Mặt hàng nông sản "hái ra tiền" cho xuất khẩu Việt Nam năm 2023

Năm 2023, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đón nhận rất nhiều tin vui với những kỷ lục mang tính lịch sử. Trong đó, thành tích của lúa gạo và sầu riêng đã khép lại 1 năm với những kết quả không thể đẹp hơn cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam…

Xuất khẩu gạo và sầu riêng đón nhận kỷ lục lịch sử

Ghi nhận kỷ lục chưa từng có, xuất khẩu gạo và sầu riêng là 2 điểm sáng nổi bật nhất trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu năm 2023. Cụ thể, số liệu xuất khẩu cả 2 mặt hàng này đều nhập hàng ngũ tỷ USD trong năm 2023 với gạo đạt 4,78 tỷ USD và sầu riêng đạt gần 2,2 tỷ USD. Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm qua lần đầu tiên vượt mốc 8 triệu tấn.

XUẤT KHẨU GẠO LẦN ĐẦU VƯỢT MỐC 8 TRIỆU TẤN

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một quốc gia phải nhập khẩu lương thực đã trở thành nhà xuất khẩu gạo nằm trong top 3 thế giới. Nhờ các giống mới, chất lượng, các tiến bộ kỹ thuật, sản lượng lúa năm 2023 đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022 dù diện tích giảm khoảng 9.000 ha.

Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 8,34 triệu tấn gạo với giá trị 4,78 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên nước ta có lượng gạo xuất khẩu vượt mốc 8 triệu tấn. Theo ước tính của Cục Trồng trọt, tổng sản lượng lúa cả nước năm 2023 đạt trên 43 triệu tấn, tăng khoảng nửa triệu tấn so với năm 2022.

Nhờ giữ vững được sản lượng, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu tăng cao của nhiều nước nhập khẩu gạo trong năm qua, đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực toàn cầu.

Xuất khẩu gạo năm 2023 đạt 8,34 triệu tấn

So với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, giá gạo Việt Nam đang có mức cao nhất. Cụ thể, theo số liệu được công bố ngày 22/12/2023 của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang ở mức 648 USD/tấn, giá gạo loại 25% tấm ở mức 633 USD/tấn.

Trong khi đó, ở Thái Lan, giá xuất khẩu gạo 5% tấm ở mức 648 USD/tấn, loại 25% tấm là 584 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở Pakistan đang ở mức 593 USD/tấn, giá gạo loại 25% tấm ở mức 513 USD/tấn.

Nhờ giá nhiều loại gạo xuất khẩu tăng cao, giá xuất khẩu bình quân đã tăng mạnh trong năm 2023. Chỉ tính riêng trong tháng 11/2023, giá gạo xuất khẩu bình quân của nước ta đạt 667 USD/tấn, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giá bình quân trong một tháng cao nhất kể từ trước đến nay.

Phần lớn các thị trường quan trọng đều tăng nhập khẩu gạo Việt Nam. Trong đó, Indonesia là nước tăng mua nhiều nhất. Nếu 11 tháng đầu năm 2022, chỉ có hơn 68.000 tấn gạo Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia thì 11 tháng năm 2023, con số này là hơn 1,12 triệu tấn, tăng tới 16,3 lần.

Thị trường Trung Quốc tuy giảm nhập khẩu trong những tháng cuối năm, nhưng tính chung trong 11 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này vẫn tăng 10,9% về lượng so với cùng kỳ, đạt 896.000 tấn.

Lượng gạo xuất khẩu sang nhiều thị trường khác cũng tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm 2022 như Ghana tăng 33,2%, Singapore tăng 32%, Mozambique tăng 57,9%, UAE tăng 21,4%, Đài Loan tăng 99,1%... Đặc biệt, Senegal tăng 330,2%, Chile tăng 2.890%.

Ngoài các thị trường truyền thống, xuất khẩu gạo sang các thị trường cao cấp như Mỹ và EU cũng tăng trưởng rất ấn tượng trong năm 2023. Cụ thể, Mỹ tăng 43,7%, Ba Lan tăng 107,6%, Bỉ tăng 105,7%, Tây Ban Nha tăng 140,3%. Điều này cho thấy gạo Việt Nam đang ngày càng được nâng cao về chất lượng và uy tín trên thị trường thế giới.

Đặc biệt, gạo Việt Nam ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường khi gạo ST25 một lần nữa được vinh danh gạo ngon nhất thế giới năm 2023. Kết quả này cũng góp phần giúp ST25 chính thức được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường liên minh châu Âu từ ngày 19/12.

Cùng với ST25, 10 giống gạo của Việt Nam cũng được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào EU bao gồm Jasmine 85, ST24, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài Nguyên Chợ Đào. Đây là cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường EU.

Dấu ấn quan trọng nhất của ngành lúa gạo Việt Nam trong năm 2023 là Chính phủ đã phê duyệt đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam Bùi Bá Bổng, ngành lúa gạo vẫn còn “2 điều nợ”. Thứ nhất là còn nợ nông dân vì thu nhập thấp, thứ hai là nợ môi trường vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, gây phát thải khí nhà kính. Giải quyết được 2 "lời nguyền" này thì sẽ bảo vệ cho thế hệ hiện tại và con cháu mai sau.

Ông Bổng tin tưởng đề án 1 triệu ha lúa là việc khả thi. Để thực hiện thành công đề án này, cần giải quyết ngay mắt xích yếu nhất là sự liên kết giữa nông dân với nông dân và nông dân với doanh nghiệp. Đồng thời, ông Bổng kiến nghị Thủ tướng cần thí điểm bán tín chỉ carbon trong hoạt động sản xuất lúa giảm khí phát thải.

