“Lối tắt” nào giúp Picenza thâu tóm được nhiều đất vàng tại Hà Nội?

Vốn được biết đến là thương hiệu nội thất cao cấp nhưng những năm gần đây Picenza lại quyết tâm “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản, thậm chí còn đặt đây là mũi nhọn phát triển. Vậy, cơ sở nào có thể khiến Picenza tự tin đến vậy?
“Lối tắt” nào giúp Picenza thâu tóm được nhiều đất vàng tại Hà Nội?

Nhiều người dân Việt Nam chắc hẳn không còn xa lạ với chuỗi showroom nội thất Hùng Túy-chuyên nhập khẩu và phân phối các sản phẩm gạch ốp lát, thiết bị phòng tắm, nội thất hoàn thiện hàng đầu trong phân khúc cao cấp của CTCP Tập đoàn Picenza Việt Nam.

Tuy nhiên ít ai biết được kể từ năm 2010 đến nay, doanh nghiệp này đã dần bẻ lái sang đầu tư kinh doanh bất động sản với hàng loạt các dự án khủng tại Hà Nội và các tỉnh thành lân cận.

Sở hữu loạt bất động sản “khủng”

Thực tế, từ năm 2003 trở lại đây, việc di dời trụ sở các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nội đô Hà Nội bắt đầu diễn ra theo yêu cầu của Chính phủ. Chính vì vậy, cơn sốt nền “đất vàng” của các cơ sở, doanh nghiệp nhà nước có nguy cơ gây ô nhiễm phải di dời đã bắt đầu diễn ra.

Đi kèm theo chủ trương di dời này là hàng loạt doanh nghiệp, gồm cả những doanh nghiệp trong lĩnh vực tư nhân không liên quan tới bất động sản cũng âm thầm tham gia vào các thương vụ “thâu tóm”.

Và Picenza cũng không nằm ngoài “cuộc đua” đó. Về sở hữu của Picenza đầu tiên phải kể đến 2 dự án khá lớn tại Hà Nội đó là dự án Tòa nhà Hanoi Aqua Central tọa lạc ngay tại trung tâm phố cổ, giữa điểm giao dốc Hàng Bún và phố Cửa Bắc (số 44 Yên Phụ, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) và dự án Tòa nhà King Palace nằm ngay tại vị trí “đất vàng” 108 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân.

Ngoài ra, Picenza cũng là chủ đầu tư và tham gia vào một số dự án khác như Hoàng Cầu Skyline; Khu nhà ở và dịch vụ thương mại Minh Khai; Khu nhà ở 15 Mạc Thị Bưởi, Hai Bà Trưng; Picenza An Khánh... Trước đó, vào năm 2017, Picenza cũng được Hà Nội cho phép đầu tư xây dựng khu đô thị Picenza Mỹ Hưng, Sơn Tây. Dự án có diện tích gần 20 ha với tổng mức đầu tư 1.420 tỷ đồng. 

Không dừng lại ở Hà Nội, Picenza còn mở rộng phạm vi đầu tư ra các tỉnh thành khác như dự án Picenza Thái Nguyên với quy mô 30 ha, tổng mức hơn 1.900 tỷ đồng và khách sạn Picenza Đà Lạt (650 tỷ đồng).

Mới đây nhất, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La vừa duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư cho dự án khu đô thị tại các phường Chiềng Lề, Chiềng An, TP Sơn La (tên thương mại là Picenza Riverside Sơn La) đối với Liên danh CTCP Tập đoàn Picenza Việt Nam và CTCP Tập đoàn Quảng cáo Toàn Cầu.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 364 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 45,7 tỷ đồng, được phép xây dựng 127 lô nhà ở với diện tích 15,3 ha và 6,63 ha dành cho xây dựng hạ tầng. Chủ đầu tư có 9 tháng để hoàn thành giải phóng mặt bằng, 1,5 năm để hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và một năm để xây thô nhà ở.

Phối cảnh dự án King Palace - một trong 2 dự án "tai tiếng" tại Hà Nội
Phối cảnh dự án King Palace - một trong 2 dự án "tai tiếng" tại Hà Nội

“Lối tắt” thâu tóm

Theo giới thiệu trên website chính thức của Picenza thì hiện nay doanh nghiệp đang sở hữu khoảng 11 dự án bất động sản trên cả nước. Tuy nhiên, để gây chú ý nhất có lẽ phải tính đến những dự án ở Thủ đô-nơi “tấc đất, tấc vàng” mà không phải ai có tiền cũng có thể sở hữu được.

Mỗi “đại gia” đều lựa chọn cho mình cách để sở hữu được “đất vàng” mà mình mong muốn nhưng đối với Picenza thì lại khá đặc biệt khi tại cả 2 dự án “khủng” Tòa nhà Hanoi Aqua Central và King Palace, doanh nghiệp này đều không phải là đơn vị đại diện, hay trực tiếp “ra mặt” ngay từ đầu để chuyển mục đích sử dụng từ nền đất sản xuất của các doanh nghiệp nhà nước sang đất ở xây cao ốc.

Cụ thể, với dự án King Palace - hay còn gọi là Dự án Khu hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở đến bán tại 108 đường Nguyễn Trãi ban đầu là CTCP Dụng cụ số 1 thuê làm trụ sở và xưởng sản xuất.

