Muốn luật hoá hộ kinh doanh thành doanh nghiệp: Cần trả lời câu hỏi "vì sao"

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khi tiến hành cho ý kiến về dự án luật Doanh nghiệp (sửa đổi), trong đó bàn nhiều đến vấn đề thừa nhận hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh bên cạnh loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần...
Muốn luật hoá hộ kinh doanh thành doanh nghiệp: Cần trả lời câu hỏi "vì sao"

Theo Tờ trình dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tại phiên họp, Bộ trường Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, một trong nội dung còn khiếm khuyết là hộ kinh doanh không rõ ràng về địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự; quyền kinh doanh bị giới hạn trong phạm vi cấp quận, huyện; chỉ được sử dụng dưới 10 lao động; không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện...

“Chính hạn chế pháp lý này dẫn đến cản trở hộ kinh doanh tận dụng và phát huy tối đa cơ hội kinh doanh; không phát huy hết được lợi ích của nguồn lực đầu tư dưới hình thức hộ kinh doanh” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Về đề xuất này, Ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra dự án luật) cho rằng, hộ kinh doanh là một bộ phận cấu thành không nhỏ của nền kinh tế, cần được khẳng định về địa vị pháp lý và luật hóa các quyền, nghĩa vụ để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hộ kinh doanh phát triển, nâng cao năng lực quản trị, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng với các chủ thể khác khi tham gia thị trường.

Do vậy, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn về khái niệm, loại hình, đối tượng được thành lập, nghĩa vụ đăng ký, chủ hộ và các thành viên, quyền và nghĩa vụ (thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, môi trường...) của hộ kinh doanh; quy định về tạm ngừng, chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; quy định về quản trị, kế toán, theo hướng đơn giản, thuận lợi về thủ tục hành chính nhằm bảo đảm vừa khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh vừa tạo sự công bằng, bình đẳng, minh bạch với doanh nghiệp.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, nhiều thành viên UBTVQH bày tỏ chưa yên tâm, đề nghị cân nhắc kỹ việc đưa hộ kinh doanh vào luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cần cân nhắc, đánh giá kĩ tác động việc đưa hộ kinh doanh vào dự luật. Bà cho rằng, “khi đưa một chủ thể vào một luật thì phải hết sức cân nhắc, vì luật doanh nghiệp từ trước đến nay điều chỉnh doanh nghiệp, giờ lại đưa hộ kinh doanh vào”.

Trưởng ban Công tác Đại biểu Trần Văn Túy cũng đề nghị thận trọng đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật nếu không sẽ gây tâm lý hoang mang cho các hộ kinh doanh. Bởi lẽ, “trong dự luật này ngoài việc bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh thì chưa thấy quy định gì khuyến khích để hộ này phát triển hơn” – ông đánh giá.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, kinh doanh là quyền của công dân được pháp luật quy định. Người dân có quyền kinh doanh ngành nghề cảm thấy phù hợp, còn Nhà nước quản lý doanh nghiệp và hộ kinh doanh bằng hệ thống pháp luật.

Theo ông, trước khi luật hóa quy định về hộ kinh doanh thì cần phải trả lời câu hỏi vì sao hộ kinh doanh không thích lên doanh nghiệp? Trả lời câu hỏi này, ông cho rằng, ngoài vấn đề thuế phức tạp thì khả năng quản trị, quản lý tài chính, rồi thanh kiểm tra cũng khiến hộ kinh doanh không thích thành doanh nghiệp.

Ông cũng tỏ rõ quan điểm: “Khi đưa tất cả hộ kinh doanh vào điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải đảm bảo theo Luật Doanh nghiệp thì tương lai sự phát triển của hàng triệu hộ kinh doanh như thế nào, nên đánh giá tác động kỹ về vấn đề này chứ không vội được, tôi chưa đồng tình lắm”.

Có thể bạn quan tâm