Mobifone mua cổ phần AVG: Phác họa một thương vụ bí ẩn

Hành trình “kết duyên” giữa Mobifone và AVG đầy bất ngờ và bí ẩn. Cho đến thời điểm hiện tại, ẩn số lớn nhất trong thương vụ này là mức giá mà Mobifone trả để mua lại 95% cổ phần của AVG.
Mobifone mua cổ phần AVG: Phác họa một thương vụ bí ẩn

Hành trình “lên đời” của AVG

Đầu năm 2016, dư luận xôn xao khi Mobifone công bố mua lại 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) – đơn vị trước đây sở hữu thương hiệu Truyền hình An Viên. Đây được cho là một động thái giúp Mobifone xâm nhập nhanh chóng thị trường truyền hình trả tiền trong nước. AVG được manh nha hình thành từ năm 2004 khi ông Phạm Nhật Vũ – em trai của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng – đã cùng nhóm cộng sự của mình nghiên cứu về thị trường truyền hình trả tiền đang còn khá sơ khai ở thời điểm đó.

4 năm sau, cái tên AVG chính thức được “trình làng” với vốn điều lệ theo tiết lộ của ông Phạm Nhật Vũ là 1.800 tỷ đồng. 2 năm tiếp đó, vào hồi 10 giờ 10 phút 10 giây ngày 10/10/2010, AVG chính thức phát sóng thử nghiệm dịch vụ truyền hình. Nhưng có vẻ như thời điểm phát sóng ấn tượng đó không giúp AVG phát triển như kỳ vọng trong bối cảnh thị trường truyền hình trả tiền đang thời nở rộ, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của hệ thống truyền hình cáp như Truyền hình cáp Việt Nam (VCTV), Truyền hình cáp Hà Nội (HCTV), Truyền hình cáp TP.HCM (HTVC) hay Truyền hình cáp Sài Gòn Tourist (SCTV).

Theo thời gian, ngày càng có nhiều “ông lớn” nhảy vào lĩnh vực truyền hình trả tiền  khiến cho AVG ngày càng “hụt hơi” cả về vốn đầu tư, thương hiệu lẫn số lượng thuê bao. 4 năm sau khi phát sóng thử nghiệm, hay 3 năm sau khi phát sóng chính thức, tổng thuê bao của AVG chỉ đạt khoảng 450.000 thuê bao, chiếm vỏn vẹn 6,4% thị phần truyền hình trả tiền năm 2014. Vì hoạt động có phần kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ nên kế hoạch trở thành công ty đại chúng của AVG cũng liên tục bị hoãn lại từ năm 2011.

Theo Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2014 đã soát xét của Công ty Cổ phần Đầu tư Truyền hình do ông Phạm Nhật Vũ làm Chủ tịch HĐQT thì công ty này đã có thỏa thuận đặt cọc số 1210/2011/TTDC ngày 12/10/2011 với AVG.

Nội dung của thỏa thuận này là CTCP Đầu tư Truyền hình sẽ chuyển số tiền 311.546.100.000 đồng, tương đương 10.384.870 cổ phần (giá mua 30.000 đồng/cổ phần) để đặt cọc mua cổ phiếu CTCP Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) của ông Phạm Nhật Vũ. Điều kiện chuyển nhượng là khi AVG trở thành công ty đại chúng. Cũng theo báo cáo này thì tính đến thời điểm ngày 30/06/2014, AVG vẫn chưa trở thành công ty đại chúng.

AVG liên tục hoãn kế hoạch trở thành công ty đại chúng khiến thỏa thuận từ năm 2011 giữa CTCP Đầu tư Truyền hình và AVG không thể thực hiện được tính đến hết ngày 30/06/2014. Nguồn: BCTC 6 tháng đầu năm 2014 đã soát xét của CTCP Đầu tư Truyền hình

Tuy nhiên, năm 2015 bất ngờ rộ lên tin đồn Mobifone sẽ “thâu tóm” AVG. Và đến đầu năm 2016, thương vụ này chính thức được “công bố một phần” khi Mobifone thừa nhận được phép mua lại 95% cổ phần của AVG nhưng lại không tiết lộ mức giá.

Kể từ khi được Mobifone mua lại gần như toàn bộ số lượng cổ phần, Truyền hình An Viên của AVG khoác lên thương hiệu mới MobiTV. Sự kiện này được nhiều người trong ngành ví von như sự kiện “lên đời” của AVG. Nhưng không chỉ “lên đời” về mặt thương hiệu và tiềm lực tài chính, lợi nhuận từ dịch vụ truyền hình trả tiền của AVG cũng “lên đời” theo khi Chủ tịch Mobifone Lê Nam Trà cho biết, MobiTV đã chính thức có lãi trong 6 tháng đầu năm 2016 sau thời gian dài thua lỗ.

Ẩn số lớn

Khi thương vụ Mobifone mua lại 95% cổ phần của AVG được công bố, điều đầu tiên được báo giới mổ xẻ là vì sao Mobifone lại thâu tóm AVG để xâm nhập vào lĩnh vực truyền hình trả tiền mà không phải là thâu tóm một đơn vị khác, hay xâm nhập thị trường bằng cách khác? Đặt vấn đề như vậy là bởi ở thời điểm đó, AVG được nhiều chuyên gia đánh giá là chưa có lợi thế rõ rệt trong ngành truyền hình trả tiền khi số lượng thuê bao ở mức thấp, kết quả kinh doanh kém khả quan, đồng thời cũng tương đối yếu về khả năng sản xuất nội dung.

Nhưng những vấn đề này sẽ không trở thành vấn đề nếu như 95% cổ phần của AVG được Mobifone mua với mức giá phù hợp. Đáng tiếc là ngoài việc Mobifone công bố rộng rãi đã thâu tóm được 95% cổ phần của AVG thì gần như cả Mobifone và AVG đều không tiết lộ thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào về thương vụ đình đám này, đặc biệt là mức giá mua lại. Trong một diễn biến mới đây, Thường trực Ban Bí thư đã có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 1621-CV/VPTW ngày 22/07/2016 của Văn phòng Trung ương về việc tiến hành thanh tra toàn diện việc mua 95% cổ phần AVG.

Thủ tướng Chính phủ giao cho Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành thanh tra toàn diện về Dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Kế hoạch cổ phần hóa Mobifone liệu có bị ảnh hưởng?

Theo dự kiến thì trong năm 2016, Mobifone sẽ tiến hành bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Được biết, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) là đơn vị được Mobifone ký hợp đồng định giá và tư vấn cổ phần hóa. Hiện chưa rõ thông tin thanh tra toàn diện Dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG có ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa Mobifone hay không.

Tuy nhiên, rõ ràng thời điểm từ giờ cho đến khi kết thúc quá trình thanh tra và đưa ra kết luận chính thức không phải là thời điểm thuận lợi để cổ phần hóa Mobifone, thậm chí là không được phép tiến hành cổ phần hóa vì Mobifone vẫn đang đối mặt với rủi ro pháp luật. Hơn nữa, khi chưa có kết luận rõ ràng thì các nhà đầu tư cũng khó lòng mặn mà khi bỏ tiền đầu tư vào Mobifone.

Theo Kình Dương/VNF

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...