Mạnh dạn "cởi trói" cho hoạt động ngân hàng

Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đề ra các mục tiêu cần đạt được trong cải cách hành chính...
Mạnh dạn "cởi trói" cho hoạt động ngân hàng

Là lĩnh vực hoạt động nhạy cảm nhất của nền kinh tế, ngành ngân hàng ngày càng tỏ ra mạnh dạn hơn trong việc hòa chung vào không khí "cởi trói" cho doanh nghiệp. Nghị định 16 vừa được Chính phủ ban hành, sửa đổi, bãi bỏ nhiều thủ tục hoành hành 10 năm qua ở lĩnh vực này.

Theo Nghị định 16, về điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, đã giảm điều kiện về thời gian hoạt động có lãi "trong 5 năm" xuống còn "trong 3 năm" liên tục trước thời điểm nộp hồ sơ liền trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Hoạt động ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài và điều kiện đối với hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, cũng sửa điều kiện có lãi trong "5 năm" thành "3 năm" và bỏ các điều kiện mang tính chung chung, không cụ thể về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân sự và tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn nhà nước.

Về điều kiện chung để công ty tài chính thực hiện hoạt động ngân hàng, Nghị định 16 bãi bỏ điều kiện "hoạt động ngân hàng của công ty tài chính phải được ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động do Ngân hàng Nhà nước cấp" và "đối với các hoạt động ngân hàng có liên quan đến hoạt động ngoại hối, công ty tài chính tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối".

Về điều kiện công ty tài chính được phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức, Nghị định 16 bãi bỏ các điều kiện không cần thiết như "thời gian hoạt động tối thiểu, kết quả hoạt động, kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước quy định" và "Phương án phát hành giấy tờ có giá dài hạn phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị, hội đồng thành viên thông qua theo quy định của pháp luật"...

Được biết, trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đề ra các mục tiêu cần đạt được trong cải cách hành chính. Đó là triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ cải cách hành chính, trọng tâm là tăng cường đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của hệ thống các tổ chức tín dụng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước là một trong những bộ, ngành trình Chính phủ Nghị định về cắt giảm điều kiện kinh doanh theo đúng thời hạn Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, với tỷ lệ cắt giảm đạt 31% (cắt giảm, đơn giản hóa 80 trên tổng số 257 điều kiện, trong đó đề xuất cắt giảm 49 điều kiện, đạt 50% tổng số phương án đề xuất).

Hiện, hệ thống thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực ngân hàng đã cơ bản được cắt giảm, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Đây cũng là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước liên tục trong 3 năm 2015, 2016, 2017 xếp thứ nhất về chỉ số cải cách hành chính par index. Xét tính nhạy cảm và đặc thù, kết quả cắt giảm, đơn giản hóa 31% đã thể hiện nỗ lực, trách nhiệm rất lớn của hệ thống Ngân hàng Nhà nước.

Nếu tính cả quá trình thực hiện cải cách hành chính từ năm 2010 đến nay, bao gồm kết quả cắt giảm, đơn giản hóa 85% thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ, cắt giảm 20% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2016, 2017 theo Nghị quyết 19 của Chính phủ và hàng loạt các văn bản đã chủ động sửa đổi, bổ sung từ năm 2016, 2017, kết quả về cắt giảm điều kiện kinh doanh đã vượt xa tỷ lệ 31%.

Trong giai đoạn vừa qua, hầu như không có phản ánh, kiến nghị về quy định điều kiện kinh doanh gây cản trở tới cơ hội đầu tư, kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Dù vậy, do tính nhạy cảm trong lĩnh vực kinh doanh ngân hàng, đòi hỏi công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng phải đảm bảo tính chặt chẽ, phòng ngừa khủng hoảng và các tổn thất lan truyền. Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh cần phải tiến hành thận trọng để tránh bị tổ chức, cá nhân lợi dụng; giảm thiểu thiệt hại về kinh tế và hậu quả pháp lý đối với cán bộ, công chức.

Cùng với đó, trong bối cảnh hội nhập và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay, các giao dịch ngân hàng qua mạng internet tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị lừa đảo, thất thoát, do đó việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh cũng cần phân tích kỹ lưỡng để vừa đạt mục tiêu quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước vừa giảm thiểu các rủi ro, tổn thất trong kinh doanh của các tổ chức tín dụng.

"Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính của Ngân hàng Nhà nước không chỉ là việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh mà quan trọng hơn là củng cố một ngành, lĩnh vực hiện đại, hội nhập và tạo ra được bộ máy mang tính phục vụ chuyên nghiệp.

Thực hiện công việc này cũng chính là để đạt được mục tiêu kép, vừa thúc đẩy sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp, phục vụ người dân, giảm thiểu chi phí thời gian và nhân lực trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh bền vững", ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết.

 Theo Nguyên Mẫn/Vneconomy

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...