Với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công năm 2024. UBND tỉnh Lạng Sơn đã thúc đẩy các dự án đi vào hoạt động, việc đẩy nhanh tiến độ giả phóng mặt bằng Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng cũng nằm trong kế hoạch đó của địa phương này.
NHỮNG “NÚT THẮT” CẦN GỠ…
Ngay sau khi dự án được khởi công (21/4/2024), nhà đầu tư trúng thầu thực hiện dự án, UBND các huyện thành phố đã bắt tay thực hiện các hạng mục công việc như: Thiết kế kỹ thuật thi công; xây dựng nhà điều hành; khảo sát thí nghiệm vật liệu đầu vào; tổ chức đo đạc, kiểm đếm giải phóng mặt bằng.
Cùng với đó, nhiều giải pháp được nhà đầu tư đứng đầu liên danh tại dự án đường cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng đưa ra để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Trong đó có việc nghiên cứu tổ chức phong trào thi đua về đích, triển khai ứng dụng mô hình thông tin công trình trên diện rộng, khích lệ đơn vị tư vấn thiết kế, tăng cường theo dõi, giám sát thông qua cơ quan báo chí, đôn đốc thường xuyên công tác thi công của các nhà thầu, ...
Tuy nhiên, theo thông tin từ UBND tỉnh Lạng Sơn, tính đến đầu tháng 8/2024, tình hình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án chậm và có nhiều vướng mắc.
Cụ thể, tính từ khi khởi công đến giữa tháng 8/2024, huyện Cao Lộc, huyện Chi Lăng và thành phố Lạng Sơn có khối lượng bàn giao mặt bằng 7,4/59,87 km, nhưng không liền khoảnh; huyện Văn Lãng chưa có khối lượng bàn giao.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án chưa đạt được kế hoạch đề ra, do các khó khăn vướng mắc như: Chỉ tiêu đất giao thông bố trí cho dự án tại các huyện Cao Lộc, Văn Lãng, Chi Lăng còn thiếu gần 70 ha; chưa có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; việc xác minh nguồn gốc đất tại các huyện mất nhiều thời gian; tiến độ thực hiện trích đo, kiểm đếm đất đai chậm,…
Lý giải về nguyên nhân trên giải phóng mặt bằng chậm tiến độ đoạn qua địa bàn UBND huyện Văn Lãng, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện hày cho biết, do công tác quản lý đất đai qua nhiều thời kỳ còn lỏng lẻo, hồ sơ địa chính không được cập nhật thường xuyên, nhiều hộ dân sử dụng đất nhưng không có giấy tờ về quyền sử dụng,... do vậy, huyện mất nhiều thời gian để xác minh làm rõ nguồn gốc đất và làm rõ việc cấp giấy chứng nhận sai ở đâu để làm căn cứ xác định bồi thường cho người sử dụng đất. Ngoài ra, chỉ tiêu đất giao thông thực hiện dự án trên địa bàn huyện còn thiếu hơn 5 ha dẫn đến việc chưa đủ căn cứ để thực hiện các thủ tục thu hồi đất theo quy định. Đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền của huyện, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban tập trung giải quyết dứt điểm trong tháng 9/2024.
Ở góc độ khác, công tác giải phóng mặt bằng dự án qua địa bàn UBND huyện Chi Lăng lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do liên quan đến đất miếu thổ công tập thể; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp có sai sót, do đó việc ban hành thông báo thu hồi đất và lập phương án bồi thường, hỗ trợ phương án tạm không đảm bảo tiến độ. Ngoài ra, việc thiếu chỉ tiêu đất giao thông cho dự án gần 15 ha cũng ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng.
Đối với UBND huyện Cao Lộc, ngoài chỉ tiêu đất giao thông phân bổ cho dự án còn thiếu hơn 50 ha, còn một số vướng mắc liên quan đến điều chỉnh tuyến và tiến độ thực hiện trích đo đất đai, kiểm đếm chậm.
NHIỀU GIẢI PHÁP HỮU HIỆU
Liên quan đến các nội dung khó khăn vướng mắc nêu trên, ông Nguyễn Ngọc Thiều, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn cho biết, đối với những vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, Sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh để tháo gỡ như: Bổ sung chỉ tiêu đất giao thông cho dự án, đẩy nhanh thẩm định sản phẩm trích đo, hướng dẫn các huyện xây dựng giá đất cụ thể.
Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn đã hoàn thành việc rà soát chỉ tiêu đất giao thông tại các huyện để bổ sung cho dự án với diện tích hơn 70 ha và hướng dẫn xong các huyện bổ sung các vị trí đổ đất thải phục vụ dự án.
