao bọc bởi các dòng sông lớn nhỏ mà con sông to nhất là dòng Diêm Hộ bốn mùa nước xanh ngăn ngắt. Làng ngày xưa nghèo lắm. Những mái tranh ẩm mốc và những con đường lầy lội vết chân trâu. Những đêm cuối năm, làng tối đen như mực, âm âm u u dưới những bụi tre già. Mỗi sớm mai, tiếng gà nghe xao xác như than vãn về cái nghèo truyền kiếp.

Chợ Giắng ngày nay
Chợ Giắng ngày nay

Chẳng biết từ bao giờ đã xuất hiện câu ca đắng lòng: “Lên Lan, xuống Giắng, về Hà/ Bát cơm đã hẩm, quả cà lại thâm”. Lan, Giắng, Hà là ba làng nghèo nhất phủ Đông Quan thủa trước. Hình ảnh về làng Giắng xưa là những mái nhà tranh lúp xúp như úp lấy phận người. Những con đường lầy lội trì níu bước chân. Đất chật, người đông, dân làng tôi như con cò, con vạc lặn lội hết đồng cạn lại đồng sâu để kiếm sống để rồi tháng ba, tháng tám lại lang bạt xứ người.

Nhưng giờ đây, những cảnh cơ cực đó đã không còn. Chương trình Nông thôn mới đã đưa nước sạch về với mỗi căn nhà. Nếu trước đây, người dân làn tôi xây nhà chính xong, còn chút vật liệu thừa mới làm công trình phụ thì giờ đây ngược lại, công trình phụ là thứ được ưu tiên đầu tiên.

Người công nhân có nghề phụ là nghề trồng lúa

Nghề làm ruộng ở quê tôi rất nhàn, nông nhàn. Hôm tôi mới về “trốn dịch”, lúa mới bắt đầu cấy. Những nhánh mạ mỏng manh vật vờ trên mặt nước thì chỉ khoảng 3 tháng sau, lúa đã chín vàng rộm cánh đồng. Thế nhưng cũng chỉ chừng một tuần thu hoạch, cả cánh đồng không còn một vạt lúa bởi máy móc đã thay thế sức người. Nếu ngày xưa, dịp thu hoạch là nỗi ám ảnh khinh hoàng, nhất những lần gặt chạy bão thì giờ đây, mọi việc đều thuê và do máy móc đảm nhiệm.

Theo tính tóan của cô em dâu tôi, mỗi mẫu một vụ sẽ phải chi ra các khoản mất khoảng 9,2 triệu đồng/mẫu Bắc bộ gồm tiền công cày bừa, công cấy, công làm cỏ, công gặt và tiền phân lân, đạm, thuốc trừ sâu, thủy lợi, tiền nộp sản… khoảng 18.400 ngàn đồng/2 vụ/năm. Giá thóc tại thị trường hiện tại khoảng trên 8 triệu đồng/tấn.

Một năm 2 vụ, vụ nhiều bù vụ ít, mỗi mẫu thu hoạch khoảng 3.5 tấn X 8 triệu = 28.400 ngàn đồng – 18.400 ngàn đồng = 10 triệu đồng/năm.

Tuy lợi nhuận không cao, song nếu tính ra gạo dùng cho sinh hoạt thì hoàn toàn không phải lo vì chỉ cần bán đi hơn 2 tấn lúa sẽ đủ trang trải mọi khoản chi phí nói trên, số còn lại khoảng hơn 1 tấn dư giả lương thực cho 4- 5 người ăn cả năm, thậm chí còn đủ dùng để chăn nuôi.

Do thời gian làm nông nghiệp rất ít, lại thuê khoán nên số ngày còn lại trong năm, nhiều người làng tôi xin vào các công ty gần nhà, số còn lại “tung hoành” các nơi xa dọc chiều dài đất nước. Theo người làng cho biết, lương 2 vợ chồng đi làm tại các công ty bình quân khoảng 15 - 18 triệu đồng/tháng.

Thóc trong bồ, cá dưới ao, gà trên sân, rau ngoài vườn cộng với lối sống tằn tiện nên mỗi tháng 2 vợ chồng, 2 đứa con cả điện nước, ăn học chỉ mất khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Do vậy, mỗi năm tiết kiệm được khoảng 100 triệu đồng nên chỉ khoảng 4-5 năm là đủ tiền xây ngôi nhà khang trang ở quê. Thu nhập các năm sau dành cho mua sắm đồ đạc.

Những người nông dân “úp mặt vào đất, bán lưng cho trời” bỗng trở thành người công nhân có nghề phụ là nghề trồng lúa.

