Mô hình hỗ trợ mới sẽ làm tăng khả năng “sống sót” của startup

Có tới 90% các ý tưởng, doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại trong giai đoạn đầu. Trong khi các mô hình hỗ trợ cũ vẫn chưa phát huy hiệu quả lớn.

Theo các thống kê, chỉ có 10% các startup có thể “sống sót” qua giai đoạn đầu. Có rất nhiều lý do dẫn tới những thất bại của các dự án khởi nghiệp.

Trong năm 2020, văn phòng Đề Án 844 - Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Tập đoàn Công nghệ thông tin Sun Asterisk Việt Nam tiến hành một khảo sát về vấn đề nguồn lực công nghệ của các startup công nghệ thông tin.  

3 điểm yếu của startup giai đoạn sớm

Kết quả, trong số gần 30 startup ở giai đoạn sớm tham gia khảo sát, 100% cho biết họ đều gặp khó khăn về vấn đề nguồn lực phát triển sản phẩm công nghệ, 95% đã hoặc sẵn sàng chi từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng để có nhân sự kỹ thuật làm việc trong 3 - 6 tháng tùy trường hợp.  

Việc thiếu hụt công nghệ cần thiết cho sản phẩm, thiếu mô hình kinh doanh phù hợp với công nghệ trở thành một vấn đề lớn của các startup. Lúc này người sáng lập dự án thường tìm đến cách đi kiếm những người co-founder (đồng sáng lập). Những người này sẽ được chia cổ phần để làm việc cùng dự án. Nhưng thực tế không phải dễ tìm được những người đủ năng lực về trình độ công nghệ hay vốn để đi theo dự án lâu dài. 

Bên cạnh đó còn những nguyên nhân khác khiến số lượng startup tan rã tới 90%. Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Ban Hỗ trợ khởi nghiệp Sun* Startups: “Những người sáng lập startup ở giai đoạn đầu thường thiếu kỹ năng khởi nghiệp bài bản, thiếu kỹ năng công nghệ, thiếu khả năng quản trị doanh nghiệp công nghệ”.

Mô hình hỗ trợ khép kín cho startup

Mô hình hỗ trợ cho startup, hướng tới thẳng những điều thiếu trên đã bắt đầu được thử nghiệm từ năm 2020. Khi đó chương trình có tên Batch 1 được  Sun* Startups phối hợp thực hiện cùng Songhan Incubator. 

Khi đó, tham gia ban đầu có 6 startup ở giai đoạn ý tưởng, có tới 5 startup đi tới bước ra mắt sản phẩm có thể sử dụng đầu tiên và bắt đầu thử nghiệm thị trường. 

Mới đây Batch 2 và Batch 3 của chương trình đã bắt đầu được triển khai. Trong đó, Batch 2 dành cho các startup giai đoạn ý tưởng, chưa có MVP (Minimum Viable Product, tạm dịch là sản phẩm khả dụng tối thiểu, hoặc phiên bản rút gọn của một ứng dụng)  và Batch 3 dành cho các startup giai đoạn MVP (đang phát triển hoặc đã có MVP).  

Mỗi startup ở từng giai đoạn phát triển sẽ có một cách hỗ trợ riêng. 

Trong sự kiện ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Sun* Startups - ThinkZone - Songhan Incubator và VINASA, đại diện các tổ chức này đều chia sẻ cụ thể về những gì mà từng tổ chức sẽ hỗ trợ các dự án khởi nghiệp. 

Cụ thể, Sun* Startups xây dựng chương trình khởi tạo riêng cho từng Batch, cung cấp văn phòng, đội ngũ cố vấn thực chiến về công nghệ, phát triển sản phẩm, marketing và khoa học khởi nghiệp. 

Trong quá trình đó, ThinkZone hỗ trợ cử chuyên gia và startup chia sẻ kinh nghiệm từ các chương trình ươm tạo của ThinkZone. 

Ông An Ngọc Thao - Giám đốc Câu lạc bộ đầu tư Khởi nghiệp Công nghệ Số Việt Nam, thuộc VINASA - cho biết: “Khi tham gia vào hợp tác trong chương trình này, bên cạnh việc được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ trong hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp CNTT của VINASA, các startup tiềm năng sẽ có cơ hội được lựa chọn tham gia Chương trình Tăng tốc khởi nghiệp của VINASA, và đặc biệt là có cơ hội được đầu tư về: Tài chính, thị trường, và công nghệ từ lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam - chính là các nhà đầu tư trong CLB VDI”.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ: “Một ưu điểm của mô hình hợp tác hỗ trợ startup này là đơn vị thực hiện chương trình sẽ tham gia với startup như một đồng sáng lập, theo đó, trong 06 tháng này, tất cả thành viên sẽ làm việc như một đội trong từng bước phát triển của công ty tương lai”. 

Như vậy ngoài những trang bị cho việc khởi nghiệp căn bản, các dự án sẽ được hỗ trợ đầy đủ từ nguồn vốn, công nghệ cho tới thị trường tiêu thụ, đối tác sau này. 

Ông cũng bày tỏ: “Hi vọng ngày càng có nhiều đối tác tham gia vào mô hình này để góp phần thúc đẩy hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam cũng như tạo thêm cơ hội đi tiếp cho các startup công nghệ.”

Trong bối cảnh bình thường mới hiện nay, những mô hình khởi tạo startup như trên đang là điểm sáng cho bức tranh khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam gần đây vốn chứng kiến nhiều khó khăn lẫn thất bại và đang có dấu hiệu bão hòa theo cách làm truyền thống. 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

1C Việt Nam với nền tảng Low-Code mạnh mẽ đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp triển khai ERP thành công

Giải pháp ERP trên nền tảng công nghệ Low-Code của 1C Việt Nam

Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra tầm quan trọng của việc ứng dụng ERP để nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa quy trình và đưa ra quyết định kinh doanh chính xác hơn… Tuy nhiên, việc triển khai ERP vẫn còn gặp nhiều thách thức, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Gói cước 5G có gì mới so với 4G?

Gói cước 5G có gì mới so với 4G?

Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, mạng 5G đang mở ra một cuộc cách mạng mới trong việc kết nối và trải nghiệm Internet, mang đến tốc độ nhanh hơn và dung lượng lớn hơn gấp nhiều lần so với 4G…