Lớp học hát online với những mối thâm tình không… ảo

Cả thế giới chìm trong khủng hoảng bởi đại dịch Sart-covi 2. Tiếng còi xe cứu thương rú lên ở các thành phố lớn trên khắp địa cầu…Trong nhiều khoảng thời gian, mọi hoạt động của con người gần như ngưng đọng.
Lớp học hát online với những mối thâm tình không…ảo
 Chương trình Kết nối giọng hát Việt toàn cầu của lớp học hát Online Kim Tiến được tổ chứ tại Hà Nội

Giữa lúc này, nên cất tiếng hát hay khóc vì tuyệt vọng? Hay chìm vào những nỗi sợ vì không biết lúc nào “thần chết” điểm tên? Và, có những người Việt ở 15 quốc gia trên thế giới đã đến với lớp học hát online của NSƯT Kim Tiến, chọn tiếng hát làm điểm tựa để tự cứu mình.

Ngọn lửa đam mê thiêu cháy nỗi sợ hãi

Tôi biết nên gọi chị là gì? “Người đàn bà của 4 trọng trách” như chị thường tự nhận: Làm dâu, làm vợ, làm mẹ và hát. “Nghề” nào thì cũng phải nỗ lực tự thân, suốt đời. “Tiến không muốn nhận danh xưng “Người đàn bà hát” vì Tiến không chỉ có hát, Tiến còn đam mê và tận tâm với cả 3 trọng trách còn lại”. Chị hồn nhiên kể.

Gương mặt rạng rỡ, cặp mắt chưa hề biết đến mệt mỏi của tuổi tác, nụ cười tươi và đặc biệt là giọng nói – vang, ấm, tròn đầy. Người đàn bà của những đam mê nồng nàn đấy! Một cô giáo tận tình, kiên nhẫn uốn nắn các học viên cách thở, lấy hơi, nhả lời sao cho tròn vành rõ tiếng. Trong số các học viên của Kim Tiến, có người bộc lộ năng khiếu “sinh ra là để hát” nhưng lại chưa tự tin với giọng hát của mình; người khác thì lần đầu rụt rè học hát, cũng chưa phải người “có giọng”. Kim Tiến nhẫn nại với tất cả, động viên tất cả, thổi bùng vào bên trong họ một ngọn lửa đam mê, khao khát được hát chưa từng có.

Lớp học hát online với những mối thâm tình không…ảo
NSƯT Kim Tiến

Chị say sưa kể về nghề, từ khi còn nhỏ, được sống trong một không gian nghệ thuật – tiếng đàn, hát vang rộn ràng từ trong nhà đến lối xóm. Người thầy dạy nhạc đầu tiên chính là cha của chị. 14 tuổi, chị đoạt giải nhất giọng hát phổ thông trung học toàn tỉnh Tuyên Quang. Sau mốc son đầu tiên ấy, dưới sự dìu dắt, chỉ bảo của cha, chị khăn gói lên đường, gia nhập đoàn nghệ thuật Tuyên Quang. Được 2 năm thì chị cùng cô bạn thân (sau này trở thành ngọc nữ của màn ảnh Việt - NSND Thu Hà) đã dũng cảm đèo nhau trên chiếc xe đạp, từ Tuyên Quang “tiến” về đất Thủ đô, thi và trúng tuyển vào đoàn nghệ thuật Quân khu 2. Thu Hà thành diễn viên kịch - điện ảnh còn Kim Tiến thì gắn với danh xưng ca sĩ.

“Phát triển sự nghiệp ở độ tuổi mười tám đôi mươi, khát vọng của Tiến lúc đó là gì?”. Tôi hỏi. Không ngần ngại, Kim Tiến cười vang giòn: “Tiến rất khác các bạn cùng lứa. Ngay từ hồi mới đặt chân từ Tuyên Quang về Thủ đô, Tiến đã đặt mục tiêu đưa cả bố mẹ và các em về Hà Nội. Thế là vừa đi hát, vừa tập kinh doanh, xác định cho mình trọng trách của một người con cả trong gia đình. Nhiều năm sau Tiến cũng hoàn thành mục tiêu đó”.  

Lớp học hát online với những mối thâm tình không…ảo
NSƯT Đức Long, NSƯT Kim Tiến với các học viên trở về từ nhiều nước trên thế giới

Tôi hơi bất ngờ khi nghe Kim Tiến chia sẻ về việc đã từng kinh doanh để lấy tiền nuôi mình và giúp đỡ gia đình. Nhìn đôi bàn tay có lẽ chỉ để cầm mic, nuột nà nhường ấy, tôi cứ tưởng tượng “cái lò lửa” này chỉ ngùn ngụt cháy trong không gian âm nhạc, bước ra khỏi nơi đây là thành con gà con ngơ ngác. Thấy tôi tỏ ra ngạc nhiên, Tiến hạ giọng: “Người xưa nói “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” chị ạ. Nhưng, rốt cục, chỉ có kiếm sống bằng nghề hát là bền bỉ và ý nghĩa nhất với Tiến”.