Chợ làng ngày họp 2 phiên

Do thu nhập tương đối cao nên làng tôi mỗi ngày đều có 2 phiên chợ. Đầu làng chợ Giắng họp vào buổi sáng, cuối làng là chợ Vô Hối họp từ khoảng 3-4 giờ chiều. Tuy nhiên, chợ Giắng vẫn là chợ chính, hàng hóa bày la liệt. Ở đây, người ta có thể mua (bán) từ mớ rau ngoài vườn, con cá dưới ao đến những mặt hàng thời thượng khác như son phấn, túi xách, áo quần hàng hiệu.

Chợ Giắng ngày nay
Chợ Giắng ngày nay

Có lẽ hiếm có làng nào ở nông thôn lại như làng tôi. Cả xã có đến gần chục cái nhà nghỉ và trong làng, không kể những nhà hàng bám hai ven đường quốc lộ 39B, cũng có tới gần chục quán ăn sáng. Nhà nghỉ thì tất nhiên là dành cho người nơi khác, còn quán ăn thì chủ yếu là người trong làng xã. Từ 5 giờ sáng, khách hàng đã đông lũ lượt. Người ta ăn sớm để còn làm đồng hoặc tới công trường, nhà xưởng.

Từ hai năm qua, do dịch bệnh cùng với sự phát triển của công nghệ, phương pháp bán hàng online đang phát triển mạnh. Chỉ cần nhấc điện thoại a lô, 5 phút sau có người đem hàng đến. Có khách khứa, bạn bè thường a lô chủ quán bia hơi Hạ Long (15 ngàn/lít), nhân tiện bảo ghé qua quán bán hàng ăn sẵn bên cạnh lấy cho quả nem, lạng giò, bát canh cua và khúc cá kho cháy cạnh là xonh một bữa ăn.

Nhớ hôm mới về, anh bạn học mời đến ăn cỗ, chờ mãi chả thấy nhà có khói lửa, dao thớt gì, tưởng bạn hẹn nhầm, bèn mở lại tin nhắn kiểm tra lại. Thế nhưng chỉ loáng cái, đã thấy chú sipe khuân đến đầy đủ cả rượu bia đến nồi lẩu đang sôi sình sịch.

Chợ Giắng làng tôi rồi sẽ ra sao?

Hôm trước mấy chú lãnh đạo xã khoe với tôi rằng UBND tỉnh Thái Bình đã đồng ý cho qui hoạch 3 khu dịch vụ thương mại, biến quê tôi thành trung tâm giao dịch của cả vùng. Đó là Khu thương mại dịch vụ Cầu Gọ, Khu thương mại dịch vụ Thái Hà và Khu thương mại dịch vụ Vô Hối. Giá đất ở những địa điểm này đang bị “thổi” lên khá cao.

Theo lời của các cán bộ xã, ba khu thương mại dịch vụ này sẽ rất hoành tráng, mỗi cái chiếm mấy ha, trong đó khu Thương mại Thái Hà nằm sát chợ Giắng. Tự dung trong tôi phảng phất một nỗi buồn bởi điều này có nghĩa là chợ Giắng đang đứng trước thách thức bị xóa sổ. Một nỗi nhớ mơ hồ về những phiên chợ của thời ký ức bỗng dội lên.

Thế nhưng vượt lên cái buồn hoài cổ ấy là niềm vui bởi làng tôi, quê hương tôi đang trên đà khởi sắc. Hôm rồi trên báo Lao động, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Thận cho biết 2021, dù đại dịch rất khó khăn nhưng tổng thu ngân sách của Thái Bình lần đầu tiên vượt mốc 10.000 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, đã thu hút được 7 dự án đầu tư FDI với tổng số vốn đăng ký 540 triệu USD. “Đầu tư vào Thái Bình đang phát triển chưa từng có tiền lệ, bằng cả 10 năm trước cộng lại. Chính quyền luôn đồng hành với các nhà đầu tư, không chỉ bây giờ mà trong suốt quá trình sau này. Nhà đầu tư đã về với Thái Bình là về chung một nhà”. Ông Thận nói.

Vĩnh biệt nhé thời “Lên Lan, xuống Giắng, về Hà/ Bát cơm đã hẩm, quả cà lại thâm”.

Vĩnh biệt nhé câu ca dao đắng lòng một thủa “Thái Bình là đất ăn chơi…”.

Song, dù mai đây có thế nào, hình ảnh chợ tết làng tôi vẫn tràn đầy sống động như trong thơ của Thi sĩ Đoàn Văn Cừ:

“Người mua bán ra vào đầy cổng chợ

Con trâu đứng vờ rim hai mắt ngủ

Để lắng nghe người khách nói bô bô

Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ

Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán

Một thầy khoá gò lưng trên cánh phản

Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân

Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm

Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ

Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ

Nước thời gian gội tóc trắng phau phau

Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu

Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu…”.

Có thể bạn quan tâm