Tiêu thụ sản phẩm vùng cao qua phát triển văn hóa - du lịch: Hữu ích và hiệu quả!

Việc tiêu thụ sản phẩm vùng cao qua phát triển văn hóa - du lịch thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, hiệu quả hơn những kênh phân phối khác.

Những mô hình hay của một số địa phương

Chia sẻ về kinh nghiệm tiêu thụ sản phẩm vùng cao tại tọa đàm “Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua phát triển văn hoá - du lịch”, do Tạp chí Công thương tổ chức mới đây, ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho biết: Những năm vừa qua, sau khi có Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm đến chất lượng hàng hóa, cũng như phát triển thương hiệu hàng hóa cho sản phẩm nông sản của tỉnh hơn.

Về tiêu thụ thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, Tuyên Quang vẫn tiêu thụ hàng hoá qua rất nhiều cái kênh phân phối, ví dụ như vừa truyền thống, vừa hiện đại. Như việc đưa vào siêu thị, vào các trung tâm thương mại lớn, các cửa hàng, cửa hiệu có thương hiệu và qua các kênh truyền thống như các chợ, các thương lái.

Ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang
Ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang

Đặc biệt là trong năm vừa qua cùng với việc phát triển du lịch - văn hóa thì việc tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh Tuyên Quang có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thông qua các hoạt động này, du khách đến Tuyên Quang rất đông, đặc biệt là qua Lễ hội Thành Tuyên của tỉnh tổ chức hàng năm đã thu hút du khách đến tham quan rất nhiều, ông Liễn thông tin.

Khi đến Tuyên Quang khách du lịch cũng muốn mua những sản phẩm của địa phương, có thể mua để sử dụng hoặc đem về làm quà tặng. Vì vậy việc thông qua các hoạt động văn hoá du lịch, đặc biệt du lịch ở những nơi vùng sâu vùng xa, vùng núi, để tiêu thụ các sản phẩm của địa phương ngày càng có hiệu quả.

Các sản phẩm thế mạnh của Tuyên Quang hiện nay có thể kể đến như cam sành, bưởi hay chè shan tuyết tỉnh Tuyên Quang hiện nay đang được khách hàng ưa chuộng và tin dùng, ông Liễn nói.

Tại Lào Cai, ông Võ Văn Tài, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Lan Rừng cho rằng, việc tiêu thụ các sản phẩm của địa phương thông qua phát triển văn hóa  - du lịch chỉ là "hữu xạ tự nhiên hương".

Bởi, chúng ta đều biết rằng Sa Pa là một mảnh đất du lịch gắn liền với hình ảnh của đồng bào dân tộc thiểu số ở tại vùng cao và khi đến với Sa Pa thì người ta có thể biết đến với người Mông, người Dao và văn hóa thổ cẩm dường như nó cũng gắn liền với cộng đồng người dân tộc tại đây, ông Tài cho biết.

Vẫn theo ông Tài, để trả lời được câu hỏi chúng tôi đã xây dựng thương hiệu như thế nào, thì chúng tôi không có một hình thức nào gọi là xây dựng thương hiệu cả, mà "hữu xạ tự nhiên hương" thôi. Chúng tôi làm với hình thức là ban đầu cũng chỉ là những mảnh thổ cẩm thô sơ thôi, nhưng khi Sa Pa bắt đầu mở cửa và phát triển du lịch cũng giống như khi Thủ tướng đã phê duyệt Sa Pa trở thành một điểm du lịch quốc gia thì lúc bấy giờ cơ sở hạ tầng của Sa Pa bắt đầu phát triển rộng rãi và nhu cầu trang trí nội thất cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay, nhà hàng gắn liền với văn hóa bản địa. Chính từ đó thì chúng tôi mới phát triển những sản phẩm thổ cẩm của mình nổi bật lên.

Ví dụ như trước đây những sản phẩm chỉ đặc thù chỉ là quà tặng, nhưng bây giờ thì nâng nó lên trở thành một sản phẩm có tính ứng dụng cao hơn. Đó là sản phẩm decor (trang trí) nội thất, làm sofa hay trang trí trong phòng khách sạn.

