Lịch sử đen tối của những viên kim cương Golconda giá trị nhất thế giới

Chính vì những câu chuyện và tin đồn xung quanh kim cương Golconda mà Hoàng gia Anh đã quyết định không sử dụng vương miện Koh-i-Noor trong lễ đăng quang vua Charles Đệ Tam…
Lịch sử đen tối của những viên kim cương Golconda giá trị nhất thế giới

Lịch sử của những viên kim cương Golconda chứa đầy những câu chuyện truyền thuyết và chi tiết bí ẩn. Có niên đại từ thế kỷ 16, kim cương Golconda được biết đến với chất lượng vượt trội và màu sắc độc đáo khiến chúng được các nhà cai trị và thương nhân giàu có trên khắp thế giới mê đắm và săn lùng. 

Bất chấp những tin đồn về lời nguyền chết chóc đầy ghê rợn, những viên kim cương Golconda vẫn luôn được coi là một trong những viên kim cương có giá trị nhất trên thế giới hiện nay.

Sơ lược lịch sử kim cương Golconda

Những viên kim cương Golconda được khai thác tại vùng Golconda, Andhra Pradesh của Ấn Độ ngày nay, nơi vốn nổi tiếng là nguồn cung cấp kim cương chính cho thế giới trong nhiều thế kỷ. 

Từng được cai trị bởi triều đại Qutb Shahi danh tiếng, các mỏ kim cương ở Golconda do hoàng gia kiểm soát và sản xuất ra những viên kim cương có chất lượng vượt trội, được giới thượng lưu trên khắp thế giới đánh giá cao.

Vào thế kỷ 18, người Anh đã thành lập các trạm giao dịch trong khu vực và bắt đầu kiểm soát việc buôn bán kim cương. Chính trong thời gian này, nhiều viên kim cương nổi tiếng như Koh-i-Noor và Hope Diamond đã được khai thác và xuất khẩu sang các nước châu Âu.

Đến thế kỷ thứ 19, các mỏ kim cương Golconda bắt đầu suy giảm khi người Anh chuyển trọng tâm sang các vùng mỏ mới ở Nam Phi. Mặc dù vậy, kim cương Golconda vẫn tiếp tục được ca ngợi bởi chất lượng đặc biệt và ý nghĩa lịch sử của chúng.

Di sản mang tên Golconda

Ngày nay, di sản của những viên kim cương Golconda vẫn tồn tại trong những kiệt tác trang sức nổi tiếng, với phần lớn trong số đó có thể được tìm thấy trong các bảo tàng và bộ sưu tập hoàng gia trên khắp thế giới. 

Cho đến nay, kim cương Golconda vẫn là những viên kim cương được tìm kiếm nhiều nhất trên thế giới.

Kim cương Golconda không đơn thuần là những viên kim cương bình thường. Chúng được biết đến với một số đặc điểm khác biệt có một không hai cả về chất lượng và ý nghĩa.

Đầu tiên và quan trọng nhất, những viên kim cương Golconda có chất lượng và độ trong vượt trội so với những viên kim cương khác. Hầu hết những viên kim cương được khai thác ở vùng Golconda đều được coi là một trong những loại tốt nhất và có giá trị nhất trên thế giới. 

Những viên kim cương này cũng được phân biệt bởi màu sắc của chúng. Trong khi hầu hết các viên kim cương có màu trắng hoặc vàng thì kim cương Golconda sở hữu nhiều màu sắc khác nhau như xanh dương, xanh lá cây, hồng hoặc không màu. Ví dụ, viên kim cương Hope được biết đến với màu xanh đậm hiếm có, trong khi Koh-i-Noor - viên kim cương trên vương miện hoàng gia Anh - nổi tiếng với độ trong suốt đến kinh ngạc, gần giống như thủy tinh lấp lánh.

kim cương Golconda

Kích thước cũng đóng một vai trò quan trọng trong độ hiếm của kim cương Golconda, bởi chúng có thể nặng tới vài chục karats ở trang thái khai thác thô nguyên bản, khác hẳn với kích thước nhỏ bé của kim cương thông thường. Viên kim cương Koh-i-Noor ban đầu được cho là nặng tới 106 karat. 

