Miễn 2 sắc thuế ô tô: Ai hưởng lợi?

Ô tô sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam có cơ hội giảm giá nhờ được miễn, giảm thuế.
Miễn 2 sắc thuế ô tô: Ai hưởng lợi?

Bộ Tài chính mới đây đã phản hồi kiến nghị của Bộ Công Thương , Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) cơ khí Việt Nam ( VAMI ), Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công… liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế nhập khẩu với linh kiện ô tô.

Thay đổi lớn

Theo đó, Bộ Tài chính cho biết đang xem xét, báo cáo Chính phủ về việc miễn thuế TTĐB cho phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng đối với sản phẩm ô tô. Qua đó nhằm thúc đẩy các hãng xe nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất trong nước.

Đối với kiến nghị miễn, giảm thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam, Bộ Tài chính nêu rõ: Theo danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư thì ngành nghề sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư; ngành nghề sản xuất ô tô, phụ tùng ô tô thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư. Do đó Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ liên quan nghiên cứu phương án xử lý, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Nếu chủ trương trên đi vào thực tế sẽ hỗ trợ rất lớn đối với các liên doanh, DN trong việc bảo hộ ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước. Lý do là hiện nay các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam phải đóng mức thuế nhập khẩu linh kiện khá cao 15%-25% tùy loại linh kiện. Đây là một trong những lý do khiến chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn nhiều so với Thái Lan và Indonesia.

Đồng thời đây cũng được xem là sự thay đổi rất lớn về quan điểm của Bộ Tài chính trong việc miễn, giảm thuế với ô tô. Bởi trước đó, trong dự thảo sửa đổi các luật thuế, Bộ Tài chính cho rằng đề xuất ưu đãi thuế TTĐB với phần giá trị trong nước của sản phẩm ô tô là chưa phù hợp với các quy tắc đối xử quốc gia nêu tại Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT).

Thậm chí hồi tháng 11-2017, đại diện Bộ Tài chính lập luận rằng nếu miễn, giảm thuế mà không gắn với yêu cầu về sản lượng và tỉ lệ nội địa hóa thì khó duy trì được ngành công nghiệp ô tô. “Thực tế cho thấy từ năm 2004 đến nay, dù nhận được nhiều ưu đãi nhưng tỉ lệ nội địa hóa vẫn thấp” - đại diện Bộ Tài chính từng nêu quan điểm.

Vẫn còn ý kiến trái chiều

Đại diện Công ty Ô tô Hyundai Thành Công cho hay miễn thuế TTĐB cho phần giá trị sản xuất trong nước đối với sản phẩm ô tô đã được các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia... áp dụng từ khá lâu. Mục tiêu là nhằm khuyến khích các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa của sản phẩm cũng như dễ dàng hơn trong việc tiếp cận đầu ra để có mức giá bán cạnh tranh.

“Hiện tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm ô tô tại Việt Nam còn khá thấp nên khó cho việc các sản phẩm sản xuất, lắp ráp trong nước xuất khẩu sang các thị trường lân cận. Do đó, việc miễn thuế TTĐB cho phần giá trị sản xuất trong nước là giải pháp rất tối ưu” - đại diện Hyundai Thành Công nêu quan điểm.

Dù hơn 20 năm qua nhận được nhiều ưu đãi nhưng tỉ lệ nội địa hóa ô tô tại Việt Nam vẫn rất thấp. Đối với xe cá nhân dưới chín chỗ ngồi, hiện tỉ lệ nội địa hóa chỉ đạt khoảng 7%-10%. Ngay cả hai DN có thị phần ô tô cá nhân lớn nhất là Thaco cũng chỉ đạt tỉ lệ nội địa hóa 15%-20%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova.

Đồng quan điểm, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), nhận định nếu miễn thuế TTĐB cho phần giá trị tạo ra trong nước sẽ tạo ra lợi thế đáng kể cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Ông Dương nhấn mạnh: “Những mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước có sản lượng lớn sẽ có cơ hội để đẩy mạnh nội địa hóa và giảm giá nhiều hơn. Sắp tới, những mẫu xe sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam sẽ có giá bán rất cạnh tranh và người tiêu dùng được hưởng lợi”.