Ở đây chúng ta thấy giờ lên Sa Pa hay lên các vùng Tây Bắc bây giờ dường như trong phòng đều có hơi hướng gì đó thổ cẩm. Và khi chúng tôi làm, đi tới vùng nào, ở văn hóa của khu nào, thì chúng tôi sẽ dựa theo văn hóa đó. Ví dụ như ở Sa Pa, chúng tôi làm theo văn hóa của người Mông, người Dao nhưng mà lên Điện Biên thì chúng tôi phải làm theo người Thái.

Đấy là cách mà chúng tôi truyền tải được văn hóa, sản phẩm để cho khách trong nước cũng như khách quốc tế và đặc biệt là các bạn trẻ sẽ hiểu hơn được về ngành thủ công đặc thù ở miền núi như thế nào.

Và hiện tại, ở Sa Pa chúng tôi đang hướng tới xây dựng một khu đặc thù nghề của đơn vị, để cho các bạn học sinh, các bạn trẻ khi đến đây được trải nghiệm ngoài việc các bạn đi đến những nơi thăm quan, check in, thì khi vào khu nghề Thổ cẩm Lan Rừng của chúng tôi, các bạn được trải nghiệm tập dệt, tập thêu hoặc tập vẽ sáp ong trên những tấm vải hay là tập nhuộm chàm. Và khi các bạn làm ra những sản phẩm đó thì các bạn có thể là mang về được ngay.

Ví dụ như có những cái áo mà chúng tôi làm sẵn ra. Chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách buộc, cách làm thế nào để khi mà nhuộm sản phẩm nó tạo ra một hình khối trên đấy chứ không phải một màu đen bình thường giống như trước đây.

Đây là một sự đột phá và khi các bạn tới, cũng như là du khách trong và ngoài nước tới, sẽ cảm thấy rằng không nhàm chán, mà ngược lại còn cảm thấy thích thú. Và chính cái này mình vừa là tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm tại chỗ mà vừa truyền bá được văn hóa thổ cẩm địa phương ra thế giới.

Ông Tài tâm sự: “Trước đây thì chúng tôi rất loay hoay để tìm ra hướng xuất ngoại. Nhưng mặt hàng thổ cẩm có những cái đặc thù riêng của nó. Bởi vì hàng thổ cẩm nó khác với những mặt hàng như lụa, vải vóc. Ví dụ như mình cần có 1000 cái là 1000 cái giống nhau, nhưng mà thổ cẩm thì không phải như vậy, để mà xuất khẩu được một lô hàng như thế, dưới tay nghề của bà con thì không phải người nào cũng đạt chuẩn như thế, đã là hàng thủ công thì không thể nào đạt chuẩn như vậy nên việc mà xuất khẩu rất khó. Từ đó thì chúng tôi mới xoay hướng lại. Xoay hướng lại xuất khẩu tại chỗ, khách quốc tế tới mua sản phẩm đi, còn chúng tôi sẽ quay về tiêu thụ tại thị trường trong nước, thông qua các hoạt động văn hóa - du lịch”.

Ngoài 2 địa phương trên, tại huyện Lục Ngạn - tỉnh Bắc Giang những năm qua cũng đưa hoạt động "Du lịch trải nghiệm mùa cam, bưởi” trở thành hoạt động thường niên.

Tiêu thụ sản phẩm vùng cao qua phát triển văn hóa  - du lịch rất hữu ích và hiệu quả
Tiêu thụ sản phẩm vùng cao qua phát triển văn hóa  - du lịch rất hữu ích và hiệu quả

Qua đó, tập trung giới thiệu sản phẩm du lịch độc đáo gắn trải nghiệm thực tế tại vườn cây ăn quả với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; hình thành tour, tuyến mới nhằm thu hút du khách.

