Theo thông tin từ đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, liên Bộ Công Thương- Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào ngày đi làm đầu tiên của tuần mới, tức là thứ Hai ngày 23/10, thay vì ngày 21/10 như thường lệ theo quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 11/10 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Cụ thể, giá xăng E5 RON92 giảm 1.595 đồng/lít, không cao hơn 21.907 đồng/lít. Giá xăng RON95 không cao hơn 23.044 đồng/lít, giảm 1.798 đồng/lít.
Các loại dầu cũng đồng loạt giảm. Giá dầu diesel không cao hơn 22.410 đồng/lít, giảm 1.184 đồng/lít. Giá dầu hỏa về mức 22.464 đồng/lít, giảm 1.352 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Dầu mazut xuống 16.238 đồng/kg, giảm 1.214 đồng/kg.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 29 lần điều chỉnh, trong đó có 16 lần tăng, 9 lần giảm và 4 lần giữ nguyên.
Trên thị trường thế giới, lúc 6h30 ngày 20/10, giá dầu WTI giao dịch ở mức 89,37 USD/thùng, tăng 1,05 USD/thùng so với đầu giờ sáng qua, trong khi đó dầu Brent giao dịch mức 92,38 USD/thùng, tăng 0,88 USD/thùng.
Giá xăng dầu đi lên sau tuyên bố của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ “tiến hành thận trọng” việc tăng lãi suất trong tương lai.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch hợp đồng tương lai của quỹ Fed đang định giá xác suất 39% Fed sẽ tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 12 nhưng chỉ có 6% khả năng tăng lãi suất vào tháng 11. Hôm 19/10, giá xăng dầu thế giới được điều chỉnh giảm sau khi tăng gần 2% vào phiên trước đó.
Dữ liệu từ Oil Price cho hay, lúc 9h ngày 19/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 91,07 USD/thùng. Giá dầu WTI ở mức 88,19 USD/thùng.
Đến 20h ngày 19/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent xuống mức 90,66 USD/thùng, giảm 0,84 USD, tương đương 0,92% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 87,57 USD/thùng, giảm 0,75 USD, tương đương 0,85% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá xăng dầu đi xuống xuất phát từ việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không có bất kỳ dấu hiệu nào về việc sẽ ủng hộ lời kêu gọi cấm vận dầu mỏ của Iran đối với Israel do xung đột ở Dải Gaza. Iran là thành viên của OPEC. Việc này làm giảm bớt những lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung ứng dầu.
Bên cạnh đó, thông tin Mỹ đã đình chỉ các biện pháp trừng phạt đối với sản xuất dầu, khí đốt và vàng của Venezuela sau bốn năm cũng là yếu tố góp phần hạ nhiệt giá dầu.
Ngày 19/10, Mỹ thông báo nới lỏng trừng phạt đối với Venezuela, cho phép nước này được giao dịch dầu mỏ trong 6 tháng. Việc này giữ cho nguồn cung dầu thế giới được ổn định.
Hiện sản lượng dầu của Venezuela đạt khoảng 750.000-800.000 thùng mỗi ngày. Sản lượng dầu của nước này đã gia tăng trong thời gian gần đây. Mức sản lượng hiện nay của Venezuela đã cải thiện hơn nhiều so với mức đáy 374.000 thùng mỗi ngày trong năm 2020.
Với động thái mới từ Mỹ, giới chuyên gia kỳ vọng Venezuela có thể bơm thêm 200.000 thùng dầu thô/ngày ra thị trường, tăng khoảng 25% sản lượng trong năm tới. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, giá dầu vẫn chịu áp lực tăng giá trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị còn tiếp diễn.