Những tháng trở lại đây, tình trạng trả mặt bằng của khách thuê trên các con phố chính tại Hà Nội diễn ra thường xuyên như phố Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng…
Mặt bằng kinh doanh “ế” khách
Sau đại dịch Covid-19 đến nay, tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều chủ cửa hàng chuyển đổi hình thức kinh doanh, thậm chí có trường hợp quyết định dừng hẳn việc buôn bán, do đó, làn sóng trả mặt bằng đã xảy ra.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Thươnggiaonline, trên nhiều tuyến phố lớn ở Hà Nội, đã xuất hiện nhiều tấm biển cho thuê mặt bằng “đỏ chót”, có những tấm đã bám bụi từ lâu.
Dọc phố Kim Mã, con phố một thời sầm uất bởi các shop quần áo, thời trang, thì nay cách 4-5 nhà lại có biển cho thuê cửa hàng. Đơn cử, mặt bằng kinh doanh với diện tích 30m2, đang cho thuê với mức giá 18 triệu đồng/tháng. Trước đó, cửa hàng này được chủ cũ thuê với mức giá 20 triệu đồng/tháng để kinh doanh thời trang, tuy nhiên, quá trình kinh doanh không thuận lợi nên họ đã trả mặt bằng kinh doanh cách đây 3 tháng.
“Tôi đã treo biển cho thuê ngay sau đó, thậm chí là hạ giá, nhưng vẫn không có khách chốt thuê. Hằng ngày, số người gọi điện hỏi thì cũng vài 3 người, nhưng hỏi giá xong, không thấy họ liên lạc lại”, chủ cửa hàng bày tỏ.
Không chỉ tại phố Kim Mã, mà các con phố lớn trước nay vẫn tấp nập kẻ mua người bán như Tôn Đức Thắng, Láng, Nguyễn Thái Học, phố Huế… cũng rơi vào tình cảnh chung. Trường hợp “cửa đóng, cài then" dọc các con đường này, thực sự không phải là điều hiếm thấy ở thời điểm hiện tại.
Còn mặt bằng kinh doanh tại phố Tôn Đức Thắng, có diện tích là 105m2, hiện đang cho thuê với mức giá 55 triệu đồng/tháng. Theo chủ nhà, giá thuê này là tương đối rẻ, trước đây đã có người thuê và kinh doanh với giá 60 triệu đồng/tháng.
“Phía dưới kia, còn cao hơn nhà tôi nhiều, hơn 70m2 mà người ta cho thuê đã gần 40 triệu đồng/tháng”, vị chủ nhà lý giải thêm.
Quyết định trả mặt bằng ở nhà phố, chuyển vào ngõ nhỏ để tiết kiệm tiền thuê nhà là hướng đi của chị Thu Huyền. 5 năm nay, nhà chị Huyền kinh doanh mặt hàng đồ gia dụng ở phố Tây Sơn, mặt bằng vẫn là đi thuê. Nhưng đầu năm nay, chủ nhà cho biết, đến tháng 3 giá nhà sẽ tăng thêm 5 triệu.
“Tôi có bàn với chồng, nên thuê vào trong ngõ, vì 2 năm vừa rồi lượng khách mua trực tiếp đã giảm đi hơn 1 nửa, còn lượng khách online tăng vọt, đặc biệt tại các sàn thương mại điện tử. Nên 2 vợ chồng quyết định chuyển luôn. Từ ngày vào trong ngõ, tôi tiết kiệm được hơn 20 triệu tiền thuê mặt bằng, mà doanh số kinh doanh thì vẫn vậy”, Huyền cười nói.
Trên thực tế, không chỉ riêng chị Huyền, mà xu hướng “bỏ phố, vào ngõ” đang là lựa chọn của nhiều chủ kinh doanh trẻ. Bởi việc này, sẽ giúp họ tiết kiệm được một khoản tiền lớn.
Buộc người cho thuê phải thay đổi
Trao đổi với phóng viên Thươnggiaonline, anh Lê Minh Trường, một môi giới lâu năm về phân khúc cho thuê mặt bằng cho biết, gần đây anh có tư vấn cho rất nhiều khách hàng có nhu cầu thuê cửa hàng kinh doanh ở trung tâm Hà Nội. Tuy nhiên, khách hàng đều phản hồi giá nhà đã thấp hơn so với 1-2 tháng trước đây, nhưng vẫn nằm ở mức cao, không phù hợp với loại hình kinh doanh của họ.
Các mặt bằng ở khu vực trung tâm hiện nay có mức giá cho thuê khoảng 550.000 – 650.000 nghìn đồng/m2/tháng, thậm chí có khu vực cho thuê 1 triệu đồng/m2/tháng. Theo anh Trường, với tình hình kinh doanh như hiện nay, mức giá trên là khá cao. Do vậy, nhiều cửa hàng tại phố lớn dù đã treo biển mấy tháng trời vẫn không có khách thuê.
“Hiện nay, xu hướng kinh doanh online đang phát triển rất mạnh mẽ, do vậy, nhiều khách hàng ngỏ ý với tôi muốn tìm thuê ở khu vực ngõ, chỉ cần có mặt bằng trên 20m2 là đủ”, anh Trường chia sẻ.
Đánh giá về tình trạng “ế mặt bằng cho thuế”, bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó Giám đốc Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam chia sẻ, thực tế mặt bằng bán lẻ ở Hà Nội giá đã tương đối cao. Đặc biệt, khu vực nhà phố bị thổi giá lên rất nhiều so với tình hình kinh doanh mà mặt bằng đó mang lại.
“Cho nên, chúng tôi cũng kỳ vọng sự thay đổi như thế này, thì những đơn vị cho thuê mặt bằng bán lẻ cũng như các gian hàng sẽ có những tính toán thực tế hơn, phù hợp hơn”, bà Minh bày tỏ.
Theo ông Lê Tuấn Bình, chuyên gia tài chính bất động sản, thực trạng này xảy ra, giúp các chủ doanh nghiệp phải nhìn nhận mặt bằng cho thuê của mình có đúng so với tình hình của thị trường.
Thứ nhất, về giá thuê, ông Bình nhận thấy, hầu hết các chủ nhà trong khu vực phố cổ trước đây, họ chưa từng gặp phải trường hợp phải đi đàm phán giá thuê với các khách thuê. Mà họ sẽ là bên đơn vị lựa chọn khách thuê, khách thuê nào trả giá cao nhất sẽ được lựa chọn.
Tuy nhiên, hiện tại, các chủ nhà của phố cổ đã chủ động đưa ra các phương án giá phù hợp hơn so với thị trường, có sự linh hoạt hơn về phương án cho thuê.
Thứ hai, trước đây, các chủ nhà trong khu vực trung tâm chỉ có rất ít phương án cho thuê, còn hiện tại họ đã có nhiều hơn các phương án như chia nhỏ diện tích, điều chỉnh thời hạn thuê, điều khoản thuê thực tế đã linh hoạt hơn nhiều.