Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.518 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán giảm khiến lợi nhuận gộp được cải thiện lên mức 488,3 tỷ đồng, tương ứng tăng 177,2%.
Xét về cơ cấu, doanh thu bán trái cây tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 1.147 tỷ đồng. Ngược lại, doanh thu bán heo giảm 27,8% còn 319,9 tỷ đồng. Tương tự, doanh thu bán sản phẩm, hàng hoá cũng giảm từ 354 tỷ đồng trong quý 2/2023 xuống 58 tỷ đồng trong quý này, tương đương mức giảm 83,6%.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính “hụt hơi” 22% so với cùng kỳ, xuống còn 89,8 tỷ đồng. Cùng chiều doanh thu, chi phí tài chính cũng giảm 55,2% về mức 165 tỷ đồng, chủ yếu là lãi vay với hơn 160 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng, lần lượt đạt 87,1 tỷ đồng và 50,4 tỷ đồng, tăng 88,6% và 9,7% so với cùng kỳ.
Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp “bầu Đức” báo lãi tăng gấp 3,4 lần, đạt 280,8 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, Hoàng Anh Gia Lai mang về 2.759 tỷ đồng doanh thu, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế tăng 31,7% đạt 507 tỷ đồng. Kết quả này giúp Hoàng Anh Gia Lai thu hẹp lỗ luỹ kế tại thời điểm 30/6/2024 xuống còn 904 tỷ đồng.
Năm nay, Hoàng Anh Gia Lai đặt mục tiêu kinh doanh với doanh thu cao kỷ lục 7.750 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2023. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 1.320 tỷ đồng, giảm 26% so với kết quả năm ngoái. Như vậy sau 6 tháng, công ty đã thực hiện được 35,6% mục tiêu doanh thu và 38,4% mục tiêu lợi nhuận năm.
Về quy mô tài sản, tính đến hết tháng 6/2024, tổng tài sản của Hoàng Anh Gia Lai đạt khoảng 21.559 tỷ đồng, bao gồm 8.327 tỷ đồng tài sản ngắn hạn và 13.232 tỷ đồng tài sản dài hạn. Trong đó, chiếm phần lớn là tài sản cố định với giá trị 5.601 tỷ đồng và các khoản phải thu ngắn hạn đạt 7.382 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tổng số nợ phải trả là 13.126 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 9.096 tỷ đồng và nợ dài hạn chiếm 4.029 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty tính đến hết quý 2/2024 đạt khoảng 8.432 tỷ đồng, tăng 26,3% so với thời điểm cuối năm 2023.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 31/7, cổ phiếu HAG đang giao dịch quanh mức 12.450 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hoá của doanh nghiệp này trên thị trường đạt khoảng 13.164 tỷ đồng.
Ở một diễn biến khác, vào đầu tháng 7 vừa qua, Hoàng Anh Gia Lai đã công bố thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu mã HAGLBOND16.26 do công ty phát hành ngày 30/6/2016.
Theo đó, ngày 30/6/2024 là ngày thanh toán 139,6 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu mã HAGLBOND16.26. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa thanh toán được do chưa thu đủ nguồn tiền từ khoản nợ của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – mã chứng khoán: HNG) và chưa thanh lý được một số tài sản không sinh lợi của công ty. Thời gian thanh toán dự kiến lùi sang quý 3/2024.
Được biết, trái phiếu mã HAGLBOND16.26 được Hoàng Anh Gia Lai phát hành ngày 30/6/2026, kỳ hạn 10 năm, mệnh giá 6.596 tỷ đồng. Luỹ kế đến ngày 30/6/2024, tiền gốc chậm thanh toán của lô trái phiếu này là 1.015 tỷ đồng và tiền lãi chậm thanh toán lũy kế là hơn 3.349 tỷ đồng. Như vậy, tổng tiền gốc và lãi chậm thanh toán là 4.364 tỷ đồng.
Thực tế trong năm 2023, bầu Đức liên tiếp “sang tay” tài sản nhằm tái cấu trúc và dự kiến sạch nợ trong vài năm tới. Mới đây nhất vào tháng 12/2023, Hội đồng quản trị công ty đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 9,9 triệu cổ phần, tương đương 99% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai để trả nợ gốc trái phiếu năm 2016.
Trước đó, trong quý 3/2023, Hoàng Anh Gia Lai cũng đã bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai và thu về 180 tỷ đồng.