Bà Nguyễn Thị Hiền, phụ trách hệ thống ô tô đã qua sử dụng Toyota, phân tích: Ngoài chuyện thuế nguyên, vật liệu để sản xuất linh kiện cao, ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước còn chịu mức thuế TTĐB rất cao 40%-50%. Do đó nếu giảm được các loại thuế này cho phần sản xuất trong nước thì chi phí sản xuất ô tô trong nước giảm, kéo theo giá ô tô trong nước giảm thêm vài chục triệu đồng mỗi chiếc.

Tuy vậy, không ít ý kiến cho rằng ưu đãi cho xe trong nước sẽ tạo rào cản với xe nhập khẩu, đẩy xe nhập khẩu lên cao. Khi đó những người có nhu cầu mua xe nhập khẩu phải chi nhiều tiền hơn để sở hữu loại xe này. Đó là chưa kể ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã có quá nhiều ưu ái nhưng đến nay giá thành vẫn cao, nghĩa là chỉ các hãng ô tô hưởng lợi còn khách hàng chịu thiệt.

Bảo hộ ô tô phải có điều kiện

Đồng tình với việc miễn, giảm thuế TTĐB và thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất phụ tùng, linh kiện nhưng chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng đề xuất: Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan cần đặt ra các yêu cầu, lộ trình, điều kiện cụ thể để được miễn, giảm thuế đối với các công ty sản xuất ô tô. Có như vậy mới nâng cao được tỉ lệ nội địa hóa và giá ô tô mới mềm hơn. 

Ví dụ đặt ra điều kiện tỉ lệ nội địa hóa càng cao thì tỉ lệ miễn, giảm thuế càng nhiều và ngược lại. Làm được như vậy sẽ tạo động lực rõ ràng hơn cho ngành công nghiệp phụ trợ phát triển. Đồng thời có như vậy những đơn vị được ưu đãi mới có trách nhiệm đối với ngành công nghiệp ô tô và có trách nhiệm với khách hàng.

Theo Quang Huy/Pháp luật TP. HCM

Có thể bạn quan tâm

Tuần này, giá xăng tiếp tục giảm

Giá xăng, dầu tiếp tục giảm

Trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng tiếp tục giảm lần thứ 2 liên tiếp. Giá mới được áp dụng từ 15h ngày 21/11...

Giá vàng tăng phiên thứ 3 liên tiếp

Giá vàng tăng phiên thứ 3 liên tiếp

Giá vàng thế giới tăng cao nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine tiếp tục leo thang. Trong nước, giá vàng miếng và vàng nhẫn đều vượt ngưỡng 86 triệu đồng/lượng…

Giá gạo xuất khẩu giảm không ảnh hưởng đến tâm lý và hoạt động của thương nhân trong nước

Thương nhân gạo vững tin giữa “bão” giá xuất khẩu

Thị trường gạo thế giới đang chứng kiến một biến động đáng kể, nhu cầu nhập khẩu gạo, đặc biệt từ các thị trường lớn có dấu hiệu chững lại. Điều này đã tác động trực tiếp đến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam…

Amazon đang thực hiện biện pháp "đối đầu" với các sàn thương mại điện tử giá rẻ

Amazon tung chiêu cạnh tranh với Shein và Temu

Trong bối cảnh các sàn thương mại điện tử giá rẻ có nguồn gốc từ Trung Quốc đang xâm lấn thị trường nhiều nước trên thế giới, “ông lớn” bán lẻ của Mỹ đã có kế hoạch cạnh tranh rất rõ ràng…

Giá xăng dầu bất ngờ quay đầu giảm

Giá xăng quay đầu giảm từ 15h hôm nay

Trong kỳ điều hành tuần này, giá xăng bất ngờ được điều chỉnh giảm sau một kỳ tăng nhẹ, giá bán lẻ xăng dầu mới được áp dụng từ 15h ngày 14/11…

Xuất khẩu rau quả năm 2024 được dự báo tăng trưởng mạnh

Xuất khẩu rau quả năm 2024 sẽ đạt 7 tỷ USD

Với những lợi thế sẵn có cùng sự hỗ trợ từ các chính sách mới, đặc biệt là hiệu quả từ các Nghị định thư đã ký kết, hoạt động xuất khẩu rau quả Việt Nam đang có những bước tiến vượt bậc…