Luật sư Nguyễn Tiến Lập: "Khi doanh nghiệp vẫn còn nhiều tâm tư"

Các cơ quan chính quyền ở địa phương đang can thiệp hành chính quá sâu vào các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp cùng phân biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những tâm tư chính của các doanh nghiệp trong nước...

doanh-2019122415597-5336.jpg

Để có cái nhìn sâu hơn, toàn diện hơn về những tâm tư trên, những ngày đầu năm Giáp Thìn Thương Gia đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Thành viên Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam. Hy vọng những chia sẻ của Luật sư được các cơ quan chức năng cân nhắc xem xét và đưa ra những chính sách phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp...

Xin ông cho biết cơ duyên nào giúp ông đến với nghề luật?

Vâng, việc gì khởi đầu cũng cần có duyên. Tôi trở thành luật sư tư vấn về đầu tư và doanh nghiệp sau gần 8 năm làm việc ở Bộ Tư pháp. Đó là năm 1994, là thời điểm nền kinh tế Việt Nam cất cánh sau mấy năm đổi mới và mở cửa bằng việc phát triển khu vực tư nhân và thu hút đầu tư nước ngoài. Cả nước tràn đầy không khí tích cực, lạc quan. Khi ấy, tôi có may mắn được phụ trách bộ phận luật của Investconsult Group, một trong những công ty tư vấn đầu tư nước ngoài đầu tiên được thành lập ở Việt Nam.

Đây là nơi tôi trưởng thành về nghề luật, là thế hệ luật sư sớm nhất ở trong nước cộng tác với các luật sư quốc tế của các hãng luật tên tuổi như Deacons, Baker & McKenzie, Clifford Chance, Coudert Brothers và Freshfields. Trong 17 năm làm việc tại đây, tôi là sáng lập viên và Giám đốc điều hành đầu tiên của Investconsult Legal Services, trở thành Phó Tổng giám đốc và Phó Chủ tịch của Investconsult Group. Cũng nói thêm rằng ngoài là thành viên Đoàn luật sư thì thời kỳ đó đó, tôi còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Luật gia, hỗ trợ thành lập và làm Phó Ban quốc tế của Hội Luật gia thành phố Hà Nội.

Từ năm 2010 đến nay, Luật sư Nguyễn Tiến Lập là Thành viên điều hành cấp cao của Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự, một tổ chức vừa hành nghề luật vừa nghiên cứu về thể chế và cải cách pháp luật với bề dày kinh nghiệm ở Việt Nam.

Ngoài công việc của một luật sư, với sự đam mê nghề nghiệp, tôi còn tham gia giảng dạy nhiều năm ở Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội, dạy Môi trường pháp lý trong kinh doanh ở Đại học Anh Quốc Việt Nam, là Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam...

luat-su-nguyen-tien-lap-van-phong-luat-su-nhquang-cong-su1-1-610.jpg
Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Thành viên Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam

Trải qua suốt quãng thời gian hoạt động nghề cho đến nay ở nhiều cương vị khác nhau, ông đã có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những ý kiến, kiến nghị đóng góp trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đầu tư kinh doanh… Xin ông có thể chia sẻ về những dấu ấn nổi bật và đáng nhớ?

Nếu tính từ năm 1986, khi bắt đầu làm việc ở Bộ Tư pháp thì con đường nghề nghiệp của tôi đã gắn liền với quá trình đổi mới và phát triển của đất nước. Thời kỳ đầu làm việc ở Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, tôi đã có cơ hội trực tiếp tham gia soạn thảo Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế và Pháp lệnh trọng tài kinh tế, là hai văn bản luật đầu tiên thể hiện các chính sách chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch tập trung sang thị trường. Tiếp đó, là quá trình nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm nước ngoài để soạn thảo Bộ Luật dân sự đầu tiên, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, đặt nền móng cho một nền kinh tế tư nhân chuyên nghiệp và dân sự hoá của Việt Nam. Với việc xây dựng các đạo luật về đầu tư và doanh nghiệp sau đó, tôi đều tham gia để đóng góp các góc nhìn của một luật sư, chuyên gia tư vấn và người hành nghề thực tiễn.

