"Mưa" thưởng ESOP: Một mũi tên trúng nhiều đích

Dù ESOP là một chiến lược tối ưu giúp tăng vốn và củng cố đội ngũ nhân viên, nhưng nếu không cẩn trọng, nó có thể khiến một số cổ đông không hài lòng, từ đó gây ra những xung đột lợi ích...

esop-la-gi-1-5698

Gần đây, nhiều doanh nghiệp đồng loạt công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Động thái này không chỉ nhằm tăng vốn điều lệ, mà còn được xem như một chiến lược quan trọng để khích lệ tinh thần làm việc và giữ chân nhân sự chủ chốt.

Trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, các doanh nghiệp đang tìm cách cân bằng giữa việc tăng trưởng bền vững và cải thiện sự gắn bó của đội ngũ nhân viên.

“SÓNG” PHÁT HÀNH ESOP

Hội đồng quản trị FPT vừa công bố danh sách 226 cán bộ nhân viên được quyền mua hơn 7,3 triệu cổ phiếu ESOP với mức giá ưu đãi 10.000 đồng/cổ phiếu, chỉ bằng khoảng 8% so với giá thị trường của cổ phiếu FPT (133.000 đồng/cổ phiếu, chốt phiên giao dịch ngày 13/9).

Những nhân sự đủ điều kiện tham gia chương trình này chủ yếu là các cán bộ có cấp bậc từ Level 4 trở lên, tương đương với các vị trí chuyên gia và trưởng phòng. Cổ phiếu ESOP được phát hành sẽ có thời hạn hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm.

Người được mua nhiều nhất trong đợt phát hành này sẽ nhận được 277.852 cổ phiếu, tương đương giá trị thị trường khoảng 37 tỷ đồng, trong khi người được mua ít nhất cũng sở hữu gần 3.000 cổ phiếu.

Ngoài ra, Hội đồng quản trị cũng tiến hành triển khai Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 về việc phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ cấp cao. Theo đó, FPT dự kiến phát hành thêm hơn 3,3 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 0,22% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, với giá bán ưu đãi 10.000 đồng/cổ phiếu cho 7 cán bộ lãnh đạo cấp cao. Số cổ phiếu này sẽ có thời hạn hạn chế chuyển nhượng lên đến 10 năm.

Đặc biệt, ba lãnh đạo cấp cao sở hữu lượng cổ phiếu lớn nhất trong đợt phát hành lần này là ông Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm FPT, ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH FPT Smart, và ông Đặng Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm FPT. Mỗi người sẽ được quyền mua 920.000 cổ phiếu, tương đương với giá trị thị trường ước tính khoảng 120 tỷ đồng, nếu tính theo mức giá giao dịch hiện tại của cổ phiếu FPT.

Hay Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) đã chào bán 7,5 triệu cổ phiếu ESOP cho gần 100 cán bộ nhân viên với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, bằng 1/7 giá cổ phiếu trên thị trường. Ông Danny Le, Tổng Giám đốc tập đoàn đã hoàn tất mua lượng cổ phiếu lớn nhất (164.185 đơn vị) trong đợt chào bán, tương giá trị thị trường khoảng 12 tỷ.

Tương tự, Tập đoàn Gelex (mã chứng khoán: GEX) thông báo về việc phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP. Theo đó, Gelex sẽ phát hành 8 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu; thời gian nhận tiền mua cổ phiếu từ ngày 15/8/2024 đến hết ngày 29/8/2024.

Đáng chú ý, số cổ phiếu ESOP này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Lộ trình giải tỏa được chia làm 2 đợt: 50% số cổ phiếu được giải tỏa sau 30 tháng và 50% số cổ phiếu còn lại được giải toả sau 36 tháng.

Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) cũng thông qua kế hoạch phát hành 5 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP, tương ứng tỷ lệ 0,81% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành. Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn một nửa so với thị giá cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường.

Hay như Đầu tư Sài Gòn VRG (mã chứng khoán: SIP) dự kiến sẽ phát hành thêm 1.454.463 cổ phiếu ESOP, tương ứng tỷ lệ 0,7% tổng số lượng cổ phần đang lưu hành, nguồn vốn thực hiện là các quỹ khen thưởng Ban điều hành, quỹ khen thưởng – phúc lợi của công ty. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm kể từ ngày 30/8/2024 đến ngày 30/6/2027.

Đại diện ngành chăn nuôi là Tập đoàn Dabaco (mã chứng khoán: DBC) cũng đã hoàn tất chào bán 12 triệu cổ phiếu ESOP cho các lãnh đạo tập đoàn và công ty con với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, bằng 1/3 giá trên sàn.