Đánh giá chung về việc tiêu thụ sản phẩm kết hợp với hoạt động văn hóa – du lịch, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế - Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nêu quan điểm: Trên thực tế Việt Nam là một cường quốc nông nghiệp, thể hiện rất rõ ở chỗ chúng ta đã có hàng chục sản phẩm nằm trong top đầu xuất khẩu thế giới, và chúng ta đã có hàng trăm năm lịch sử phát triển nông nghiệp với những kinh nghiệm rất quý, du lịch cũng đang là một trong những lĩnh vực phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, đứng thứ 25 trên thế giới về tài nguyên du lịch, và chúng ta đứng thứ 75 thế giới tiềm năng khách du lịch.

Sự kết hợp giữa giữa nông nghiệp và du lịch, đặc biệt là ở những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa đó trong thời gian gần đây đang có sự gắn kết khá rõ rệt. Nếu như trước đây chúng ta nghĩ rằng chỉ có du lịch kết hợp với nông nghiệp phổ biến ở những vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là những vườn trái cây, thì đã hình thành những hình thức kết hợp du lịch với ăn ở tại vùng có vườn trái cây lớn.

Nhưng hiện nay, lên Tây Bắc hoặc vào miền Trung cũng dần dần xuất hiện những hình thức đi du lịch ở những nông trường, ở những trang trại, ở những khu mà có những sản phẩm đặc sản, thậm chí những homestay mà ở đó chúng ta có thể ăn ở cùng với chủ nhà và tham gia những sinh hoạt sản xuất, thu hái cùng với gia chủ những đặc sản ở địa phương và điều này được thực hiện thông qua những tổ chức du lịch chuyên nghiệp, hoặc là thông qua sự phát triển tự thân của các gia đình đó, cũng như những địa phương đó, trực tiếp lên mạng hoặc trực tiếp thực hiện những tour du lịch, dẫn du khách đến.

Tất cả những sự kết hợp như vậy, đã giúp cho thay đổi dần quy mô cũng như tính chất và hiệu quả của hoạt động du lịch, cũng như tạo điều kiện cho sự phát triển của nông nghiệp. Thông qua không chỉ các kênh truyền thống như là bán hàng tại chợ hoặc là thông qua các siêu thị hoặc là những hình thức khác thì việc khách du lịch đến tại vườn ăn ở và thu hái, mua sắm đã tạo ra một sự trải nghiệm mới cho du khách, đồng thời cũng là một kênh tiêu thụ tại chỗ, giúp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp có đầu ra một cách đều đặn hơn và hiệu quả cao hơn.

Hơn nữa điều này còn giúp quảng bá trực tiếp thông qua những phản ánh của du khách về các đặc sản đó và từ đó làm tăng giá trị, sức hấp dẫn của các sản phẩm nông nghiệp gắn với vùng du lịch.

Kinh nghiệm từ thế giới và những khuyến nghị cho Việt Nam

Chia sẻ về mô của một số nước trên thế giới ông Phong cho biết: Chúng tôi cũng có dịp đi một số nước, đặc biệt là Trung Quốc, và một số nước Châu Âu thì thấy hình thức du lịch kết hợp với việc trải nghiệm, khám phá nông nghiệp rất rõ ràng.

Ông Võ Văn Tài, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Lan Rừng
Ông Võ Văn Tài, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Lan Rừng

Ngay Hàn Quốc họ cũng đang dần dần có những hình thức này, những tour du lịch Hàn Quốc là họ đưa chúng ta vào những vùng nông nghiệp để xem xét những nơi sản xuất rượu, sản xuất hàng mỹ nghệ và đặc biệt là trải nghiệm các hoạt động, ví dụ như làm kim chi.

Ở Trung Quốc có những khu nông nghiệp sinh thái công nghệ cao đưa du khách vào đó để họ trải nghiệm, không chỉ cảnh quan mà còn được trải nghiệm và chứng kiến những thành tựu công nghệ cao trong nông nghiệp.

Ở Nga hay một số nước khác thì họ có những hình thức là đến các trang trại, đến những nông trại lớn để tham gia những sinh hoạt, thậm chí là ăn ở cùng với các người dân bản xứ ở đó, và nhiều những hình thức khác nữa.

Tất cả tạo ra một sự cộng hưởng lẫn nhau, giữa sự phát triển của du lịch và nông nghiệp, đặc biệt là nó giúp cho việc quảng bá được mạnh mẽ hơn văn hóa của các nước ở các vùng miền mà nó gắn với du lịch nông nghiệp này.