Về chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa và đất rừng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND các huyện thực hiện thống kê diện tích để báo cáo UBND tỉnh trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định theo quy định tại kỳ họp chuyên đề sắp tới.
Về một số khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, thành phố, các đơn vị cũng đang tập trung tháo gỡ như: Việc hoàn thiện sản phẩm trích đo, giấy tờ đất đai của người được nhà nước giao sử dụng với hiện trạng sử dụng đất có sự sai khác để hoàn thiện thủ tục thu hồi đất theo quy định. Đồng thời, UBND các huyện đang đẩy mạnh tính toán để phê duyệt phương án tạm tính để chi trả tạm ứng cho người dân.
Về giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng dự án trên bàn bàn huyện Chi Lăng, ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: UBND huyện đã thành lập 3 tổ công tác đặc biệt của huyện để tập trung giải quyết tại các xã: Nhân Lý, Vân Thủy và Bắc Thủy về vấn đề miếu thổ công, giấy chứng nhận, nguồn gốc đất,…
Theo đó, phương án chỉ đạo là tập trung đối thoại với các hộ dân để tuyên truyền vận động tạo thống nhất và doanh nghiệp dự án sẽ hỗ trợ thêm kinh phí để di dời miếu thổ công tập thể; tập trung rà soát, xác minh quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng các thửa đất cho các hộ để thu hồi, điều chỉnh giấy chứng nhận đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất. Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan khẩn trương tính toán, lập phương án tạm tính đối với diện tích đủ điều kiện bồi thường. Mục tiêu đặt ra là đến hết quý 3/2024, UBND huyện bàn giao thêm ít nhất 7 km cho nhà đầu tư thi công các hạng mục.
Tại UBND huyện Cao Lộc, đây là địa bàn có diện tích ảnh hưởng lớn nhất trong số các huyện, thành phố, ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, UBND huyện đã gấp rút bổ sung cán bộ cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện; thành lập 5 tổ công tác chuyên trách thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện các thủ tục liên quan đến trích đo, quy chủ thửa đất, tiếp nhận cọc mốc các đoạn chỉnh tuyến, đo đạc kiểm đếm xong trong tháng 9/2024. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo các phòng chức năng thực hiện lập, thẩm định phương án tạm tính, hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công hạng mục khu tái định cư để bố trí cho các hộ bị ảnh hưởng.
Ở góc độ khá Tính đến giữa tháng 8/2024, các huyện, thành phố đã kiểm đếm được 508,13/536,56ha (tương đương 94,7%), trong đó, huyện Chi Lăng đạt 100%; Cao Lộc đạt 88,4%; thành phố Lạng Sơn đạt 99,8%; Văn Lãng đạt 100%. Về bàn giao mặt bằng theo chiều dài tuyến: huyện Cao Lộc được 1,7km; huyện Chi Lăng 4,1km, thành phố Lạng Sơn 1,6km; huyện Văn Lãng chưa có diện tích bàn giao.
Theo kế hoạch của UBND các huyện, thành phố, trong quý 3/2024, các huyện, thành phố sẽ tập trung hoàn thành tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh phê duyệt phương án tạm tính, thực hiện chi trả tạm ứng cho các hộ. Mục tiêu phấn đấu bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp dự án khoảng 17 km (thành phố 7 km, Chi Lăng 7 km; Cao Lộc 3 km). Riêng huyện Văn Lãng phấn đấu đến 31/10/2024 bàn giao 5 km.
Cùng đó, trong quý 3/2024, các huyện, thành phố sẽ hoàn thành công tác kiểm đếm, trích đo đất đai, thực hiện xong công tác xây dựng giá đất cụ thể để lập phương án bồi thường cho các hộ dân. Phấn đấu lũy kế đến hết năm 2024 các huyện bàn giao được 49/59,87 km, tương đương 81,8% tổng chiều dài tuyến cho doanh nghiệp dự án để thực hiện xây lắp các hạng mục công trình
Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng có tổng chiều dài 60km, gồm đoạn Hữu Nghị-Chi Lăng dài 43km và đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh-Cốc Nam dài 17km, được đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP), loại hợp đồng BOT, với tổng mức đầu tư 11.024 tỷ đồng, do nhà đầu tư Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu liên danh thực hiện dự án. Theo kế hoạch đề ra, dự án sẽ được thông tuyến vào tháng 12/2025, hoàn thành toàn tuyến trong năm 2026, phục vụ lưu thông hàng hóa qua biên giới Việt Nam-Trung Quốc, tạo động lực phát triển các tỉnh khu vực Đông Bắc, góp phần đồng bộ mạng lưới cao tốc, tăng cường thông thương quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.