Đặc biệt, kim cương Golconda ngày càng trở nên quý hiếm hơn đối với những nhà sưu tầm và giới chuyên gia đá quý bởi chúng không còn có thể được khai thác nhiều như trước.

Lời nguyền Koh-i-Noor và Hope Diamond

Ngoài sự nổi tiếng về chất lượng và độ hiếm, những viên kim cương Golconda còn được biết đến với vô số truyền thuyết đằng sau. 

Một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất về kim cương Golconda là viên kim cương Koh-i-Noor, được tìm thấy vào thế kỷ 13. Viên ngọc quý hiếm này từng thuộc sở hữu của đế vương Rajahs của vùng Malwa và sau đó được chuyển qua tay của nhiều nhà cai trị Ấn Độ khác nhau, bao gồm cả các hoàng đế Mughal trước khi bị người Anh chiếm đoạt. 

Viên kim cương được cho là có sức mạnh lớn đến mức nó có thể mang lại xui xẻo cho bất cứ ai sở hữu, và có khả năng làm sụp đổ hoàn toàn một đế chế. Trong hàng thế kỷ qua, đã có một truyền thuyết gắn liền với viên kim cương này rằng đàn ông không bao giờ nên đeo Koh-i-Noor. Người ta nói rằng: “Bất kỳ ai có được viên kim cương này sẽ sở hữu cả thế giới, nhưng cũng sẽ biết tất cả những bất hạnh của nó. Chỉ có Chúa hoặc một người phụ nữ mới có thể đeo nó mà không bị trừng phạt." Tin vào truyền thuyết, Nữ hoàng Anh Victoria, người đầu tiên đeo viên kim cương Koh-i-Noor, đã để lại một di chúc nói rằng viên kim cương chỉ nên được đeo bởi một nữ hoàng trong gia đình hoàng gia. 

Và cũng chính vì những tranh cãi và tin đồn xung quanh viên kim cương này mà Hoàng gia Anh quyết định sẽ không sử dụng vương miện có đính Koh-i-Noor trong lễ đăng quang sắp tới của Vua Charles Đệ Tam. 

Một viên kim cương Golconda có tiếng khác chính là viên kim cương Hope Diamond được khai thác vào thế kỷ 17. Theo truyền thuyết, viên kim cương đã bị thương gia người Pháp Jean-Baptiste Tavernier đánh cắp từ bức tượng của nữ thần Hindu Sita, dẫn đến tai nạn thảm khốc khiến ông qua đời ngay sau khi bán nó cho Vua Louis XIV của Pháp.

kim cương Golconda

Sau khi nhiều chủ nhân của viên kim cương gặp phải những bất hạnh khủng khiếp, người ta đã lan truyền rằng nữ thần Sita đã đặt lời nguyền lên viên kim cương, mang lại bất hạnh và cái chết cho bất kỳ ai sở hữu nó.

The Regent Diamond: Viên ngọc quý của lịch sử nước Pháp

The Regent Diamond là một viên kim cương khác từ Golconda được khai thác vào cuối thế kỷ 17 và được cho là viên kim cương lớn nhất vào thời điểm đó, nặng hơn 140 carat. 

Câu chuyện đằng sau Viên kim cương Regent là nó từng thuộc sở hữu của Thomas Pitt, Thống đốc Pháo đài St. George ở Madras, Ấn Độ. Ông đã mua viên kim cương từ một thương gia địa phương vào cuối thế kỷ 17 và mang nó trở lại Anh, nơi nó được cắt và đánh bóng để tăng độ sáng.

Vào năm 1717, The Regent Diamond được Nhiếp chính người Pháp, Philippe II, Công tước xứ Orleans, mua lại và đặt nó vào chuôi thanh kiếm nghi lễ của mình. Viên kim cương này sau đó được gắn trên vương miện của Vua Louis XV và Louis XVI cũng như được sử dụng để tô điểm cho thanh kiếm nghi lễ của Hoàng đế Napoléon Bonaparte.

kim cương Golconda

Viên kim cương Regent hiện được trưng bày tại Bảo tàng Louvre ở Paris. Nó được coi là một trong những viên kim cương đẹp và có giá trị nhất trên thế giới nhờ vào độ trong suốt vô cùng thanh khiết. 

Có thể bạn quan tâm