Không có kế hoạch, bạn sẽ tự đưa mình vào thế hoàn toàn bị động và mơ hồ về mọi việc. Bạn thậm chí không biết mình sẽ bán gì cho khách, nước uống hay sự thỏa mãn cơn khát?
Bạn không biết nên đứng ở đâu giữa chợ (positioning, target segments), mà một khi đã đứng giữa chợ thì làm gì có thời gian cho bạn suy nghĩ. Trong khi còn chưa quyết định được sẽ bán cho người xuôi kẻ ngược, bạn đã bị bóp chết bởi “tua tủa giáo mác” của hàng trăm đối thủ xung quanh.
Không có Kế hoạch Kinh doanh, bạn sẽ loay hoay, rối bời, vật vã ngay trong chính sự đam mê và nhiệt huyết của mình.
"Muốn khởi nghiệp, bạn phải có kế hoạch. "If you fail to plan, you are planning to fail."
Để khởi nghiệp, bạn phải có kế hoạch. Nhưng trước hết hãy làm bài tập sau.
1. Bạn sẽ bán sản phẩm hay dịch vụ gì?
Đây chưa hẳn là câu hỏi dễ. Để trả lời, bạn cần đặt nhu cầu của khách hàng lên hàng đầu và luôn ghi nhớ: chúng ta cần bán cái khách hàng cần chứ không phải cái chúng ta có.
Khách hàng khát nước chứ chưa chắc thèm cà phê của bạn!
2. Thực sự có thị trường cho sản phẩm hay dịch vụ của bạn không?
Bạn không thể dùng giả định (assumptions) của bản thân để khẳng định về nhu cầu của thị trường. Việc bạn đang có một vấn đề nào đó cần giải quyết (nhu cầu) chưa hẳn là một nhu cầu trên thị trường.
3. Nếu ý tưởng kinh doanh của bạn là khả thi thì làm sao bạn có thể bảo vệ được ý tưởng đó?
Nên nhớ, nếu bạn làm được thì cũng có thể có những người khác làm được. Và người đi sau bắt chước bạn có thể làm tốt hơn bạn vì họ học được nhiều từ bạn.
4. Bạn cần có kỹ năng gì để thực hiện ý tưởng trên?
Tốt nhất bạn cần có kỹ năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực định kinh doanh. Tuy nhiên, nếu đó là một ý tưởng đột phá (innovative) hoặc rất khả thi nhưng bạn chưa có đủ kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết, bạn có thể cân nhắc việc mời hay thuê người khác về làm cộng sự, đối tác, nhân viên của bạn.
Trong trường hợp này bạn cần biết phải làm gì để bảo vệ ý tưởng kinh doanh và để không phụ thuộc quá vào kỹ năng của người giúp đỡ bạn.
5. Đối thủ cạnh tranh của bạn là ai?
Hiểu biết về đối thủ cạnh tranh không chỉ dừng ở mức liệt kê được tên của các nhà hàng trong khu vực mình định mở tiệm phở.
Bạn cần phải biết chi tiết về từng đối thủ: họ đã ở đó lâu chưa, bán món gì với giá nào, cung cách chào hàng và phục vụ của họ ra sao, thực khách của họ là ai, làm nghề gì, là cư dân địa phương hay người đi làm ở văn phòng gần đó, thu nhập bao nhiêu, sở thích, thói quen chi tiêu như thế nào, v.v…
Tóm lại, bạn cần biết rõ đối thủ cạnh tranh của bạn đang bán gì, bán cho ai và bán như thế nào.
6. Bạn khác với đối thủ cạnh tranh như thế nào?
Sau khi hiểu rõ về đối thủ cạnh tranh, bạn hãy nhìn lại ý tưởng kinh doanh của mình xem nếu triển khai thì sẽ mang đến sự khác biệt nào cho thị trường (USP). Sẽ khó thành công nếu bạn đi sau nhưng lặp lại những thứ người đi trước đã làm.
Bắt chước chắc chắn chết!
7. Bạn có khả năng tài chính để khởi sự kinh doanh hay chưa?
Vấn đề “đầu tiên” muôn thuở vẫn là “tiền đâu”. Đa số các bạn trẻ khởi nghiệp đều gặp khó khăn về vốn. “Có bột mới gột nên hồ”, ý tưởng dù hay đến đâu cũng sẽ mãi chỉ là ý tưởng nếu không có tiền để thực hiện. Vậy thì tiền ở đâu ra?
Trước hết, đó là toàn bộ tiền bạn đã tiết kiệm được, là toàn tâm, toàn ý, toàn sức của bạn dành cho business. Tiếp theo là sự ủng hộ, giúp đỡ của gia đình, bạn bè, những người thân thích, rồi mới đến các khoản vay (small business loans) từ ngân hàng và các nhà đầu tư thiên thần (angel investors).
Gia đình, bè bạn của bạn là những 'angel investors' đầu tiên mà bạn cần tiếp cận, nhưng họ không thể góp tiền cho bạn nếu chưa thấy bạn cam kết. Ngân hàng cũng sẽ không cho bạn vay nếu thấy kế hoạch kinh doanh của bạn không khả thi.
Và các 'sharks' (nhà đầu tư mạo hiểm) càng không 'ăn thịt' bạn nếu thấy bạn chưa thực sự 'all in', đánh cuộc hết mình cho cuộc chơi bạn đang vẽ.
Bài viết của ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Công ty TNHH Opalese Việt Nam
Sáng lập & Chủ sở hữu Công ty Du lịch Visit Sydney, Australia
Đăng trên Diễn đàn Quản trị và Khởi nghiệp