Vừa qua, một loạt nhà băng cũng đã thông báo việc sẽ phát hành cổ phiếu ESOP, tuỳ từng ngân hàng sẽ có mức giá ưu đãi, số lượng cổ phiếu ESOP và điều kiện mua khác nhau.

Đơn cử như Nam A Bank (mã chứng khoán: NAB) dự kiến phát hành 50 triệu cổ phiếu ESOP với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành và sẽ được giải tỏa 50% trong năm thứ hai.

Hay như Techcombank (mã chứng khoán: TCB) trình cổ đông thông qua việc chào bán 19,8 triệu cổ phiếu ESOP, tương ứng tỷ lệ 0,2815% vốn điều lệ. Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu và cũng bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm…

Ở ngành chứng khoán, chính sách ESOP cũng được nhiều đơn vị duy trì nhằm giữ chân nhân tài như Chứng khoán SSI (mã chứng khoán: SSI), Chứng khoán Vietcap (VCSC - mã chứng khoán: VCI),...

Năm nay, SSI phát hành 10 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, chưa bằng 1/3 thị giá cho 250 cán bộ nhân viên. Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng và cũng là người được phân phối nhiều nhất, đã mua 1 triệu cổ phiếu ESOP tương đương giá trị thị trường hơn 30 tỷ.

Còn với Vietcap, công ty chứng khoán này chào bán hơn 4,4 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng, bằng 1/3 giá cổ phiếu trên sàn cho 142 người.

“MỘT CÔNG ĐÔI VIỆC”

Chương trình phát hành cổ phiếu theo kế hoạch lựa chọn cho người lao động (ESOP) ngày càng trở nên phổ biến và được xem là "vũ khí bí mật" của nhiều doanh nghiệp trong việc khích lệ và giữ chân nhân tài.

Hiểu một cách đơn giản, ESOP cho phép các công ty bán cổ phiếu với giá ưu đãi – thường thấp hơn nhiều so với giá giao dịch trên thị trường – cho những nhân viên xuất sắc hoặc đáp ứng các tiêu chí chọn lọc.

Nguồn phát hành ESOP thường lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, giúp các doanh nghiệp tận dụng nội lực sẵn có để mở rộng quy mô mà không phải huy động vốn từ bên ngoài.

Đối với các ngân hàng, ESOP còn mang lại nhiều lợi ích chiến lược. Việc phát hành cổ phiếu ưu đãi giúp các nhà băng đáp ứng tốt hơn các điều kiện về an toàn vốn, chẳng hạn như tỷ lệ CAR, tăng cường vốn trung và dài hạn, thúc đẩy đầu tư vào công nghệ…. Những nhân viên sở hữu cổ phần sẽ có động lực lớn hơn để làm việc, vì sự phát triển của doanh nghiệp giờ đây cũng đồng nghĩa với tăng giá trị tài sản cá nhân của họ.

Không chỉ vậy, khi trở thành cổ đông, nhân viên sẽ gắn kết hơn với doanh nghiệp, có trách nhiệm và tận tâm hơn trong công việc, tạo ra mối quan hệ đôi bên cùng có lợi.

Chính sách ESOP còn mang lại lợi thế tài chính cho doanh nghiệp khi khoản chênh lệch giữa giá cổ phiếu ESOP và giá thị trường không bị tính vào chi phí lương thưởng, giúp doanh nghiệp bảo toàn lợi nhuận trong khi vẫn bảo đảm phúc lợi cho nhân viên.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, không phải lúc nào việc phát hành ESOP cũng dễ dàng. "Game tăng vốn" luôn là một thách thức lớn, đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược kinh doanh vững chắc và khả năng quản trị tốt để tạo niềm tin cho nhân viên. Nếu không, sẽ khó mà thuyết phục họ mua cổ phiếu ESOP, dẫn đến tình trạng “ế”.

Vào tháng 7/2024, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã chứng khoán: BAF) thông báo chỉ bán thành công gần 2,49 triệu cổ phiếu ESOP trong tổng số hơn 7,17 triệu cổ phiếu chào bán, tương ứng lượng cổ phiếu "ế" là gần 4,69 triệu cổ phiếu. Dù giá bán là 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn một nửa so với giá thị trường trong thời gian chào bán, nhưng nhân viên của BAF vẫn không mặn mà.