Đời nghệ sĩ có vui có buồn. Khi vui thì khỏi nói - cười hỉ hả, hát tưng bừng, vui hơn người… Còn khi buồn – cái nỗi buồn ấy nó thấm sâu, da diết và cũng đau đớn hơn người.

Lớp học hát online với những mối thâm tình không…ảo

Tiến có sự may mắn, hạnh phúc vô bờ khi có được gia đình chồng là điểm tựa vững chắc cho sự nghiệp của mình. Bố chồng chị là biên đạo múa,  NSND, Đoàn trưởng Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị, mẹ là diễn viên múa và chồng Tiến là nghệ sĩ chơi ghi ta trong đoàn. Cả gia đình nghệ sĩ có cuộc sống thật nhẹ nhàng, vui vẻ, là niềm mơ ước của bao người.

Ấy vậy mà, đùng cái, chồng chị đột ngột ra đi sau một cơn bạo bệnh. Chị như người rơi tự do từ trên tầng cao xuống đất bởi nỗi đau quá lớn với một người phụ nữ quen được bao bọc, yêu chiều. “Nhìn hai con thơ dại, đứa 10 tuổi, đứa 5 tuổi, Tiến vừa xót con, vừa thấy sợ hãi khi nhìn về chặng đường phía trước. Nhưng rồi có gia đình, người thân giúp đỡ, động viên, sự tin cậy của hai đứa con, có niềm đam mê hát…tất cả đã giúp Tiến vượt lên, mạnh mẽ hơn”. Kể về nỗi đau đã lặn sâu vào bên trong gần hai chục năm mà ánh mắt của Kim Tiến vẫn như bầm lại những giọt buồn, tím ngắt.

Người đàn bà “không phải của những thở than”

Sau biến cố gia đình, Tiến buộc phải tạm ngưng sự nghiệp hát solo vì không thể đi lưu diễn xa nhà. Chị hát trong dàn hợp xướng suốt 10 năm - để dành nhiều thời gian chăm sóc con nhỏ và bố mẹ hai bên. 10 năm ấy - với hàng trăm giờ luyện tập cực kỳ khắt khe, chuẩn quốc tế từ các chuyên gia và chỉ huy nước ngoài đã giúp Tiến mở mang thật nhiều kiến thức. Có thể nói, kỹ năng sư phạm của Tiến được kết tinh từ đó.

Lớp học hát online với những mối thâm tình không…ảo

Giữa năm 2019, Trung tâm Đào tạo tài năng Nhật Bản đầu tiên tại Hà Nội - do hai Nghệ sỹ Nhật Bản thành lập đã thông qua một quản lý người Việt tìm đến Kim Tiến để mời chị tham gia giảng dạy bộ môn thanh nhạc tại trung tâm. Dù không có nghề sư phạm nhưng bằng kinh nghiệm của mình, Tiến có thể huấn luyện một người chưa biết hát, sau 10 buổi là có thể tự tin cầm mic. “Ấy vậy mà trước ngày lên lớp, đầu Tiến muốn bốc khói luôn. Không có một tài liệu hay giáo án nào chỉ dẫn. Yêu cầu đặt ra là dạy hát không cần đàn, 90 phút huấn luyện trên dưới 20 học viên từ 10 đến 65 tuổi. Đó là một thách thức quá lớn”. Chị chia sẻ.

4 buổi đầu tiên, Tiến lên lớp với sự giám sát của 2 máy quay, cuối lớp là hai chuyên gia Nhật: một là nhạc sỹ - một là nhà sản xuất chương trình. Ơn trời! Tiến nhận được từ họ những lời khen tặng và bản hợp đồng chính thức đã được ký kết. Rồi sự kiện báo cáo giữa kỳ được tổ chức với một show diễn đình đám của cả thầy và trò. Trong thời gian này, một số học viên từ Mỹ và một vài điểm tại Việt Nam đề nghị Tiến dạy hát qua facebook. Thế là ý tưởng dạy hát online ra đời. “Nó rất phù hợp với một người không biết lái xe như Tiến, đi đâu cũng bị phụ thuộc vào taxi, xe ôm hay bạn bè”. Chị khẳng định.

Lớp học hát online với những mối thâm tình không…ảo

Công việc giảng dạy tại Trung tâm Đào tạo tài năng Nhật Bản mang lại cho Tiến không chỉ tiền bạc mà cả nguồn năng lượng mới đầy hứng khởi. Đùng cái, đại dịch ào tới. Các chuyên gia Nhật về nước, công việc bị đình trệ hoàn toàn. Thương các học viên đang học dở dang, Tiến tiếp tục hướng dẫn họ qua video call. Dần dà, vài chục rồi vài trăm học viên từ 15 quốc gia đã tham gia vào lớp học online của chị.