Tôi nhớ năm 2004, khi bàn về vấn đề sáp nhập các đạo luật về đầu tư và doanh nghiệp thành luật đầu tư chung và luật doanh nghiệp chung, trong văn bản góp ý của mình, tôi đã nêu quan điểm tiếp cận rằng đó không phải là sự sáp nhập ngang bằng của các đạo luật với nhau mà cần duy trì tiếp Luật Doanh nghiệp và Luật khuyến khích đầu tư trong nước.

13-nov-2023-032452-gmtcty-tu-van-luat-doanh-nghiep-6202.jpg

Có nghĩa rằng khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp và ban hành Luật Đầu tư thì đồng thời bãi bỏ các luật liên quan như Luật Doanh nghiệp nhà nước và Luật Đầu tư nước ngoài. Lý do là khi cải cách pháp luật thì luôn luôn cần có và giữ một cột trụ đứng vững để bảo đảm tính ổn định và liên tục của hệ thống luật pháp. Ngoài ra, với Luật Đầu tư thì tinh thần phải toát lên là các chính sách khuyến khích đầu tư bình đẳng đối với cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.

Những năm sau này, tôi đã nghiên cứu và đóng góp trực tiếp và bằng gần hai trăm bài viết được đăng tải trên các báo và tạp chí trong nước, tham gia quá trình xây dựng mới hoặc sửa đổi nhiều đạo luật khác nhau trong lĩnh vực kinh tế và môi trường. Đặc biệt khi thảo luận về Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, tôi kiên trì đề xuất bỏ hình thức đầu tư BT bởi nó không còn phù hợp và gây ra quá nhiều hệ luỵ, nhất là khi thiếu sự kiểm soát chặt chẽ. Tôi đề xuất thay đổi cách tiếp cận, nhấn mạnh cơ chế đầu tư các dự án PPP phải dựa vào dòng tiền hay là tài chính dự án (gọi là project finance) hơn là năng lực của chủ đầu tư, vốn chỉ đóng vai nhà phát triển (hay developer) ở giai đoạn ban đầu.

Về dự án Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, qua các kinh nghiệm bảo vệ cho các nạn nhân ô nhiễm môi trường vốn yếu thế trong các vụ án dân sự, tôi đã kiến nghị bổ sung một cơ chế đặc thù so với tố tụng dân sự đòi bồi thường thiệt hại. Đó là người khởi kiện không có nghĩa vụ phải chứng minh quan hệ nhân quả giữa hành vi gây ô nhiễm và thiệt hại xảy ra.

Tôi đã rất vui và tự hào rằng các ý kiến đề xuất đó đã được Cơ quan soạn thảo và Quốc hội chấp nhận khi thông qua hai luật nói trên.

Theo dõi những ý kiến, kiến nghị đóng góp tâm huyết và thẳng thắn của ông trên các phương tiện truyền thông, có thể thấy ông luôn có rất nhiều những trăn trở trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn thuận lợi. Ông có thể chia sẻ về những trăn trở đó của mình?

Những trăn trở thì nhiều lắm. Trước hết nó đến một cách tự nhiên khi tôi so sánh những gì mình được học, nghiên cứu và trải nghiệm ở nước ngoài và thực tế trong nước.Tôi thấy rằng có một khoảng cách vô cùng lớn giữa các tiềm năng của đất nước và con người Việt Nam với thực tại nghèo nàn và tụt hậu.Vậy lý do nằm ở đâu ? Nhìn lại lịch sử, ai cũng biết “câu chuyện Khoán hộ” của Bí thư tỉnh uỷ Kim Ngọc từ những năm 60 của thế kỷ trước. Từ việc đó đã dẫn đến các cải cách đột phá về chính sách nông nghiệp, giúp người nông dân được cày trên ruộng của mình và không còn bị đói. Có nghĩa rằng căn nguyên thuộc về thể chế, chính sách và pháp luật. Trong khi đó, bản thân tôi được đào tạo bài bản về ngành luật nên câu hỏi luôn thôi thúc là: Mình phải đóng góp như thế nào đây vào cái sự nghiệp đổi mới vĩ đại nhằm xây dựng ngôi nhà chung là Tổ quốc Việt Nam ?