Trước đó, vào tháng 3/2024, Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (mã chứng khoán: IDP) cũng ế 725.528 cổ phiếu ESOP, chiếm 61,5% tổng số cổ phiếu chào bán (gần 1,18 triệu cổ phiếu), tương đương chỉ bán ra được 454.000 cổ phiếu. Giá IDP chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu, “rẻ như cho” so với giá thị trường của IDP thời điểm đó là 253.000 đồng/cổ phiếu và thuộc top những cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất trên sàn.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng “ế ẩm” của cổ phiếu ESOP, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân Chứng khoán Yuanta Việt Nam chia sẻ, do điều khoản “giam” cổ phiếu trong 2-3 năm khiến người lao động lo rằng không biết trong vài năm tới giá cổ phiếu sẽ biến động ra sao, thậm chí giá có thể rơi về dưới giá mua, “cổ phiếu ưu đãi trở thành cổ phiếu ngược đãi”. Người lao động sẽ có sự tính toán trong việc bỏ vốn vào đâu để nhanh chóng sinh lời, bởi đây cũng là một khoản đầu tư của họ.

Yếu tố thời điểm cũng ảnh hưởng đến sự thành công của kế hoạch phát hành thành công. Nếu doanh nghiệp phát hành ESOP khi thị trường đang giảm mạnh như giai đoạn 2022 thì người lao động cũng không dám bỏ vốn mua, thay vào đó, trong giai đoạn thị trường tăng trưởng tỷ lệ thành công của việc phát hành sẽ cao hơn.

Còn nữa, nếu thanh khoản của cổ phiếu quá thấp thì dù được mua với giá ưu đãi, người lao động cũng cảm thấy cổ phiếu kém hấp dẫn vì khi họ muốn bán cũng không biết bán cho ai.

Một vấn đề đáng chú ý khác, doanh nghiệp cũng cần duy trì sự cân bằng giữa quyền lợi của nhân viên và cổ đông, đảm bảo rằng các cổ đông hiện hữu không bị ảnh hưởng quá lớn bởi sự pha loãng cổ phần.

Với các kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP hàng loạt của nhiều doanh nghiệp niêm yết trong giai đoạn 2024-2025, dự kiến hàng chục tỷ cổ phiếu sẽ "đổ bộ" lên sàn chứng khoán. Điều này dấy lên lo ngại về rủi ro pha loãng cổ phiếu và khả năng hấp thụ của thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Phát Đạt báo lãi quý 3/2024 giảm một nửa so với cùng kỳ

Phát Đạt báo lãi quý 3/2024 giảm một nửa so với cùng kỳ

Phát Đạt cho biết, lợi nhuận quý 3 giảm mạnh do tình hình kinh tế nhìn chung vẫn còn khó khăn trong đó có ngành bất động sản, vì vậy việc đầu tư và phát triển các dự án bất động sản của công ty chưa được thuận lợi...

Dow Jones và S&P 500 thiết lập kỷ lục mới

Dow Jones và S&P 500 thiết lập kỷ lục mới

Hai trong số ba chỉ số chính của Phố Wall đã ghi nhận mức kỷ lục mới, được hỗ trợ bởi ngành tài chính sau khi các ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý 3 ấn tượng. Trong khi đó, dữ liệu PPI mới một lần nữa củng cố cho kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 11…

Những “ông lớn” dẫn đầu vốn hóa trên sàn chứng khoán Việt Nam

Những “ông lớn” dẫn đầu vốn hóa trên sàn chứng khoán Việt Nam

6 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt bao gồm những cái tên đình đám: Vietcombank, BIDV, ACV, FPT, VietinBank và Vinhomes. Những "ông lớn" này không chỉ chiếm lĩnh thị trường bằng quy mô vốn hóa khổng lồ mà còn vượt trội trong kết quả kinh doanh và tiềm năng phát triển dài hạn...

HOSE và HNX cắt margin 170 mã chứng khoán trong quý 4/2024

HOSE và HNX cắt margin 170 mã chứng khoán trong quý 4/2024

Các nguyên nhân bị cắt margin gồm chứng khoán thuộc diện cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch; lợi nhuận sau thuế là số âm, báo cáo kiểm toán có ý kiến của đơn vị kiểm toán; thời gian niêm yết dưới 6 tháng…

VN-Index kỳ vọng sẽ công phá mốc 1.300 điểm trong tháng 10

VN-Index kỳ vọng sẽ công phá mốc 1.300 điểm trong tháng 10

Tháng 10, thị trường chứng khoán Việt Nam dự báo tiếp tục đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Mặc dù có thể cần một giai đoạn tích lũy ngắn hạn, nhưng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vào cuối năm 2024 và 2025 sẽ hỗ trợ thị trường quay lại đà tăng trưởng...

Doanh nghiệp đồng hành cùng Gala Doanh nhân Thăng Long 2024

VNPTEVNHanelDaewooDu lịch Hà NộiEurowindowGeleximcoHandicoHà Nội groupHaproMay 10May Hồ GươmQuân Đức Thảo dượcROXSâm Ngọc LinhThi SơnThuỷ TạUDICViệt Mỹ