Phân tích tình hình thị trường xuất khẩu gạo năm 2024, tại hội thảo “Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới”, lãnh đạo Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn gạo trong năm tới. Hơn nữa, lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm chỉ còn hơn 160 triệu tấn nên đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

SẦU RIÊNG GIA NHẬP HÀNG NGŨ TỶ USD

Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, tính đến tháng 11/2023, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ kết quả đó, sầu riêng đã vươn lên trở thành mặt hàng rau quả xuất khẩu số 1.

Sầu riêng gia nhập hàng ngũ trái cây tỷ đô

Tại thị trường trong nước, đầu năm 2023, giá sầu riêng Ri6 và Monthong lập kỷ lục lịch sử khi thương lái gom mua tại vườn ở mức 160.000 - 200.000 đồng/kg.

Vào tháng 9, thủ phủ sầu riêng lớn nhất cả nước Tây Nguyên bước vào vụ thu hoạch rộ, giá bán tăng vọt. Giá sầu riêng trung bình ở vùng này thấp hơn ở khu vực miền Nam nhưng nông dân trồng sầu cũng lãi từ 0,8 - 1 tỷ đồng/ha.

Tại Đắk Lắk, thời điểm đó năm 2022, sầu Thái Dona giá chỉ khoảng 55.000 đồng/kg, năm 2023 có giá 80.000 - 90.000 đồng/kg thu mua tại vườn. Sản lượng sầu riêng năm 2023 tại đây đạt trên 214.000 tấn. Với giá bán dao động từ 55.000 - 75.000 đồng/kg, doanh thu từ sầu riêng đạt con số kỷ lục gần 15.000 tỷ đồng.

Hiện nay, sầu riêng tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đến 24 thị trường, sầu riêng đông lạnh cũng đã xuất khẩu đến 23 thị trường. Trung Quốc là khách hàng lớn nhất với kim ngạch gần 2 tỷ USD, chiếm 91% tổng giá trị xuất khẩu trái cây này của nước ta.

Bên cạnh Trung Quốc, xuất khẩu sầu riêng tươi sang Cộng hòa Séc tăng 28.195,4%, Papua New Guinea tăng 837,6%, Mỹ tăng 282,8%, Canada tăng 222% và Pháp tăng 32%.

Đặc biệt, Thái Lan là quốc gia trồng và xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới cũng đã chi 96,9 triệu USD để mua sầu riêng Việt Nam trong tháng 11/2023. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, vì nước ta thu hoạch sầu riêng quanh năm, trong khi Thái Lan thu hoạch theo mùa nên nước này đã phải nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, hiện tổng diện tích sầu riêng của cả nước là 112.000 ha. Sản lượng thu hoạch hiện khoảng 840.000 tấn. Tuy nhiên, Việt Nam mới đang thu hoạch trên diện tích khoảng hơn 60.000 ha, còn lại khoảng 51.000 ha sẽ được thu hoạch trong năm 2024.

Bên cạnh đó, việc ký kết nghị định thư xuất khẩu sầu riêng tươi chính ngạch sang thị trường Trung Quốc giữa năm 2022 đã giúp đơn hàng bùng nổ, đẩy giá sầu riêng tăng phi mã và neo ở mức rất cao trong suốt năm 2023. Cụ thể, đầu năm dự báo giá trị của trái cây này chỉ đạt hơn 1 tỷ USD nhưng kết thúc năm 2023 đã đạt gần 2 tỷ USD.

Ngoài sầu riêng tươi nguyên trái, nước ta còn xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, sầu riêng sấy,… Theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật, sầu riêng đông lạnh là mặt hàng rất tiềm năng, thuộc nhóm sản phẩm chế biến áp dụng công nghệ cao, thời gian bảo quản lâu hơn nhiều so với sầu riêng tươi và tránh được nhiều rủi ro về kiểm dịch thực vật.

Trong năm 2024, nếu Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh thì giá trị xuất khẩu của sầu riêng sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. Hiện tại, các cơ quan chức năng phía Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất việc đàm phán kỹ thuật để đi đến ký kết nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc, sau đó sẽ thống nhất và ký nghị định thư.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, cơ hội xuất khẩu sầu riêng sang các thị trường còn rất lớn. Đặc biệt, các quốc gia trồng loại trái cây này chỉ thu theo mùa vụ, trong khi nước ta được thu quanh năm. Đây chính là thế độc quyền của sầu riêng Việt Nam.

“Sang năm 2024, sản lượng sầu tăng cao, được cấp thêm nhiều mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu thì kim ngạch có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD”, ông Nguyên dự báo.

Là doanh nghiệp có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất Đông Nam Á, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết, đối với thị trường Trung Quốc, khả năng tiêu thụ sầu riêng vẫn còn rất lớn vì mới chỉ hơn 10% dân số nước này biết ăn sầu riêng và nhiều người trong số đó mới chỉ được ăn 1 - 2 lần.

Bầu Đức thông tin, diện tích sầu riêng của HAGL năm 2024 sẽ cho thu hoạch ít nhất 300 - 400 ha. Đây là phần diện tích cho thu hoạch năm đầu tiên nên sản lượng bình quân chỉ khoảng 10 tấn/ha. Phần diện tích cho thu hoạch này chủ yếu nằm ở Lào, thời điểm thu hoạch vào khoảng tháng 10 và 11.

Đồng thời, sầu riêng thu hoạch trong thời gian trên là vụ nghịch tự nhiên nên giá bán rất cao, chắc chắn phải trên 100.000 đồng/kg, hiện nay đến 150.000 đồng/kg. Năm 2024, công ty của ông sẽ bán trực tiếp cho các nhà phân phối của Trung Quốc chứ không bán qua thương lái như năm 2023.

Có thể bạn quan tâm