Tôi quan niệm đầu tư nước ngoài chỉ là điểm khởi đầu, nên là chất kích thích còn đầu tư và doanh nghiệp trong nước mới là căn bản. Muốn thế phải tập trung và tạo điều kiện hết sức để phát triển kinh tế tư nhân, bởi theo quy luật tự nhiên, đó mới chính là bản thân nền kinh tế. Kinh tế tư nhân ra đời trên nền tảng bảo hộ luật pháp về quyền tự do kinh doanh của người dân, để họ được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm.

Nhưng nếu chỉ khẳng định cái quyền đó trên giấy tờ thì không đủ mà phải thiết lập cả một hệ thống các chính sách và cơ chế để hiện thực hoá nó nhằm cả bảo vệ, khuyến khích và thúc đẩy. Chẳng hạn như suốt nhiều năm qua, chúng ta tập trung nói về giảm thiểu các hàng rào giấy phép và thủ tục hành chính cũng như các điều kiện kinh doanh.Riêng tôi lại cho rằng cần hành động mạnh mẽ, kiên trì và bài bản hơn nữa trong việc hình thành bốn trụ cột có tính chất hạ tầng cho kinh tế tư nhân phát triển. Đó là cơ hội tiếp cận đất đai, khả năng tiếp cận vốn xã hội, quyền tài sản và khả năng thực thi hợp đồng.

Đáng tiếc rằng cho tới nay, sau hơn ba mươi năm đổi mới, cả bốn trụ cột này vẫn còn đang trong quá trình xây dựng hay thậm chí vừa xây vừa sửa. Đất đai để sản xuất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn luôn là một thách thức. Đặc biệt khi đã có đất rồi thì vấn đề là việc sử dụng, định đoạt chính là các quyền tài sản đi kèm với nó vẫn không dễ dàng để thực hiện. Trong khía cạnh này, tôi thấy sau bao lần sửa đổi Luật Đất đai mà chúng ta vẫn chưa cắt nghĩa được rành mạch giữa quyền sở hữu đất và quyền sở hữu tài sản trên đất, theo đó quyền của người có tài sản trên đất phải được ưu tiên. Về thị trường vốn, qua các sự vụ về trái phiếu doanh nghiệp vừa qua cho thấy nó vừa thiếu chính chuyên nghiệp, vừa chứa đựng quá nhiều rủi ro.

Còn đối với thực thi hợp đồng thì chúng ta chưa có một nền tư pháp dân sự - thương mại thật sự minh bạch và hiệu quả. Bởi theo thông lệ chung cũng như đặc tính tự nhiên của kinh tế tư nhân, trọng tài thương mại phải trở thành giải pháp phổ biến để giải quyết tranh chấp, hơn là chỉ chiếm chưa tới 1% các vụ việc so với Toà án ở nước ta hiện nay.

Trên tổng thể, tâm tư lớn nhất của tôi là chúng ta đã có pháp luật nhưng để xây dựng và hoàn thiện một Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa thì vẫn còn khá nhiều vấn đề, đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn. Bởi chính nó là sức mạnh thể chế quan trọng cho sự phát triển.

Dù trăn trở như trên nhưng từ góc độ phân tích, tôi hiểu được cả nguyên nhân và bối cảnh. Đất nước như một cơ thể đang phải vặn mình để chuyển đổi, trong đó cái khó nhất chính là việc đổi mới tư duy cho quản trị và phát triển quốc gia. Nó đồng nghĩa với sự chấp nhận và cùng tham gia với thái độ kiên nhẫn, đóng góp và niềm tin vào tương lai tốt đẹp.

sme-1749.jpg

Trong suốt quá trình tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, ông thấy được những tâm tư, trăn trở gì… của cộng đồng doanh nghiệp đối với hệ thống chính sách pháp luật đầu tư kinh doanh?

Là một luật sư tư vấn, tôi đã hỗ trợ và đồng hành nhiều năm với các doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp nước ngoài, họ thấy hai trở ngại chính. Trước hết, đó là tính bất ổn định của hệ thống chính sách – pháp luật. Có luật sư nước ngoài đã từng nói công khai rằng điều họ sợ nhất chính là mỗi lần công bố sửa luật. Tiếp đó là tính khó dự báo và thiếu hiệu quả của các thủ tục tư pháp.

