Chứng khoán ngày 8/1, VN-Index đứng ở mức 1.251,02 điểm, tăng 4,07 điểm (0,33%). Toàn sàn HOSE có 236 mã tăng, 153 mã giảm và 74 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,89 điểm (0,4%) lên 221,87 điểm, với 90 mã tăng, 65 mã giảm và 52 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,54 điểm (0,58%) lên 93,54 điểm.
Thị trường hồi phục nhưng không kèm theo sự gia tăng của thanh khoản. Tổng khối lượng giao dịch trên HOSE đạt 445,75 triệu cổ phiếu (giảm 20,4%), tương ứng giá trị giao dịch giảm 22,6% xuống 10.206 tỷ đồng. Nếu chỉ tính khớp lệnh, giá trị giao dịch chỉ ở mức 8.500 tỷ đồng, giảm gần 28%. Giao dịch trên HNX cũng giảm 28% xuống 605,8 tỷ đồng. Trong khi đó, giao dịch trên UPCoM tăng 141% lên 880 tỷ đồng nhờ đột biến giao dịch thỏa thuận.
Nhóm VN30 phiên hôm nay có 17 mã tăng, trong khi chỉ có 6 mã giảm và 7 mã đứng giá. Các cổ phiếu như MWG, MSN, TCB, GVR, CTG… đồng loạt tăng giá và góp phần giúp VN-Index hồi phục trở lại. MWG tăng trở lại 1,75%, MSN cũng tăng 1,35%, TCB có thêm 1,27%, CTG vượt tham chiếu 0,93%.
Ở chiều ngược lại, 6 mã giảm trong nhóm VN30 là HDB, FPT, STB, MBB, BID và VJC. Trong đó, HDB giảm đến 3,9% xuống còn 23.300 đồng. Như vậy, sau phiên tăng trần ngày 30/12/2024, cổ phiếu HDB đã điều chỉnh hơn 12%.
FPT cũng tiếp tục giảm 1,2% xuống 148.300 đồng. Việc FPT giảm cũng tác động xấu đến các cổ phiếu thuộc nhóm công nghệ. Trong đó, CMG giảm gần 2%, nâng mức giảm trong một tháng lên hơn 10%.
Nhóm cổ phiếu Viettel cũng gây chú ý khi đồng loạt giảm giá. Trong đó, VTP giảm trở lại 5,9% xuống 147.700 đồng. Các cổ phiếu cùng nhóm này như VGI, VTK hay CTR cũng chìm trong sắc đỏ.
Ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, các cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản, thép hay chứng khoán ghi nhận nhiều mã hồi phục. Ở nhóm bất động sản, DXG tăng trở lại 3,45%, PDR tăng 2,4%, DPG tăng 2,35%, NTL tăng 1,8%. Các mã như HTN, NDN, NRC, SCR… cũng đều đóng cửa trong sắc xanh.
Ở nhóm thép, HPG hồi phục với mức tăng 0,77%. Các mã khác như NKG, HDG, VGS hay TVN đều có phiên giao dịch tích cực, như VGS tăng tới 3%, TVN tăng 6,7%. Nhóm chứng khoán cũng ghi nhận nhiều cổ phiếu tăng giá nhưng mức tăng ở ngưỡng trung bình. APG gây chú ý nhất khi tăng trần, trong khi đó SSI chỉ tăng 0,61%, HCM tăng 1,07%, VCI tăng 1,1%.
Kiên nhẫn chờ đợi sự xác nhận đến từ thanh khoản
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Điểm trừ trong phiên hôm nay là thanh khoản lại sụt giảm khá mạnh so với 3 phiên trước, khối lượng khớp lệnh thấp hơn (-22,4%) so với mức trung bình 20 phiên cho thấy xu hướng tăng điểm chưa được xác nhận.
Đà tăng tập trung ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, thanh khoản lại sụt giảm nên phiên tăng điểm hôm nay chưa mang nhiều động lực để thay đổi xu hướng trước đó mà thiên về nhịp hồi kỹ thuật để test lại đường trung bình MA200 (1.260 điểm).
Vì vậy, chúng ta chưa vội vàng quay lại chiều hướng mới, mà cần kiên nhẫn chờ đợi sự xác nhận đến từ thanh khoản với mức điểm số vượt qua ngưỡng MA200 để cho điểm mua an toàn hơn.
Dòng tiền còn thận trọng
Chứng khoán AIS
Chỉ số VN-Index xuất hiện phiên hồi phục phiên thứ 2 với sắc xanh có phần lan tỏa hơn. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn thấp cho thấy dòng tiền còn e dè và thận trọng.
Trong kịch bản tích cực, đà phục hồi có thể sẽ tiếp diễn trong một vài phiên tới với kháng cự gần nhất là vùng 1.270 điểm (vùng đỉnh cũ tháng 12/2024). Nếu không, chỉ số sẽ cần tiến về các mốc hỗ trợ thấp hơn để kiểm chứng thêm động lực.
Hỗ trợ gần nhất của thị trường là khu vực 1.220 - 1.230 điểm (vùng giá trị của đường xu thế tăng giá hình thành từ tháng 4/2024).
Mua gom các cổ phiếu với kỳ vọng nắm giữ trung - dài hạn
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Chỉ số VN-Index đã có phiên hồi phục đầu tiên và dần bước tới trạng thái phân hóa cân bằng khi các mã cổ phiếu, đặc biệt là midcaps, đã đạt đủ mức chiết khấu.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nên tận dụng những phiên phục hồi kỹ thuật trong ngắn hạn để cơ cấu lại danh mục. Theo đó, có thể bán bớt các cổ phiếu chưa có xu hướng hồi phục rõ ràng để tích lũy sức mua và giải ngân một phần để mua gom các cổ phiếu với kỳ vọng nắm giữ trung - dài hạn ở những vùng giá thấp trong phiên.
Mở ra cơ hội thu hút lực cầu tích cực hơn
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Chỉ số VN-Index rút chân và đóng cửa ở mức cao nhất phiên. Dòng tiền bắt đáy đã trở nên sôi động hơn khi nhóm midcap được kéo với các lệnh mua khớp đuổi giá cao. Mặc dù tín hiệu trên chưa hoàn toàn xác nhận cho diễn biến giằng co đi ngang đã kết thúc, vùng giao dịch hiện tại đang cho phản ứng tốt của phe mua và sẽ mở ra cơ hội thu hút lực cầu tích cực hơn.
Dành đủ lượng tiền mặt sẵn sàng để thiết lập vị thế danh mục chắc chắn
Chứng khoán Asean
Chúng tôi nhận định các phiên tới thị trường chứng khoán trong nước sẽ tiếp tục diễn biến rung lắc trong ngắn hạn. Trong đó, vùng hỗ trợ quan trọng tiếp tục là mốc 1.240 điểm và kháng cự tại 1.275 điểm là ngưỡng kỹ thuật mà nhà đầu tư cần chú ý.
Trong thời gian tới, nhà đầu tư nên tiếp tục giải ngân từng phần với các cổ phiếu lớn, có tiềm năng tăng trưởng cao, nền tảng cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh tích cực và tăng trưởng mạnh mẽ đồng pha cùng với sự phát triển của nền kinh tế.
Đồng thời, luôn dành đủ lượng tiền mặt sẵn sàng để thiết lập vị thế danh mục chắc chắn trước bối cảnh thanh khoản cạn kiệt, định giá rất hấp dẫn và các yếu tố bất ổn vĩ mô đang đi vào những giai đoạn cuối cùng.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.