Quay trở lại câu chuyện ở Việt Nam, ông Phong cho rằng, chúng ta cũng lưu ý thêm là sản phẩm để mà xuất khẩu ở tại vùng gắn với du lịch, không phải chỉ là nông sản, mà còn bao gồm cả những sản vật văn hóa, sản phẩm mỹ nghệ.

Do đó, nếu chúng ta làm tốt công tác này thì nó còn giúp giảm bớt các khó khăn liên quan tới phát triển nông sản ở miền núi mà có thể làm gia tăng việc làm cho đồng bào thông qua những hoạt động sản xuất, những mặt hàng thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm hoặc là những mặt hàng phù hợp với năng lực và văn hóa của địa phương để từ đó giúp tạo ra việc làm, đồng thời giúp quảng bá văn hóa của vùng miền đó ra khắp cả nước cũng như thế giới.

Và, để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua phát triển văn hoá - du lịch tốt hơn nữa, ông Phong cho rằng: ở cấp độ quốc gia thì có lẽ đã đến lúc Chính phủ cần có những chỉ đạo để mà các bên hữu quan, trực tiếp là bên du lịch, bên nông nghiệp và phát triển nông thôn, bên Sở Công Thương, Bộ Công Thương có một cuộc họp liên ngành nào đó để mà thống nhất những nhận thức thống nhất cách làm, tư tưởng và thậm chí là có những bản ký kết mang tính chất liên ngành để hình thành, phát triển một loại sản phẩm, dạng phối hợp giữa phát triển du lịch và phát triển các sản phẩm, xây dựng nông thôn mới để mà tăng cường hỗ trợ tiêu thụ và nâng cao hiệu quả các sản phẩm của các vùng miền này.

Việc này là cần thiết để nó mang tính chất chỉ đạo chung giữa các ngành có liên quan và sau đó là cụ thể hóa cho các ngành, các địa phương để xây dựng chương trình liên kết. Như vậy ở cấp tương đương cấp sở, ngành, địa phương, đơn vị,… để nó hình thành một chỉ đạo thống nhất.

Tiếp đến là có lẽ cũng cần phải hoàn thiện thêm hệ thống văn bản pháp lý có liên quan tới hoạt động này để có sự điều phối, tạo ra sự hỗ trợ lẫn nhau.

Đối với hệ thống giao thông vận tải, đặc biệt là hệ thống mạng cần phải được mở rộng hơn. Chúng tôi rất ấn tượng với những gia đình, hộ gia đình, nhà miền núi, một sâu, vùng xa đó khi có Internet, họ lập tức tổ chức lên những Youtube riêng, những facebook riêng để từ đó quảng bá trên toàn thế giới, khách du lịch trực tiếp đến tại nhà họ mà không cần thông qua những công ty chuyên nghiệp hướng dẫn nào cả.

Tức là khi chúng ta thực hiện kết nối quốc tế tốt thì tự mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi họ có thể làm những công tác quảng bá mang lại hiệu quả cao hơn.

Tất nhiên, nếu có sự hỗ trợ của doanh nghiệp du lịch, của những đơn vị chức năng chuyên môn có tính chuyên môn cao thì hiệu ứng, hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều.

Bên cạnh những khuyến nghị trên, ông Phong cho rằng việc xây dựng các danh mục sản phẩm là cực kỳ quan trọng. Ở đây rõ ràng là danh mục OCOP tốt rồi, danh mục sản phẩm du lịch tốt rồi nhưng mà có lẽ danh mục liên đới giữa hai bên, giữa OCOP với du lịch thì hình như chưa có chưa được định danh, chưa được định chuẩn, chưa có một cái sự phê duyệt nào cả.

Cũng cần phải có một danh mục như vậy để nó tùy theo mỗi địa phương và có sự sáng tạo, bổ sung và từ đó làm gia tăng các danh mục hàng hóa, sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP của các địa phương lên, nó tạo ra sự kết hợp và cộng hưởng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…