Đến năm 2016, UBND TP.Hà Nội cho phép doanh nghiệp này liên danh với Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội lập dự án đầu tư. Đến tháng 10/2015, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội chuyển nhượng một phần dự án cho CTCP Bất động sản Hoa Anh Đào.

Không chỉ Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, CTCP Dụng cụ số 1 cũng chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho CTCP Bất động sản Hoa Anh Đào và nhận tiền hỗ trợ với giá trị khoảng 127,531 tỷ đồng.

Được biết, Bất động sản Hoa Anh Đào do Công ty TNHH Hoàng Tử và một DN khác đồng sáng lập. Công ty TNHH Hoàng Tử hiện đang sở hữu tới 45% cổ phần (tương đương 90 tỷ đồng) tại đây.

Trong khi đó, Công ty TNHH Hoàng Tử đặt trụ sở chính tại khu “đất vàng” số 20 phố Cát Linh, TP Hà Nội, vốn do nhóm cá nhân ông Nguyễn Văn Hùng, ông Cao Văn Tuý và 2 người thân là bà Đặng Thị Lợi và Nguyễn Kim Hoa góp vốn thành lập. Ông Hùng và ông Túy chính là hai cá nhân có vai trò quan trọng tại đây, từng chia nhau 2 vị trí chủ chốt ở công ty, là Chủ tịch HĐTV và Tổng Giám đốc.

Nên biết rằng, nhóm cá nhân lập lên Công ty TNHH Hoàng Tử cũng chính là những cổ đông sáng lập CTCP Tập đoàn Picenza Việt Nam.

Mối liên hệ của Picenza tại dự án King Palace cũng khá rõ nét khi vào ngày 28/01/2019, Picenza đã ký hợp đồng tổng thầu thi công với Bất động sản Hoa Anh Đào thực hiện gói thầu cung cấp vật tư và thi công cảnh quan, hoàn thiện, nội thất – khối tháp A cho dự án Tòa nhà King Palace.

Với dự án Hà Nội Aqua Central - hay còn gọi Tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, khách sạn và căn hộ thương mại tại Trung tâm phố cổ số 44 Yên Phụ - Picenza cũng góp mặt theo cách tương tự.

Dự án này có diện tích đất khoảng 6.800m2, vốn nằm trên nền đất do Công ty Kinh doanh Nước sạch Hà Nội (nay là Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội) quản lý, sử dụng từ năm 2005.

Năm 2007, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội và CTCP Đầu tư và Thương mại Hà Nội ký hợp đồng hợp tác liên doanh, thành lập CTCP Tháp nước Hà Nội để thực hiện dự án. Tuy nhiên trong cơ cấu cổ đông của CTCP Tháp nước Hà Nội lại có sự xuất hiện của Picenza với tư cách là cổ đông lớn thứ 3 (tỷ lệ sở hữu 11,5%, Nước sạch Hà Nội sở hữu 30%, Đầu tư và Thương mại Hà Nội sở hữu 48,5%).

Thế nhưng, đến ngày 24/5/2018, UBND Hà Nội lại ban hành văn bản thoái vốn và phê duyệt giá chào bán cổ phần khoản vốn đầu tư của Nước sạch Hà Nội tại Tháp nước Hà Nội. Tức là Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội sẽ thoái toàn bộ 30% vốn tại liên danh thực hiện dự án Hà Nội Aqua Central.

Và cũng giống như dự án King Palace, Công ty TNHH Hoàng Tử là nhà cung cấp gạch ốp, gạch lát, thiết bị vệ sinh cho dự án Tòa nhà Hà Nội Aqua Central, thông qua hợp đồng mua bán với Tháp Nước Hà Nội vào năm 2018.

Đáng chú ý, cả 2 dựa án của Picenza đều có những "góc khuất" mà Thanh tra Chính phủ đã "phát lộ" vào năm 2018.

Xem thêm

Thâu tóm đất vàng bằng cách nào?

Thâu tóm đất vàng bằng cách nào?

Những khu đất vàng bị thâu tóm thông qua những bàn tay to nhỏ và bằng rất nhiều cách thức khác nhau như: Mua bán, hợp đồng BT, cổ phần hóa, liên danh…

Có thể bạn quan tâm

"Ghìm cương" giá nhà ở xã hội

"Ghìm cương" giá nhà ở xã hội

Nhiều dự án nhà ở xã hội cũ đã tăng giá đáng kể, thậm chí có những dự án mức giá ngang bằng với chung cư thương mại...

Vinhomes ra mắt nhà mẫu The Premium

Vinhomes ra mắt nhà mẫu The Premium

Sự kiện ra mắt nhà mẫu Vinhomes The Premium đã thực sự làm nóng thị trường bất động sản Thanh Hóa, với thiết kế lấy cảm hứng từ những khu vườn Nhật Bản, cùng hệ thống tiện ích đẳng cấp 5 sao như bể bơi vô cực...

Aqua City là một trong những dự án then chốt của Novaland

Novaland nhận tin vui khi nút thắt pháp lý Aqua City được tháo gỡ

Ngày 19/11, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Tấn Đức chính thức phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung 1/10.000, đánh dấu bước quyết định trong việc tháo gỡ pháp lý cho dự án Aqua City của Tập đoàn Novaland, vốn đã bị vướng mắc hơn 2 năm qua…