Còn các doanh nghiệp trong nước cũng có hai điều tâm tư chính, rất dai dẳng nhưng với một cách nhìn khác. Đó là:

Thứ nhất, tại sao các cơ quan Nhà nước, nhất là các cơ quan chính quyền ở địa phương, cứ mãi phải can thiệp hành chính quá sâu vào các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, điển hình là việc quản lý dự án đầu tư và các thủ tục thanh tra, kiểm tra. Chia sẻ với họ quan điểm này, tại một cuộc họp góp ý kiến về sửa Luật Đầu tư, tôi đã từng đặt câu hỏi với Cơ quan soạn thảo rằng trong kinh tế thị trường thì việc đầu tư là của ai, Nhà nước hay doanh nghiệp? Nếu nó là của doanh nghiệp thì đã đến lúc cần xem xét có nên duy trì tiếp Luật Đầu tư như là một công cụ quản lý hành chính hay không?

Ở các nước có kinh tế thị trường lâu năm, Nhà nước kiểm soát việc đầu tư, kinh doanh của người dân chủ yếu bằng hai biện pháp, đó là xác lập các tiêu chuẩn về kỹ thuật, xã hội và môi trường buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ. Cùng với đó là quy định các chế tài nếu có các hành vi hay tác động tiêu cực. Dựa trên căn bản như vậy, các lực lượng xã hội và người tiêu dùng sẽ cùng giám sát thực thi pháp luật mà không chỉ dựa vào bộ máy công quyền.

Thứ hai, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm đa số về số lượng các doanh nghiệp, vẫn còn chịu phân biệt đối xử hay bất bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực của nền kinh tế. Hậu quả là họ đã trở thành “nhóm yếu thế” trước các tập đoàn công ty lớn trong nước cũng như trước cả các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, chúng ta có riêng một luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và cả quỹ tài chính cho nhóm đối tượng này.

Tuy nhiên, vấn đề ở tư duy và thái độ ứng xử trên thực tế, chúng ta vẫn xem nhẹ các doanh nghiệp này, không coi họ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế quốc dân. Trong khi phải ngược lại mới đúng, như ở tất cả các nền kinh tế phát triển, người ta xác định chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới là trụ cột, là cái nôi tạo việc làm bền vững cũng như khởi nguồn các sáng tạo.

Thay cho lời kết, tôi cho rằng để chuyển hoá các trăn trở từ người dân thành động lực để cải cách cho phát triển thì rất cần các cuộc đối thoại cởi mở, chân thành và thường xuyên của các cơ quan Chính phủ và các cấp chính quyền với các nhóm xã hội và cộng đồng doanh nghiệp. Việc đối thoại đó vốn đã từng được tổ chức trước đây thì nay hơn bao giờ hết cần tiếp tục được triển khai.

Xin cảm ơn ông!.

Xem thêm

Luật Kinh doanh bất động sản 2014 còn khoảng trống ở loại hình du lịch nông nghiệp

Luật Kinh doanh bất động sản 2014 còn khoảng trống ở loại hình du lịch nông nghiệp

Thời gian qua, du lịch nông nghiệp đã có sự phát triển tương đối, phù hợp xu thế mới, nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như ruộng bậc thang ở Tây Bắc, làng Gò Cỏ (Quảng Ngãi)… song thực tế về pháp lý tại Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 loại hình này vẫn chưa được quy định chặt chẽ…

Có thể bạn quan tâm

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024

Nam A Bank chung tay cùng TP.HCM phát triển bền vững

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) lần thứ 5 năm 2024 diễn ra từ ngày 24 - 27/9, Nam A Bank tiếp tục chung tay cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đóng góp các giải pháp, sáng kiến hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng...

Ông Đàm Nhân Đức, Kinh tế trưởng đại diện MB nhận giải thưởng Financial Large Cap có hoạt động IR được Nhà đầu tư yêu thích nhất

MB nhận ‘cú đúp’ giải thưởng tại IR Awards 2024

Nhờ triển khai hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả và áp dụng các thông lệ tốt về công bố thông tin minh bạch, Ngân hàng TMCP Quân đội được vinh danh ở hạng hai mục giải thưởng danh giá tại IR Awards 2024...