“Là người theo dõi các kênh của NSUT Kim Tiến trên Youtube như Music home, Luyện giọng online cùng Kim Tiến, Liên hoan giọng hát Việt toàn cầu...tôi mường tượng ra một không khí luyện thanh thật sôi nổi trên các châu lục, ở những múi giờ khác nhau. Chị lấy đâu ra nhiều sức lực đến thế để thực hiện cái mà chị gọi là đam mê?”. Tôi hỏi. “Khi công việc bắt đầu vào guồng thì dịch bệnh toàn cầu càng lúc càng phức tạp. Thời gian đầu, Việt Nam vẫn bình yên trong khi ở Mỹ, EU…liên tục lockdown.

Lớp học hát online với những mối thâm tình không…ảo

Các học viên ở các nước tự kết nối thành từng nhóm, có trưởng nhóm quản lý, đặt lịch học với cô giáo. Lúc đầu Tiến chỉ nghĩ là hút mọi người vào niềm đam mê hát để quên đi những hiểm nguy bủa vây xung quanh bởi dịch bệnh, không ngờ chỉ trong một thời gian ngắn đã có hàng trăm học viên đăng ký học. Mọi người đua nhau hát, thậm chí còn tự tổ chức các show diễn trực tuyến tại gia – mỗi gia đình là một đội văn nghệ, có trang bị dàn âm thanh, đèn màu, trang phục biểu diễn. Tiến vẫn nhớ như in những lần hội ngộ trên sóng live tream Fb của Tiến, mọi người từ khắp thế giới vui vẻ chào nhau, thăm hỏi, động viên nhau vượt qua đại dịch. Cảm động vô cùng”. Kim Tiến chia sẻ.

Ngoài những giọng hát như Hoàng Lan (CHLB Đức), Tố Cầu (Hà Lan), Marcela Nguyễn (CH Séc), Louis Võ, Henrry Nguyễn (Mỹ), Ngọc Anh (Hà Nội)… có chất giọng bẩm sinh, sau một thời gian luyện giọng đã có thể tự tin bước ra sân khấu biểu diễn, trong lớp của Kim Tiến còn có một số người chưa từng biết hát. Chị nhẫn nại dạy họ đọc từng câu sao cho tròn vành rõ tiếng, có cảm xúc, sau đó mới bắt đầu vào giai điệu… Thế mà qua mấy buổi học, họ đã tự tin hát cho bạn bè nghe trong những buổi giao lưu âm nhạc toàn cầu của lớp học Kim Tiến.

Lớp học hát online với những mối thâm tình không…ảo

Gần 20 năm vắng chồng, Kim Tiến một mình nuôi dạy con nên người. Cả hai con chị đều đi du học và đã có công việc ổn định ở một quốc gia cách Việt Nam nửa vòng trái đất. Dẫu cuộc đời đã qua những bể dâu, chị vẫn thấy mình là người đàn bà hạnh phúc bởi hai con chị không chỉ trưởng thành, giỏi giang mà còn giàu tình thương, lòng tự trọng. Chị có hàng trăm học viên yêu mến lớp học online của chị. Họ gọi lớp học này là “Nhà luyện”. Sau thời dịch giã, từ Châu Âu, Mỹ, Canada… họ lần lượt bay về thăm gia đình, thăm cô giáo, gặp gỡ “bạn hát”. Không ít người chỉ biết cô giáo, biết nhau qua không gian mạng, nay được gặp trực tiếp trong những buổi họp mặt vui vẻ. Một vòng tay ôm, hai bàn tay nắm chặt…họ đã đứng hát chung với nhau trên những sân khấu nhỏ và ấm áp tình bạn bè.

Với một người đàn bà luôn nén lại những nỗi buồn để nhìn về phía trước, còn gì hạnh phúc hơn thế?!

Xem thêm

Giới trẻ Trung Quốc muốn quay lưng với "văn hóa hối hả"?

Giới trẻ Trung Quốc muốn quay lưng với "văn hóa hối hả"?

Những người trẻ tuổi ở Trung Quốc ngày càng mất niềm tin và thất vọng với công việc và cuộc sống. Trong đó, một số người hiện đang quay lưng lại với nền văn hóa hối hả đã “nghiền nát tinh thần” của họ qua các thách thức từ thất nghiệp gia tăng đến sa thải nhân viên và bất ổn kinh tế.

Có thể bạn quan tâm

Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền trao thưởng cho các hộ nông dân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất giỏi tại Buôn Eana

20 năm kết nghĩa giữa Phân bón Bình Điền và buôn Eana: Vẹn một chữ tình!

Chương trình kết nghĩa giữa Phân bón Bình Điền và buôn Eana không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ vật chất, mà còn tạo ra một mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ công nhân viên của công ty và người dân, cùng nhau vượt qua nhiều thử thách, xây dựng một cộng đồng vững mạnh, đoàn kết và phát triển…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…